Sở dĩ việc cấp đông thịt lợn đang gặp khó vì các DN cũng đang loay hoay thuê kho lạnh hay xây dựng mới…
Thuê kho là tốt nhất
Trao đổi với PV, nhiều DN được kêu gọi cấp đông thịt lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại phía Nam tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi liệu có nên đầu tư mở rộng, xây dựng kho cấp đông mới hay đi thuê để giải quyết tình thế dịch hiện nay?
Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý để các DN mạnh dạn cấp đông thịt lợn sạch. |
Đại diện phía doanh nghiệp Anh Hoàng Phát, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho hay, hiện mỗi đêm công ty giết mổ được khoảng 500 con lợn, công ty có thể tăng gấp đôi công suất giết mổ và thuê kho để làm thịt đông lạnh nếu tỉnh đưa ra chính sách hỗ trợ hợp lý. Thực tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương khu vực giáp Đồng Nai có rất nhiều dịch vụ cho thuê kho lạnh, vì thế công ty không cần thiết phải bỏ vốn đầu tư kho chỉ cho giai đoạn dịch này.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) băn khoăn: “Cuối năm nay công ty mới xây dựng xong nhà máy giết mổ, cấp đông công suất 500 con/ngày tại TP Hồ Chí Minh. Do vậy, việc dự trữ thịt lợn trong thời điểm này với chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn vì chưa tìm được cơ sở giết mổ có khối lượng lớn”.
Ông Trần Văn Hạt, Công ty TNHH thực phẩm CJ Vina cho biết, CJ Vina đang đầu tư nhà máy giết mổ tại Bình Dương với công suất hơn 500 con/ngày, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động.
“Có thể sắp tới công ty sẽ chuyển lợn nuôi tại Đồng Nai về nhà máy này giết mổ cấp đông dự trữ. Tuy nhiên, nếu tỉnh Đồng Nai cần gấp các kho cấp đông trữ bảo quản thịt lợn, công ty sẵn sàng cho thuê tạm thời để phục vụ nhu cầu cấp bách cho những tháng cuối năm”.
Nên cho vận chuyển lợn sạch trong vùng dịch
Tại Đồng Nai hiện có hơn 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Tuy nhiên, với lợn không bị dịch ở các xã nằm trong vùng dịch không được phép vận chuyển ra ngoài đang là khó khăn rất lớn cho những trại chăn nuôi quy mô lớn.
Một trại lợn ở Đồng Nai. |
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho biết: “Theo quy định trong vùng công bố dịch thì tất cả các hoạt động giết mổ, vận chuyển đều bị đình chỉ. Tuy nhiên, do tính chất và nguy cơ kéo dài của dịch bệnh này, đòi hỏi cần phải có những giải pháp riêng và cơ chế thoáng hơn cho việc giết mổ, vận chuyển tiêu thụ thịt lợn trong vùng dịch”.
Theo ông Quang, việc mở ra hướng cho phép thực hiện giết mổ, tiêu thụ thịt lợn sạch, an toàn trong vùng dịch là hợp lý, vì thế, cần điều chỉnh quy định cấm vận chuyển lợn ra vào vùng dịch để đáp ứng nhu cầu thực tế và chống dịch lâu dài.
Ngày 30/5, hai hộ dân chăn nuôi đầu tiên bị tiêu hủy đàn lợn dịch ở xã Đồi 61 và xã Bình Minh, huyện Trảng Bom phấn khởi báo cho NNVN biết, vừa nhận đầy đủ tiền hỗ trợ của tỉnh. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đằng (xã Đồi 61) nhận được 535 triệu đồng/246 con. Với số tiền này, ông Đằng đã dùng chi trả tiền cám hết 390 triệu đồng, số còn lại ông gửi ngân hàng để chờ tìm hướng mới làm ăn. Còn ông Trần Xuân Khá (xã Bình Minh) nhận được 701,5 triệu đồng và ông đã dùng toàn bộ số tiền này để trả nợ cho ngân hàng. Thông qua Báo NNVN, hai ông cũng chân thành gửi lời khuyên tới những người chăn nuôi lợn: Nếu phát hiện lợn bị dịch bệnh thì cần báo ngay cho ngành chức năng để tiến hành tiêu hủy nhằm tránh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng. |