Dưới chân cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Ảnh tư liệu. |
Cần hết sức cân nhắc khi xây dựng
Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí liên tiếp phản ánh về các đại dự án khu du lịch tâm linh xuất hiện ở Lạc Thủy (Hòa Bình), Lũng Cú (Hà Giang) và tại Huế, Công ty cổ phần đầu tư Bãi Cả cũng đang xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép nghiên cứu phương án xây dựng khu du lịch tâm linh ở núi Hải Vân.
Về sự việc xẻ núi xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh dưới chân cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), ngày 25/10/2019, Bộ VH-TT-DL đã ra văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang kiểm tra toàn diện việc triển khai Dự án này.Văn bản của Bộ VH-TT-DL nêu rõ: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, đề xuất sử dụng một phần diện tích đất thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú và Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (gọi tắt là 02 Dự án).
Theo quyết định của UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt, Tập đoàn Phúc Lộc sẽ đầu tư xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú với tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha, tổng mức đầu tư khoảng 889 tỉ đồng, xây dựng các công trình tâm linh, khu nhà khách, khu dịch vụ. Công trình đã được khởi công từ năm 2016, với sự chứng kiến của những lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Vị trí của 02 Dự án này, Bộ VH-TT-DL khẳng định, nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, với các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trao đổi với PV Báo NNVN, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia (Bộ VH-TT-DL) cho biết: "Hiện nay, có rất nhiều địa phương lập quy hoạch, tổ chức thực hiện xây dựng các khu du lịch tâm linh, trong số đó, nhiều khu du lịch tâm linh này trong đó mượn lý do tôn giáo, tín ngưỡng, nhu cầu người dân hay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch cho chính quyền địa phương".
Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia. Ảnh: KMS. |
“Quan điểm của tôi cho rằng, việc xây dựng các khu du lịch tâm linh như ở Lạc Thủy (Hòa Bình), Lũng Cú (Hà Giang) hay bất cứ đâu cần hết sức cân nhắc”.
Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia chia sẻ: “Chưa kể đến các yếu tố tác động về môi trường, sinh thái, về mặt văn hóa, đây là các địa điểm du lịch mới. Theo tôi, việc chủ đầu tư các khu du lịch tâm linh đưa yếu tố tín ngưỡng vào chủ yếu là để tạo ra lý do hợp lý cho việc xây dựng, và cũng là cách để thu hút người dân vốn đang có nhu cầu tín ngưỡng đến với các khu du lịch này. Chính vì thế, đây được xem là một hình thức lợi dụng tâm linh để làm kinh tế chứ không hoàn toàn vì mục đích phát triển văn hóa”.
Cần có đánh giá tác động về văn hóa
Hai năm sau khi dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú khởi công xây dựng, ngày 11/6/2018, Bộ VH-TT-DL đã có công văn đưa ra nhiều lưu ý và cảnh báo gửi UBND tỉnh Hà Giang về dự án này.
Trong đó, Bộ VH-TT-DL yêu cầu dự án phải được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra Bộ VH-TT-DL cũng lưu ý dự án cần phải xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam... và của nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.
Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang có khá nhiều khu du lịch tâm linh, và chưa có một đánh giá tác động về văn hóa nào đối với xã hội nói chung, cộng đồng cư dân địa phương nói riêng. Vì vậy, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn đề xuất: Việc xây dựng các khu du lịch mới, nhất định không nên khuyến khích, cần cân nhắc hết sức cẩn thận.
“Văn hóa của một vùng đất, khi bị các khu du lịch tâm linh can thiệp, làm cho thay đổi, khó có thể cứu vãn! Và đây là cái giá quá đắt cho các thế hệ tương lai của đất nước nếu chúng ta không cẩn trọng từ ngay bây giờ!”, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.