| Hotline: 0983.970.780

'Cấp cứu' đê điều, thủy lợi sau bão: [Bài 1] Nước bẩn bủa vây kênh mương, ruộng đồng

Thứ Tư 18/09/2024 , 09:18 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Các hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng tuy hoàn toàn độc lập với nhau, nhưng có điểm chung là đều đang bị nguồn nước ô nhiễm tấn công.

LTS: Hàng nghìn công trình đê điều, thủy lợi, nước sạch nông thôn hư hỏng, bị ảnh hưởng cả "phần cứng" lẫn "phần mềm" do siêu bão Yagi (bão số 3) gây ra. Toàn ngành thủy lợi, quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đang trong cao điểm “những đêm không ngủ” để khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ. Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng loạt bài phản ánh vấn đề này.

Hàng trăm kênh mương đen kịt, hôi thối

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi), mưa lớn nhiều ngày đã gây ngập úng nhiều khu vực. Nguồn nước từ khắp nơi kéo theo nước thải đen kịt, hôi thối đổ dồn vào hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Một con kênh đổi màu sau bão tại xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Một con kênh đổi màu sau bão tại xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Ghi nhận tại khu vực xã Đồng Thái, huyện An Dương, dọc theo mương An Kim Hải (thuộc hệ thống thủy lợi An Hải), bình thường nguồn nước khá sạch, cá tôm sống được, người dân sinh sống đông đúc 2 bên tấp nập. Vậy nhưng sau bão khoảng 1 tuần, nước chuyển dần thành màu đen kịt, bốc mùi hôi thối khiến nhiều hộ dân không dám mở cửa, người đi đường phải bịt mũi, nhíu mày.

“Lần đầu tiên em thấy con kênh này vừa bẩn vừa bốc mùi rất nặng”, chị Nguyễn Thị Thúy, một người dân sinh sống khu vực này chia sẻ.

Người dân khốn khổ khi sống bên con kênh đẹn kịt, hôi hám những ngày sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân khốn khổ khi sống bên con kênh đẹn kịt, hôi hám những ngày sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, những ngày sau bão, cảnh làng quê xanh mướt, yên ả, trong lành thường ngày không còn thấy. Thay vào đó là hình ảnh những cánh đồng lúa xơ xác, chốc chốc lại thấy những ngôi nhà bị lật mái tôn, tràn lan dấu vết cây ngã đổ.

Theo người dân địa phương, thời điểm sau bão, hầu như các cánh đồng lúa, hoa màu đều bị ngập,... Sau nhiều ngày khi cây cối bắt đầu thối rữa, nước rút cũng là lúc nguồn nước bị ô nhiễm, đổi màu đen kịt. Thậm chí, chất thải từ một số trang trại chăn nuôi, khu bãi rác,… cũng đổ ra các kênh mương thủy lợi. Dọc theo các con mương theo đường trục xã, nhất là khu vực các cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng, nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Tình trạng ô nhiễm tại các hệ thống kênh mương ở Hải Phòng sau bão không chỉ xảy ra ở An Dương, Tiên Lãng, Kiến An mà diễn ra ở hầu hết các địa phương, trong khi đó, nguồn nước mới từ bên ngoài đổ về để thau rửa lại chưa kịp thời.

Con kênh trong veo hôm nào ở xã Đại Thằng, huyện Tiên Lãng đã đổi màu, hôi thối. Ảnh: Đinh Mười.

Con kênh trong veo hôm nào ở xã Đại Thằng, huyện Tiên Lãng đã đổi màu, hôi thối. Ảnh: Đinh Mười.

Không kịp trở tay

Siêu bão số 3 với sức mạnh khủng khiếp tràn qua khiến hơn 25 nghìn ha lúa, hơn 3,3 nghìn ha hoa màu và rau màu cùng gần 1,9 triệu hoa, cây cảnh của Hải Phòng bị hư hại, trong đó phần đa là do bị ngập lụt. Thực trạng này rất hiếm khi xảy ra ở thành phố cảng, khiến nhiều công ty khai thác công trình thủy lợi bất ngờ cả trước, trong và sau bão.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng, hiện tại, việc thoát nước ở một số địa phương còn gặp khó khăn, nhất là tại các xã khu vực Bắc sông Mới (như Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường). Còn tại các xã khu vực Nam sông Mới, hiện tại đã tháo cống và thau đảo nguồn nước nên tình trạng ô nhiễm được hạn chế phần nào. Nan giải nhất là hoa quả, cây cối bắt đầu thối rữa, nguồn nước trong các khu dân cư vẫn thải ra nên tình trạng ô nhiễm, bốc mùi diễn ra ở nhiều địa phương.

Lúa nếp cái hoa vàng ngậm dòng nước đen. Ảnh: Đinh Mười.

Lúa nếp cái hoa vàng ngậm dòng nước đen. Ảnh: Đinh Mười.

Về thực trạng hệ thống thủy lợi An Hải, bà Nguyễn Thị Bích Diệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết, tại huyện An Dương, cơn bão làm hơn 1,5 nghìn ha lúa bị thiệt hại, 715 ha rau màu, 580 ha diện tích hoa cây cảnh bị ảnh hưởng. Công ty đã tích cực tháo nước thải nhưng gặp khó khăn do Hải Dương vẫn phải bơm tiêu. Bên cạnh đó, hai nguồn bổ sung nước từ Kim Sơn và Tỉnh Thủy cũng bị ảnh hưởng nên chưa thể lấy nước. "Tình trạng ô nhiễm nước thải đang diễn ra ở nhiều nơi, từ các quận, huyện đến các khu vực khác", bà Diệp thông tin.

Nước thải, rác thải bủa vây các kênh thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Nước thải, rác thải bủa vây các kênh thủy lợi. Ảnh: Đinh Mười.

Cần đầu tư tương xứng

Công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải phòng được chia làm 6 hệ thống hoàn toàn độc lập với nhau do bị chia cắt bởi 6 tuyến sông là chi lưu của sông hệ thống sông Thái Bình. Các hệ thống thủy lợi trên có nhiệm vụ tiêu nước cho 100.000 ha, cấp nước tưới cho 58.253ha đất canh tác, cấp nước cho sinh hoạt đô thị, khu vực nông thôn, khu công nghiệp và 213 nhà sản xuất nước sạch với khối lượng nước thô trên 90 triệu m3 mỗi năm.

Cơ bản các hệ thống thủy lợi đều được đầu tư từ rất lâu và hệ thống thủy lợi đã xuống cấp khiến việc điều tiết, thoát nước bị hạn chế. Đơn cử như tại hệ thống thủy lợi Đa Độ, trên bờ sông hiện nay có hơn 100 điểm giao cắt trong đó có 40 cống đã được đầu tư xây mới, 24 công trình cống cũ xuống cấp, dàn cánh cống hỏng hoặc không có dàn cánh cống, 13 công trình là các cống buy hoặc cống hộp xả nước thải dân sinh, nước thải nghĩa trang, 63 vị trí hiện chưa có công trình điều tiết, các loại nguồn thải trong hệ thống vẫn đang xả trực tiếp vào sông Đa Độ.

Các cống cũ có dàn cánh cống hỏng, hoặc không có dàn cánh cống, không hoạt động nên không ngăn được chất thải, nước thải đổ trực tiếp ra sông. Bởi vậy, cần thiết phải đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ soi đèn kiểm tra việc tiêu nước tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ soi đèn kiểm tra việc tiêu nước tại xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Theo ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, bình thường Công ty đã kiểm soát, giám sát chặt chẽ các điểm xả thải trong hệ thống, đặc biệt tại 3 vị trí: khu vực Kiến An, Cầu Nguyệt và Kiến Thụy - là khu dân cư sinh sống sát mép bờ sông đang xả thải rất nghiêm trọng vào sông Đa Độ. Đây là 3 vị trí được đánh giá có nguy cơ cao gây ô nhiễm chất lượng nguồn nước trong hệ thống.

Trong cơn bão số 3, việc tiêu thoát nước đã được công ty thực hiện ngày đêm, hết công suất nhưng do mưa lớn, nguồn nước tiêu đi lại được bổ sung ngay lập tức. Cùng với đó, do mất điện, việc vận hành bằng thủ công mất thời gian, hệ thống cống đã xuống cấp, khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới khi thiên tai xảy ra với cấp độ ngày càng khốc liệt, cường độ cao hơn.

“Chúng tôi ứng trực 24/24 suốt 10 ngày trời, toàn bộ hơn 400 cán bộ công nhân viên đều được điều động để thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng chống thiên tai. Các cống tiêu nước đã hoạt động hết công suất nhưng thực tế là tiêu không kịp nên tình trạng ngập úng đã xảy ra”, ông Trãi thông tin.

Một số công trình thủy lợi tại Hải Phòng đã xuống cấp, khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình thiên tai ngày càng phức tạp. Ảnh: Đinh Mười.

Một số công trình thủy lợi tại Hải Phòng đã xuống cấp, khó đáp ứng được yêu cầu trong tình hình thiên tai ngày càng phức tạp. Ảnh: Đinh Mười.

Trên địa bàn thành phố hiện có 8 trạm bơm đầu mối tiêu, kết quả kiểm tra đánh giá hiện có 5 trạm bơm hoạt động tốt, đảm bảo công suất thiết kế và 3 trạm trong tình trạng xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp. Tại những trạm bơm đã xuống cấp, máy bơm trục ngang đã cũ, lạc hậu không đảm bảo khi cần thiết phải hoạt động hết công suất, nhà trạm hư hỏng, bể xả, bể hút trượt sạt nhiều chỗ, hệ thống điện đã xuống cấp nhiều năm không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, Hải Phòng hiện có 387 cống dưới đê thì có tới 122 cống kém an toàn và 55 cống xung yếu. Ngoài một số công trình cống đầu mối tiêu, phần lớn các cống còn lại là cống nhỏ có khẩu độ dưới 5m.

Các cống được đánh giá xung yếu đều được xây dựng từ những năm 1960-1970, đến nay nhiều công đã bị hư hỏng như: nứt gãy tường thân, nứt bản đáy, xói lở sân tiêu năng thượng hạ lưu, sạt lở mang cống, rò xuyên tâm, xuyên mang, máy đóng mở hỏng, cánh van rò rỉ... gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Những công trình này cần được đầu tư kịp thời để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, bảo vệ sản xuất và đản bảo phòng chống thiên tai.

Xem thêm
Bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

0 giờ 50 phút ngày 17/9, cụ bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.

Trà Vinh khắc phục 3 vị trí sụp lún kè biển

Sở NN-PTNT Trà Vinh phối hợp với địa phương tiến hành khắc phục tạm 3 vị trí sụp lún trên kè biển Hiệp Thạnh để tránh lan rộng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.

Bình luận mới nhất