| Hotline: 0983.970.780

Cần xem lại tư cách ĐBQH của Phó chủ tịch tỉnh đi Lexus

Chủ Nhật 12/06/2016 , 13:33 (GMT+7)

Xung quanh câu chuyện Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh biến xe tư thành xe công, trao đổi với VietNamNet, Phó chủ nhiệm UB Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến gọi đó là việc “dán mác công vào xe tư”.

phó chủ tịch đi lexus, phó chủ tịch tỉnh hậu giang, trịnh xuân thanh, lê như tiến
Phó chủ nhiệm UB Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Lê Như Tiến

 

Dán mác công vào xe tư là sai quy định

Là một trong những ĐBQH khóa 13 lên tiếng mạnh mẽ về nạn tham nhũng cũng như công tác cán bộ, ông có bình luận gì về việc Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang biến xe tư thành xe công mà dư luận đang bức xúc?

Tôi gọi đây là vụ việc “dán mác công vào xe tư”, qua đó thể hiện sự lập lờ đổi biển “trắng thành xanh” của ông Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Tại sao xe của mình biển trắng lại đổi biển xanh để đi?

Theo tôi phong trào xin được biển số xanh để đi mục đích là trục lợi, vụ lợi qua mắt các cơ quan CSGT và các cơ quan chức năng. Điều đó là vi phạm pháp luật.

Vì bản thân anh như thế nào thì đi xe có biển số xe phù hợp thế đó. Theo quy định nhà nước, phải đủ tiêu chuẩn một cấp nào đó trở lên mới được đi xe công nhưng ở đây mình chưa đủ tiêu chuẩn lại tự đi đổi biển trắng thành xanh là sai quy định.

Theo quy định hiện nay về sử dụng xe công, phải cấp từ thứ trưởng trở lên mới được trang bị xe công trong phạm vi 1 tỷ trở xuống. Trong khi đó Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe rất sang trọng, trị giá 5 tỷ đồng trong một tỉnh không phải quá giàu có.

Là lãnh đạo tỉnh, lẽ ra anh phải gương mẫu chấp hành quy định của nhà nước nhưng đây anh lại tỏ vẻ ngông nghênh, “chơi sang”, thách thức dư luận. Đấy có phải là phẩm chất của một cán bộ nhà nước trong tình hình hiện nay không?

Theo ông việc Tổng bí thư chỉ đạo 10 cơ quan vào cuộc kiểm tra vụ việc này nói lên điều gì?

Tôi thấy rất tán đồng và ủng hộ trước việc xử lý rất nhanh của các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Đặc biệt là Tổng bí thư đã lên tiếng giao nhiệm vụ này cho các cơ quan chức năng.

Đó là phản ứng rất nhanh, rất nhạy cảm của người đứng đầu Đảng.

Chỉ có điều việc xử lý không chỉ dừng lại ở việc tháo biển xanh ra, trả lại biển trắng như cũ mà phải xử lý cán bộ như thế nào?

Tại sao cán bộ lại đi đánh lận “trắng thành xanh” như thế để vô hình trung lừa dối các cơ quan nhà nước, lừa dối cả nhân dân. Vì vậy cần phải xem lại phẩm chất, uy tín của ông phó chủ tịch tỉnh này.

 

Có phải lên chức để “chạy lỗ”?

Một vấn đề dư luận đang đặt ra là câu chuyện đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển của vị Phó chủ tịch này từ một lãnh đạo DNNN thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng?

Điều đó cho thấy khâu tuyển chọn, đề bạt, trọng dụng, luân chuyển cán bộ của chúng ta đang có vấn đề.

Một người quản lý cho một DN lớn của nhà nước là tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí VN làm ăn thua lỗ lại được đưa lên vị trí quản lý nhà nước cao như thế thì phải xem lại quy trình đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ.

Một lãnh đạo mà để công ty thua lỗ hơn 3.000 tỷ vẫn đề bạt vào vị trí quản lý nhà nước cao hơn thì theo tôi phải làm rõ có phải luân chuyển để “chạy lỗ”, để từ chối món nợ mà mình chính là tác giả không?

Như vậy rõ ràng từ câu chuyện “dán mác công vào xe tư” đến việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trước đó của ông Phó chủ tịch Hậu Giang cho thấy vấn đề không chỉ liên quan đến một mình cá nhân ông Thanh?

Đúng như thế. Chắc chắn những gì liên quan đến việc bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển ông ấy phải có cả một bộ máy, quy trình thực hiện. Vì vậy cũng cần phải làm rõ các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tại sao lại để một lãnh đạo công ty nhà nước đang bị thua lỗ “chạy lỗ”, “trốn lỗ” để được đề bạt lên làm quản lý nhà nước ở vị trí cao hơn? Đây chính là vấn đề dư luận lên tiếng cần phải làm rõ.

 

Có đủ uy tín để nói trước dân không?

Mặc dù có nhiều chuyện lùm xùm như thế nhưng mới đây ông Phó chủ tịch Hậu Giang lại vừa trúng cử ĐBQH khóa 14. Theo ông như vậy có thấu tình đạt lý hay không?

Những người như thế có lẽ tốt nhất nên rút khỏi bộ máy quản lý. Vì đã như thế, ông không còn uy tín để tiếp tục làm việc. Cả danh hiệu ĐBQH ông ấy vừa được người dân tín nhiệm bầu cũng như chức Phó chủ tịch UBND tỉnh thì với hành xử của ông ấy như vậy có còn đủ uy tín để đảm nhiệm không, có đủ uy tín để nói trước dân không? Đấy chính là vấn đề cần đặt ra.

Nếu ông ấy đã được bầu vào ĐBQH thì cần phải xem lại tư cách ĐB của ông ta. Ủy ban thẩm tra tư cách ĐB của QH cần tiến hành làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một ĐB như thế nào để xem ông ấy đã đủ các phẩm chất, tiêu chuẩn ấy chưa.

Đây là những cái cần phải làm rõ và xử lý nghiêm! Câu chuyện này không còn là chuyện của cá nhân ông ấy mà là một tấm gương cho những cán bộ có chức có quyền khác.


Ngày 10/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí VN khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe cá nhân gắn biển số xanh, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/6.

Trước đó, ngày 9/6, Văn phòng TƯ thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung liên quan đến Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

 

(vietnamnet.vn)

Xem thêm
Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.