Chiều 7/10, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đến làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCC) tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của vùng áp thấp, tỉnh này là 1 trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng với mưa lớn có thể từ 300 – 500mm. Theo dõi lượng mưa trên toàn tỉnh từ 7h ngày 6/7 đến 13h chiều 7/10 lượng mưa phổ biến thấp nhất là 70mm, cao nhất là 240mm. Mưa lớn tập trung chủ yếu ở các huyện vùng trung du.
Hiện nay mực nước trên các sông trên địa bàn đều nằm dưới báo động 1. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam vừa kết thúc vụ hè thu và tất cả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đều đưa về mực nước chết.
“Với các hồ chứa thủy điện, với lượng mưa này, các hồ thủy điện đều cao hơn mực nước chết từ 2 đến 3m. Nếu đợt mưa này kéo dài thêm 2 đến 3 ngày nữa thì có khả năng các hồ thủy điện sẽ đến mực nước đón lũ và sẽ vận hành các thủy điện để đảm bảo giảm lũ cho hạ du”, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết.
Về các hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa nhỏ địa phương chưa tiến hành tích nước và các hồ chứa lớn đa phần đang ở mức thấp dưới 30%, chỉ có 1 hồ chứa ở huyện Tiên Phước tích được 75%.
Trước diễn biến của mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT và TKCC tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo các thủy điện cố gắng chủ động điều tiết, đưa mực nước hồ không vượt quá mực nước đón lũ, để hứng trận mưa sau.
Về công tác chỉ đạo, vừa qua tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo những vùng bị cô lập đảm bảo an toàn trong đợt mưa, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm và đảm bảo an toàn lương thực cho người dân sinh hoạt. Đối với hệ thống cầu treo, cầu bản bị cuốn trôi thì phải có cách gia cố tạm thời để đảm bảo giao thông cho người dân.
“Tỉnh Quảng Nam cũng đã thực hiện cấm biển từ 17h ngày 6/7. Với các tàu thuyền hoạt động trên biển, hiện nay còn có 79 tàu, lực lượng biên phòng tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các tàu về nơi tranh trú an toàn. Riêng những hộ dân ở các khu vực sông suối có nguy cơ ngập lụt, đặc biệt là vùng ven sông Vu Gia – Thu Bồn, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ. Nếu mưa kéo dài thêm 2 – 3 ngày nữa, mực nước lên xấp xỉ báo động 3 sẽ tiến hành tổ chức sơ tán dân”, ông Tý nói.
Cũng theo ông Tý, tỉnh đang quan tâm lớn nhất là các huyện miền núi. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ năm 2017 và 2018, hiện nay tất cả các văn bản chỉ đạo đều tập trung cho các huyện miền núi. Đặc biệt là vấn đề sạt lở. Mỗi khi mưa lớn đều thực hiện sơ tán ngay các hộ dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở.
Trước những biện pháp mà tỉnh Quảng Nam đã thực hiện, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đánh giá cao công tác chủ động ứng phó, bám sát thực tiễn, triển khai có chiều sâu của địa phương này.
Ông Tiến yêu cầu tỉnh Quảng Nam nghiêm túc thực hiện công điện số 12. Theo đó, về công tác triển khai thực tế từng tuyến, thứ nhất là tuyến biển, phải thông báo kịp thời cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển diễn biến vùng áp thấp đang mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và không đi khỏi khu vực nguy hiểm. Khi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, đề nghị tiếp tục đảm bảo được cháy nổ. Những tàu thuyền đang ở xa thì tiếp tục liên hệ và nắm thật chặt chẽ.
Đối với tuyến ven bờ phải phổ biến cho ngư dân tình hình vùng thấp, mưa lũ kéo dài, kiểm tra việc neo lồng đảm bảo an toàn. Diện tích nuôi trồng thủy sản ven bờ của tỉnh Quảng Nam hơn 3.000 ha và số lồng bè là 843 lồng cần phải thu hoạch kịp thời tránh bị thiệt hại.
“Khu vực đất liền phải rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sống suối, vùng trũng thấp, có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng có phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Trong đó chú ý đến điều kiện sinh hoạt đảm bảo cho người dân trong trường hợp phải sơ tán dài ngày.
Đồng thời, chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ nhất là các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn. Trong đó, cần đảm bảo đủ nước sạch cho người dân sinh hoạt”, ông Tiến chỉ đạo.
Về hồ chứa thủy lợi, thủy điện, ông Tiến cho rằng, địa phương cần bố trí lực lượng trực vận hành đảm bảo hồ an toàn đặc biệt là các hồ chưa thủy điện khi Quảng Nam có số lượng hồ chứa thủy điện nhiều nhất là khu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Ngoài ra, các hồ chứa thủy lợi đang thi công trong đó có 6 hồ thuộc tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập của dự án WB8 cũng cần đặc biệt chú ý.