| Hotline: 0983.970.780

Căng thẳng ở biển Đông đang thách thức quan hệ Việt - Trung

Thứ Năm 08/05/2014 , 12:54 (GMT+7)

Hy vọng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng để Trung Quốc rút giàn khoan không phải là điều dễ dàng.

'Việt Nam được xem là khúc xương khó nhằn nhất Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc đặt được giàn khoan ở vùng biển Việt Nam thì không có lý do gì họ không làm được việc tương tự với Philippines, Malaysia, Indonesia', thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông, nhận định.

- Ngày 3/5, Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hành động này?

- Hành động này của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, nó nằm trong chiến lược sâu xa của Trung Quốc, được ngụy trang dưới cái gọi là “đường lưỡi bò” để làm sao chiếm được toàn bộ biển Đông. Dù bị quốc tế phản đối vì không có cơ sở nhưng Trung Quốc chỉ quan tâm làm sao thực hiện được việc độc chiếm biển Đông của mình.

hoangvietb-2106-1399522626.jpg

Ông Hoàng Việt là thạc sĩ Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. Ảnh: NVCC.

Nếu Việt Nam để Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế thì sẽ thành một tiền lệ xấu. Trung Quốc sẽ lấn tới, tiếp tục đặt ở nơi khác, rồi cứ thế Việt Nam đứng trước nguy cơ không còn biển nữa.

Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là khúc xương khó nhằn nhất Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc đặt được giàn khoan ở vùng biển Việt Nam thì không có lý do gì họ không làm được việc tương tự với Philippines, Malaysia, Indonesia...

- Những ngày qua, Trung Quốc đã huy động máy bay, 80 tàu trong đó có nhiều tàu quân sự xâm nhập thềm lục địa Việt Nam. Ông nhận định ra sao khi Việt Nam kiềm chế bằng lực lượng chấp pháp của cảnh sát biển và kiểm ngư?

- Tương quan lực lượng chỉ là một phần, không phải cứ đông là sẽ áp đảo. Mỹ từng nhận định trong một nghiên cứu mới đây: Trung Quốc đang có 3 cuộc chiến bên ngoài mưu đồ ở biển Đông, đó là cuộc chiến truyền thông, luật pháp và tâm lý. Việt Nam chắc chắn đã có sự chuẩn bị cần thiết.

Trung Quốc muốn giành biển Đông không bằng biện pháp quân sự nên họ đang tạo sức ép, đe dọa tâm lý, gây căng thẳng, dùng số lượng lớn để uy hiếp đối phương. Đây là đòn cơ bản của Trung Quốc.

- Giàn khoan HD 981 được cho là đã định vị, vậy khả năng Trung Quốc rút ra vào tháng 8 như nước này tuyên bố sẽ như thế nào?

- Định vị được giàn khoan thì họ sẽ khoan thăm dò. Để khoan dầu phải mất rất nhiều thời gian và Trung Quốc sẽ tìm nhiều cách thực hiện ý đồ. Nhưng chắc chắn Việt Nam cũng sẽ bằng mọi cách để không cho Trung Quốc làm việc đó.

- Việt Nam tuyên bố kiềm chế có giới hạn, nhưng nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, giới hạn bị phá vỡ thì điều gì xảy ra?

- Việt Nam không gây hấn nên sẽ không hành động trước. Giới hạn là không dùng biện pháp quân sự. Trung Quốc đi quá giới hạn đó thì Việt Nam chắc chắn sẽ hành động phù hợp. 


Video tàu Trung Quốc hung hãn đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam công bố)

- So với những lần va chạm từ khi bình thường hóa quan hệ, ông đánh giá cấp độ khủng hoảng lần này thế nào?

- Không hẳn là khủng hoảng lớn nhất, nhưng nó là thử thách lớn trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Có thể chưa nghĩ tới khả năng xảy ra xung đột vũ trang vì hai bên không muốn có xung đột quân sự, tuy nhiên, Trung Quốc đang tìm mọi cách để khoan xuống đáy biển, còn Việt Nam cũng tìm mọi cách không cho Trung Quốc thực hiện ý đồ. Tình hình theo tôi là rất căng thẳng nhưng hai bên vẫn có sự kiềm chế nhất định.

- Vậy ứng xử tiếp theo của các bên sẽ là gì?

- Tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan trở lại đảo Tri Tôn hoặc ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng để Trung Quốc rút giàn khoan không phải là điều dễ dàng.

 

(vnexpress.net)

Xem thêm
Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.