| Hotline: 0983.970.780

Hiệp hội gỗ Việt Nam: Nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại song phương

Thứ Hai 07/04/2025 , 17:36 (GMT+7)

Hiệp hội Gỗ đề xuất Chính phủ xem xét các chính sách nhập khẩu, từ đó tạo thêm đầu ra cho sản phẩm gỗ của Hoa Kỳ, góp phần cân bằng thương mại.

Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chiều 7/4, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ thông tin về vấn đề đặt ra là tại sao sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ lại nhiều đến vậy?

Theo ông Hoài, trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông – lâm sản của nước ta đạt 13 – 14 tỷ USD thì riêng ngành gỗ và lâm sản đã chiếm khoảng 9,4 tỷ USD. Ở tầm quốc gia, đây là ngành có mức xuất siêu lớn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 323 triệu USD gỗ mỗi năm từ Hoa Kỳ, trong đó có tới 300 triệu USD là gỗ nguyên liệu (gỗ sồi, gỗ tần bì…), được dùng để chế biến thành sản phẩm tinh chế rồi tái xuất trở lại Hoa Kỳ. Đáng chú ý, hiện nay Hoa Kỳ luôn tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ và Việt Nam là quốc gia nhập gỗ lớn thứ 2 thế giới từ Mỹ.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ phát biểu trong cuộc họp chiều 7/4. Ảnh: Khương Trung.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ phát biểu trong cuộc họp chiều 7/4. Ảnh: Khương Trung.

Bên cạnh đó, ông Hoài cho biết thêm, mỗi năm Hoa Kỳ nhập khoảng 23 – 24 tỷ USD đồ gỗ nội thất, trong đó Việt Nam cung cấp khoảng 38 – 40% kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là những sản phẩm gỗ thành phẩm chất lượng cao được chế biến tại Việt Nam với nguồn nhân công giá rẻ.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu gỗ sang Mỹ tăng nhanh đến vậy, theo ông Hoài, do từ năm 2018, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc bị áp thuế từ 25% đến trên 200%, còn Việt Nam thì không chịu bất kỳ thay đổi nào về thuế quan. Do đó, đây là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu thô từ Hoa Kỳ và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao sang đối tác. Điều này cũng phù hợp với chính sách của cả thời Tổng thống Trump lẫn Tổng thống Biden – đó là đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp đồ nội thất lớn thứ hai cho Hoa Kỳ – một bước phát triển đột phá. Điều đó cũng khiến ngành gỗ Việt Nam trở thành đối tượng bị theo dõi sát sao hơn. Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam dù đã nhiều lần trải qua các đợt điều tra từ phía Hoa Kỳ nhưng đến nay vẫn đạt được nhiều thoả thuận hợp tác kỹ thuật, đảm bảo gỗ khai thác hợp pháp.

Đối với chính sách thuế “gây sốc” ở mức 46%, phản ứng của doanh nghiệp cả FDI và nội địa đều đang cố gắng thích ứng, chưa tính đến việc rút khỏi thị trường vì việc dịch chuyển sang nước khác là không đơn giản.

Về giải pháp, ông Hoàn thông tin, trước mắt, doanh nghiệp vẫn giữ vững bình tĩnh, đồng thời đặt niềm tin vào nỗ lực đàm phán của Chính phủ. Đặc biệt, việc Việt Nam đưa ra quyết định miễn phí hoàn toàn cho lô hàng gỗ nhập từ Hoa Kỳ cho thấy tín hiệu thiện chí rõ của những lãnh đạo đứng đầu đất nước.

Về dài hạn, hiệp hội kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ tài chính, tài khóa tiền tệ như đã từng áp dụng thời COVID: hoãn nợ, giãn thuế, giảm tiền thuê đất… để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Với những giải pháp cụ thể, ông Hoàn chia sẻ một thông tin, mới đây Trung Quốc đã cấm nhập gỗ tròn, gỗ xẻ của Mỹ (mỗi năm ước tính tầm 2 tỷ USD), do đó Hoa Kỳ đang tìm đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu này của mình. Do đó, Hiệp hội gỗ đề xuất Chính phủ xem xét lại các chính sách để có thể khai thác cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ gỗ xẻ lớn nhất thế giới với giá trị lên đến 2 tỷ USD mỗi năm. Đây có thể là cách để tạo thêm đầu ra cho sản phẩm gỗ tròn, gỗ xẻ của Hoa Kỳ, góp phần cân bằng thương mại song phương.

Trong nguy luôn có cơ. Ông Hoài cho rằng, thách thức hiện tại có thể là động lực để chúng ta cơ cấu lại ngành, tập trung vào các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao như nội thất – nơi mà Việt Nam có nhiều lợi thế.

Xem thêm
Cội nguồn thiêng liêng nối truyền một mối Hồng Bàng

Cội nguồn thiêng liêng từ các bậc Hùng Vương đã tạo dựng một mối liên kết bền vững cho các dân tộc Việt Nam cùng nhau gìn giữ và phát triển đất nước.

Bình luận mới nhất