Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Bộ NN-PTNT đã có Văn bản số 2671/BNN-VP ngày 27/4/2023 về việc thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nơi, có lúc chưa quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với tình hình thực tiễn; việc nắm bắt diễn biến, tình hình chưa nhanh dẫn đến thực thi nhiệm vụ còn chậm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, còn tình trạng chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.
Tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được khắc phục hiệu quả; trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức, viên chức chưa cao; một bộ phận công chức, viên chức thiếu động lực trong thực hiện nhiệm vụ; thậm chí gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc, có trường hợp còn vi phạm quy định của pháp luật.
Để tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, đóng góp thiết thực vào nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện ngay một số công việc sau:
Các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc Bộ đề cao vai trò, trách nhiệm, tính quyết đoán, quyết liệt của người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của công chức trong xử lý công việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Chấp hành nghiêm kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Quy chế làm việc của Bộ, quy chế làm việc của đơn vị; thực hiện nghiêm túc Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023; Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải nghiên cứu, nắm chắc tình hình quản lý, thực thi pháp luật; trực tiếp, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ được Bộ giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, có trọng tâm trọng điểm, đặt lợi ích của Bộ, ngành lên trên hết. Chú trọng công tác phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc, không dám tham mưu, không dám đề xuất của một bộ phận công chức; đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền, đồng thời không đẩy nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình lên cho cấp trên.
Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra đột xuất hoạt động công vụ tại cơ quan, đơn vị; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Trong quá trình phối hợp để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, chỉ lấy ý kiến các cơ quan liên quan trực tiếp đến đề án, dự án..., không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, đúng chức năng, nhiệm vụ, có quan điểm, trách nhiệm rõ ràng, không trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.
Đẩy mạnh triển khai một cách toàn diện, đồng bộ 6 nội dung cải cách hành chính tại đơn vị (cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số).
Triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh.
Quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận tiện; thường xuyên rà soát, kiểm tra các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đang thực hiện. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ; kịp thời giải quyết triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của người dân, doanh nghiệp; báo cáo Bộ xem xét, xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được đùn đẩy, lòng vòng, né tránh.
Tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc.
Văn phòng Bộ đầu mối tham mưu công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước.
Đầu mối tiếp nhận, phân công đơn vị xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; theo dõi, đôn đốc các đơn vị kịp thời giải quyết triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục hoàn thiện các Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp triển khai kết nối với hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Vụ Pháp chế tham mưu nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ rà soát tổng thể các quy định, thể chế ngành (nhất là pháp luật về lâm nghiệp và thủy sản); kịp thời phát hiện những quy định bất cập, vướng mắc để trình Bộ xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt công tác truyền thông, tiếp thị chính sách nhất là các chính sách mới, những vấn đề khó, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau; các chính sách có tác động lớn đến xã hội; bảo đảm các chính sách phải được tổ chức truyền thông đầy đủ, kịp thời.
Vụ Tài chính tham mưu Bộ đẩy mạnh cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước sang dự toán thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công thuộc Bộ.
Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ xây dựng Đề án tự chủ theo quy định; triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị để giảm chi thường xuyên. Xây dựng phương án, lộ trình tăng cường mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ tiếp tục sắp xếp, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/2/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hoàn thiện quy định/quy chế về phân cấp, ủy quyền quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với mức độ tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao năng lực thực thi, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Tham mưu Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, trình Bộ các văn bản quy định về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, phân cấp, ủy quyền, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Triển khai các giải pháp tăng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ và mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ.
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn; rà soát, đánh giá và đề xuất các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Bộ, tránh thực hiện dàn trải, máy móc, hình thức, gây phiền hà, bức xúc và lãng phí nguồn lực.
Thanh tra Bộ tham mưu Bộ tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Báo Nông nghiệp Việt Nam cần chú trọng công tác truyền thông chính sách gắn với những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm; tích cực tham gia phát hiện và phê phán trước công luận những hành vi gây sách nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính; đồng thời, tuyên truyền kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành công vụ của công chức, viên chức của Bộ để truyền cảm hứng, tạo động lực trong hệ thống chính trị, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận trong xã hội.
Các cấp ủy Đảng cần tăng cường vai trò lãnh đạo đối với chương trình cải cách hành chính, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, đảng viên trong thực thi công vụ. Các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tổ chức triển khai những hoạt động thiết thực, cụ thể động viên, tổ chức đoàn viên thực hiện chương trình cải cách hành chính và các yêu cầu của Bộ được nêu trong Chỉ thị này.
Công chức, viên chức và người lao động tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đúng thẩm quyền trong thực thi công vụ. Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc. Nghiêm cấm lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và tổ chức...