Ngày 14/9, Hội thảo "Tiềm năng ứng dụng than sinh học giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp Việt Nam" đã diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo thuộc Chương trình hỗ trợ quốc tế do Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và liên danh thực hiện dự án “Thúc đẩy hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ ở Việt Nam” tổ chức.
Hội thảo nhằm giới thiệu về tiềm năng ứng dụng than sinh học để giảm phát thải các-bon trong nông nghiệp và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển sản xuất than sinh học tiêu chuẩn ở Việt Nam, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam đến năm 2050.
Theo ông Vũ Thanh Liêm, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT), nông nghiệp và năng lượng là các lĩnh vực phát thải và hấp thụ các-bon chủ yếu của Việt Nam. Vì vậy, các lĩnh vực này đã xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu giải phát thải của Việt Nam như phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp và chế biến, bảo quản sau thu hoạch, tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và xử lý chất thải...
Ứng dụng than sinh học là một trong những sự lựa chọn để bắt nhịp với xu hướng “xanh” và “sạch” toàn cầu, thoát ly dần nguồn năng lượng hóa thạch, tận dụng tối đa tài nguyên tái tạo từ nguồn phụ phẩm, chất thải trong nông.
Bà Sibylle Bachmann, Phó trưởng Ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam thông tin, dự án "Thúc đẩy hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ ở Việt Nam” là dự án nâng cao năng lực do UNIDO và các đối tác thực hiện với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) nhằm hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển xanh.
“Công nghệ nhiệt phân đóng vai trò quan trọng trong giảm tác động tới môi trường và cũng là cơ hội kinh doanh tốt, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân trong phát triển xanh. Tuy nhiên, để hình thành và thúc đẩy thị trường than sinh học, cần có khung pháp lý phù hợp”, bà Bachmann nêu vấn đề.
Đóng góp tham luận về nhu cầu và thị trường than sinh học từ quá trình nhiệt phan chất thải nông nghiệp quy mô nhỏ tại Việt Nam, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết nông nghiệp là một trong bốn hướng ứng dụng chính của than sinh học tại Việt Nam, bên cạnh lĩnh vực xử lý nước thải, sản xuất than hoạt tính và thị trường các bon.
Theo ông Thịnh, ứng dụng than sinh học trong cải tạo đất, sản xuất phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và bổ sung vào thức ăn chăn nuôi là một hướng đi mới của ngành nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh tình trạng sa mạc hóa, suy thoái, ô nhiễm và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh cần có chiến lược và hỗ trợ, phát triển công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam để đưa các sản phẩm úng dụng than sinh học vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả và phát triển hơn.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đóng góp các tham luận về thúc đẩy công nghệ nhiệt phân quy mô nhỏ như công nghệ xanh sản xuất than sinh học, ứng dụng than sinh học cho nông nghiệp các-bon, khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển sản xuất than sinh học tiêu chuẩn ở Việt Nam…
Than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp được biết đến là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, qua đó hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Từ năm 2017, UNIDO với sự tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học như một giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.