Những trạm bơm điện ngày đêm cứu lúa
22h đêm, chúng tôi vượt qua những cung đường cách đây vài hôm còn chìm sâu trong nước, tìm về xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Trạm bơm Hữu Bị (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà) ở nằm giữa khu đất rộng dần hiện ra. Được chứng kiến hoạt động, đời sống sinh hoạt của công nhân thủy nông tại đây, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của những người làm thủy lợi vào thời điểm mưa bão.
Trên đường di chuyển, một nữ công nhân tranh thủ báo cáo nhanh tình hình úng ngập trên phạm vi trạm bơm phụ trách. Qua lời giới thiệu của anh Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà, chúng tôi mới biết người phụ nữ tuổi ngoài 40 đang rà soát các con số, kiểm tra máy móc là chị Trần Thanh Diệp, Ca trưởng tổ vận hành trạm bơm Hữu Bị trong đêm nay.
Gác việc sang một bên, chị Diệp mời chúng tôi vào nơi làm việc. Đó là một căn nhà nhỏ nằm gần trạm bơm. Do xây dựng từ lâu nên trần nhà xuất hiện nhiều vết úa của thời gian.
Chị Diệp cho biết, hơn 22 năm trong nghề, chưa bao giờ thấy nước sông Hồng dâng cao như thế. Mưa lớn cũng khiến nước trong nội đồng ngập trắng băng đồng. Nhìn vô cùng xót xa. Trong khi đó, đặc thù của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà là phụ thuộc vào các trạm bơm điện để tiêu úng.
Do nước lũ sông Hồng, sông Đáy, sông Đào lên nhanh và vượt mực nước cho phép vận hành của các trạm bơm, Cục Thủy lợi đã chỉ đạo hệ thống Bắc Nam Hà phải dừng hoạt động 12/12 trạm bơm đầu mối. Trong đó, trạm bơm Hữu Bị dừng bơm sớm nhất (từ 7h45 ngày 10/9), muộn nhất là trạm bơm Nhân Hoà (từ 14h ngày 12/9). Đặc biệt, trạm bơm Quỹ Độ phải dừng 130 giờ (hơn 5 ngày). Đến ngày 16/9, hệ thống đã vận hành tối đa công suất các trạm bơm.
Theo số liệu từ Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà, lúc đỉnh điểm toàn hệ thống bị ngập 23.596ha lúa. Trong đó diện tích lúa bị ngập trắng là 685ha, diện tích lúa bị ngập phất phơ là 443ha, diện tích lúa bị ngập sâu là 22.468ha. Thời điểm ngày 12/9 diện tích lúa ngập sâu và nhiều nhất.
Với sự tích cực của các trạm bơm trên toàn hệ thống Bắc Nam Hà, đến chiều tối 18/9, toàn hệ thống không còn diện tích bị ngập úng và sâu nước. Do phải bơm liên tục nhiều ngày nên số tiền điện tiêu thụ các trạm bơm của hệ thống Bắc Nam Hà đã tốn khoảng 12 tỷ đồng, chi phí lặn vớt rác 300 triệu đồng. Đổi lại, tin vui nhất là không có diện tích lúa bị mất trắng, chỉ có một số diện tích bị ngập sâu nhiều ngày thiệt hại giảm năng suất.
Những đêm không ngủ
Trạm bơm Hữu Bị tọa lạc tại một trong những khu vực trũng nhất của “rốn nước” đồng bằng Bắc bộ, có nhiệm vụ vừa tiêu thủy chống úng, vừa bơm tưới cho gần 9.000ha trong phạm vi phục vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà. Đây là tuyến kênh lớn đi qua nhiều khu dân cư nên rác thải, lục bình thường xuyên nổi đầy mặt kênh. Vào mỗi mùa mưa bão, các thành viên trong trạm đều phải dọn bèo, rác để khơi thông dòng chảy. Những ngày mưa bão, công việc của các công nhân thủy nông nhân vất vả gấp bội phần.
Dẫn chúng tôi ra thăm khu vực các công nhân đang túc trực để vớt rác, từ ngoài cổng vào đã nghe thấy tiếng cười nói ríu rít của chị em công nhân. Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Trạm bơm Hữu Bị có 61 người có hơn 50% là nữ. Mặc dù là phái yếu nhưng giao việc gì cũng làm đâu ra đấy.
Xuống khu vớt rác, tôi gặp chị Lan, đôi tay thoăn thoắt đưa rác vào băng chuyền, chị vừa cười vừa nói, "Thấy nghề của các chị vất vả không, mùa bão lũ, phải trực 100% quân số nên ngày nào cũng phải đến đơn vị. Mấy hôm đầu đi lại cũng thấy cực nhưng lâu dần thành quen, sau bão nhìn thấy mưa là thấy sợ rồi”.
Chị Lan cho biết, làm việc những ngày mưa bão chuyện gặp phải xác động vật chết hay dẫm phải mảnh chai, vỏ ốc là chuyện bình thường. Ngoài ra, khi vận hành máy nếu không chú ý rất dễ bị điện giật. Nhiều người đã phải bỏ nghề vì không chịu được khổ.
Vì có con nhỏ những hôm mưa bão phải tăng cường để vớt rác, nhiều người khuyên chị nên ở lại cho đỡ vất vả nhưng thương con còn nhỏ không ai trông nom, xong việc lúc 1 - 2 giờ sáng chị vẫn về nhà để ngủ cùng con. Hôm nào phải làm việc qua đêm chị lại đưa con sang trực cùng.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trũng thấp nên hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của các trạm bơm tiêu. Niềm vui của tôi là khi về quê, mọi người hỏi bao giờ hết được nước trong các ruộng ngập úng ra vậy cháu, hay vào mùa khô hạn đến lịch bơm tưới cho lúa, vì biết lệnh điều động của sản xuất công ty nên tôi trả lời các bác rất là vui”.
Hiện tại nước ở các sông đã rút, 12 trạm bơm của Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà đang tích cực vận hành đề bơm tiêu cho các diện tích ngập hoa màu còn ngập úng.
Theo ông Trần Văn Dũng, thực hiện Công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) và UBND hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, trước khi bão số 3 đổ bộ, đơn vị đã vận hành các trạm bơm đầu mối tiêu rút nước đệm đảm bảo mực nước tại bể hút trạm bơm và các điểm khống chế cơ bản đạt quy trình vận hành hệ thống Bắc Nam Hà, hoành triệt kín nước các cống qua đê, gia cố, chằng chống hệ thống nhà cửa, che chắn máy móc, thiết bị, cắt tỉa cành cây đảm bảo an toàn.
Khi có tin dự báo lũ ngoài sông Hồng, sông Đáy, sông Đào lên cao, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra hiện trạng công trình, chèn nhét giẻ chống rò rỉ qua khe van, đắp bao tải đất chống tràn qua đỉnh cánh van đảm bảo an toàn các cống dưới đê. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, báo cáo diễn biến mực nước ngoài sông 1h/lần để kịp thời chỉ đạo điều hành.
“Bão số 3 gây mưa lớn, chúng tôi rất lo sợ. Để đảm bảo tiêu thoát nước các công nhân thường phải lót dạ bằng mỳ tôm, trứng hoặc bánh mỳ. Vất vả là thế nhưng mọi người ai cũng làm hết sức và cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Thấy đồng ruộng, hoa màu của bà con không bị ngập là niềm vui của chúng tôi”, ông Dũng chia sẻ.
Quanh năm dãi nắng, dầm mưa nên gương mặt của công nhân thủy lợi nào cũng sạm màu sương gió. Bão số 3 đã đi qua nụ cười của họ vẫn luôn rạng rỡ, đủ để xua tan những vất vả, lo toan. Đối với họ, chỉ cần thấy những mảnh vườn trĩu quả, những cánh đồng thơm bông thì mọi khó khăn, gian khổ đều tan biến.
Đã gần hết 9 tháng của năm 2024, nhưng đến nay Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà vẫn chưa nhận được 1 đồng cấp ứng vốn theo dự toán chi ngân sách năm 2024. Do đó, các khoản đến hạn phải trả như tiền điện (gần 10 tỷ đồng), chi phí bảo trì, sửa chữa (khoảng 25 tỷ đồng) và các chi phí khác, Công ty Bắc Nam Hà đành phải nợ. Công ty cũng phải sử dụng một quỹ còn lại của doanh nghiệp, vay ngân hàng và huy động nguồn của anh em để tạm ứng một phần lương cho công nhân theo hợp đồng.