Mới đây, Cty CP Phân bón & dịch vụ tổng hợp Bình Định (Biffa) chuyên SXKD các sản phẩm phân bón và dịch vụ đa ngành nghề, đã phối hợp thực hiện đề tài của tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa sản xuất phân bón từ vỏ trấu với tên gọi Biochar.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết: Qua hàng ngàn năm con người khai thác đất đai đến cạn kiệt nhưng sự bù đắp và trả lại cho đất quá nhỏ. Vì vậy, chúng ta phải hết sức quan tâm, phải trả ngay lại ngay những gì mà con người lấy đi. “Đừng nghĩ hàng năm chúng ta bón vào gốc cây trồng vài bao phân NPK là đủ, mà hãy hành động ngay vì một nền nông nghiệp bền vững, vì một một môi trường trong lành, vì một hành tinh xanh” – TS Nghĩa nói.
Sử dụng phân bón Biochar giúp bà con giảm chi phí sản xuất trong quá trình chăm sóc cây trồng,. Nhất là, tận dụng tốt các phế phẩm nông nghiệp, làm sạch đất cũng như sử dụng hiệu quả những sản phẩm mà mình làm ra. Đối với nhiều hộ nông dân, sản xuất quy mô thì lượng phế phẩm nông nghiệp còn tồn đọng lại sau mỗi vụ thu hoạch là rất lớn. Vì vậy, nếu biết xử lí đúng cách và hiệu quả những phế phẩm đó không những tiết kiệm được chi phí mà còn giảm được đáng kể sâu bệnh trong những vụ sản xuất tiếp theo.
Tiến sỹ Nguyễn Thu Hà, Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa cho rằng: Chúng ta lạm dụng quá mức về phân bón hóa học đã để lại không nhỏ những hệ lụy cho đất.
Than sinh học vào đất sẽ hấp thụ các chất ô nhiễm như kim loại và thuốc trừ sâu ngấm vào đất.
Biochar thành phần chủ yếu là cacbon, nên khả năng ngậm nước là rất tốt. 1 kg Biochar sau khi nhúng vào nước có thể hút 400 gram nước. Ngoài tính hút nước thì Biochar được xem là “ngân hàng dự trữ nước”. Nếu chúng ta mang 1.400 gram Biochar vừa nhúng nước để ngoài không khí với thời gian là 7 ngày thì khối lượng của của Biochar là 1.350 gram. Điều này, chứng tỏ Biochar có khả năng chống bốc hơi và dự trữ nước cực kì tốt, đặc tính này giúp ích rất nhiều trong việc giữ ẩm cho đất.
Theo ông Võ Tuấn Toàn, GĐ Cty Phân bón Biffa, việc phát triển phân sinh học Biochar dựa trên hợp chất hữu cơ làm nền tảng để từ đó kết hợp và làm tăng hiệu quả tối ưu cho Biochar. Quan trọng nhất, nó bổ sung dưỡng chất cho đất. Carbon hữu cơ sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật đất cần thiết cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là nấm rễ.
Với mục đích trả lại dinh dưỡng cho đất, nhiều hộ nông dân sau khi thu hoạch xong thì dùng chính vỏ cà phê hoặc lá cây, vỏ trấu, rơm rạ để ủ trực tiếp vào đất hoặc gốc cây trồng. Phương pháp này cũng giúp giữ ẩm và tăng dinh dưỡng cho đất, nhưng lại có nhược điểm là thời gian để các phế phẩm đó phân hủy thành chất dinh dưỡng lại rất lâu. Hơn nữa, nếu ủ không đúng phương pháp thì những vi sinh vật có hại còn tồn tại trong các phế phẩm nông nghiệp sẽ tiếp tục lên men gây bệnh cho đất và cây trồng. Dùng phương pháp nhiệt phân hay còn gọi là đốt gián tiếp, những chất độc hại và các vi sinh vật gây bệnh sẽ bị tiêu hủy. Đồng thời, vẫn giữ nguyên các chất dinh dưỡng có trong phế phẩm nông nghiệp, mà cụ thể là cacbon hữu cơ.
Bằng phương pháp đốt trong môi trường yếm khí, quá trình sản xuất Biochar hạn chế tối đa việc thải khí CO và CO2 ra môi trường, từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và phát triển theo hướng bền vững.
Cách sản xuất Biochar
Mỗi gia đình cần chuẩn bị một phễu (có lỗ ở nón, có ống thoát khói). Nhóm một mồi lửa cho cháy mạnh, sau đó chụp phễu trên mồi lửa, bà con lưu ý chụp sao cho mồi lửa nằm hoàn toàn trong phễu, không lọt ra bên ngoài. Rải vỏ trấu xung quanh phễu, vỏ trấu phải phủ kín hết các lỗ nhỏ của phễu. Một lần rải có thể là một bao hay hai bao trấu, tùy vào kích thước của phễu. Sau 1, 2 giờ, khi nhận thấy vỏ trấu đã đen, chúng ta cào lớp trấu ra xung quanh và rải lên một lớp khác, cứ như thế lặp 2,3 lần trong một mẻ đốt.
Trong quá trình đốt, bà con nên thường xuyên đảo các lớp trấu với nhau để trấu cháy cho đều. Khi nhận thấy vỏ trấu đã cháy đều thì rải nước cho vỏ trấu nguội và thu hồi biochar. Bà con lưu ý trong quá trình nung, chúng ta nên thường xuyên kiểm tra trấu, không để vỏ trấu cháy chuyển sang màu xám (tức là tro) thì sẽ không đạt hiệu quả. Lượng biochar đạt chất lượng là phải còn nguyên vẹn hình dạng vỏ trấu, chỉ chuyển từ màu vàng sang màu đen. Bà con có thể áp dụng phương pháp này với nhiều loại phế phẩm khác như vỏ cà phê, mùn gỗ.
Lượng phân bón Biochar sau khi thu được vẫn giữ nguyên 90% các chất có trong vỏ trấu, trong đó 50% là cacbon, lượng cacbon này giúp cải tạo đất, đẩy nhanh sự phát triển của các vi sinh vật có trong đất. Đặc biệt, làm tăng độ phì cho đất, tăng năng suất trên nhiều loại cây trồng. So với nhiều loại phân bón hóa học thì phân bón Biochar làm từ vỏ trấu không gây ô nhiễm môi trường đất, không ảnh hưởng tới sự phát triển của các động vật sống trong đất như giun, dế…từ đó làm cân bằng hệ sinh thái trong đất, tăng độ tơi xốp giúp cây trồng phát triển nhanh và khỏe mạnh.