| Hotline: 0983.970.780

'Chạy sô' khoan giếng mùa hạn

Thứ Sáu 26/04/2019 , 19:30 (GMT+7)

Đã từ nhiều năm nay, cứ vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, tình trạng hạn hán lại tái diễn trên diện rộng ở Bình Phước.

Đặc biệt, tình trạng hạn hán tại các huyện vùng biên giới như Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản… khiến nhiều nhà vườn sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng, thuê giàn khoan công nghiệp về khoan giếng, lấy nước cứu cây trồng, và nước sinh hoạt.
 

Khoan công nghiệp cũng chưa chắc có nước

Từ mấy năm nay, cứ sau tết 1-2 tháng là ông Nguyễn Lam, ở ấp Pa Pêch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, Bình Phước lại thấp thỏm lo âu tình trạng thiếu nước tưới cho hơn 4ha tiêu và cà phê của gian đình. Năm nào cũng vậy, ít thì tốn vài triệu đồng công và chi phí lấy nước hồ, nhiều thì vài chục triệu đồng tiền khoan giếng.

Từ mấy tháng nay, những giàn khoan giếng công nghiệp ở Bình Phước hoạt động liên tục, nhưng nhiều nhà vườn xếp hàng từ lâu vẫn dài cổ ngóng.

“Trước kia tôi cũng lấy nước hồ, nhưng những năm đó thời tiết ít khô hạn, nắng nóng không kéo dài. Năm nay, hồ cũng cạn khô. Năm ngoái tôi khoan 2 giếng hết mấy chục triệu đồng. Nhưng hiện cả 2 giếng đều đã cạn trơ đáy”, ông Lam nói.

Năm nay, ông Lam quyết định khoan giếng bằng giàn khoan công nghiệp, dù phải bỏ ra số tiền lớn gấp 2, thậm chí 3 lần. Vậy nhưng, không phải bỏ ra số tiền lớn là có thợ đến làm ngay. “Năm nay thời tiết nắng, khô han quá nên phải thuê máy khoan công nghiệp về khoan.

Tuy nhiên giá rất cao, chủ máy khoan tính nhẩm sơ sơ, nói chi phí hết 65 triệu một cái, mà mới chỉ đóng ống chống thôi chứ chưa có ống bơm không có dây điện gì hết nếu mình tự lo các chi phí còn lại tính ra một cái giếng cũng phải đến hơn 70 triệu đồng. Mà tôi phải hối dữ lắm, cũng quen biết nữa nên người ta mới sắp lịch cho đấy. Mà họ mới hứa thôi chứ còn “chạy sô” tận đâu đâu đã đến khoan cho đâu. Khô hạn thế này, nước quý như vàng, mấy ông thợ khoan giếng cũng được nâng như nâng trứng”, ngửa khuôn mặt đẫm mồ hôi lên trời trong tiết trời oi bức, ông Lam than.

So với giàn khoan giếng thủ công truyền thống, giàn khoan công nghiệp có thể rút ngắn thời gian đến mức tối đa chỉ khoảng 2 - 3 ngày là có nước, độ sâu lớn và không tốn nhiều chi phí phát sinh. Hơn nữa, lượng nước khoan của. giếng này cũng ổn định hơn. Do đó, dù có mức giá khá cao, trung bình khoảng 65 – 70 triệu đồng cho một chiếc giếng khoan hoàn chỉnh, nhiều nhà vườn vẫn lựa chọn loại hình giếng khoan công nghiệp này. Bởi nếu phải chờ đợi nước một tuần hay cả nửa tháng từ cách khoan giếng thủ công thì những thiệt hại về cây trồng sẽ khó mà bù đắp nổi.

Anh Ngô Mạnh Vũ, Thợ khoan giếng công nghiệp thuộc huyện Bù Đốp, Bình Phước chia sẻ “chi phí cao vì thời gian khoan rất nhanh, bà con không phải đi kiếm nước về mồi như cách khoan thông thường. Khoan khô là có nước luôn bà con mình thích như thế. Thời gian giảm, bà con còn có thời gian đi làm việc khác”.
 

Vì nguồn nước ngầm đang cạn

Hiện đang bước vào những ngày cao điểm mùa khô nên thợ khoan giếng gần như không có ngày nghỉ. “Trung bình 1 tháng anh khoan từ 7-10 giếng, mỗi giếng hết tối thiểu từ 2-3 ngày. “Như vậy, còn đâu thời gian nghỉ nữa. Nhưng mỗi năm chỉ có mấy tháng mùa khô, tranh thủ làm, vừa tăng thu nhập vừa giúp bà con có nước tưới”, anh Vũ nói.

Tuy nhiên, theo những người thợ khoan giếng thì do hạn hán ngày càng nghiêm trọng, nhà nhà ồ ạt khoan giếng chống hạn khiến nguồn nước ngầm bị tụt giảm mạnh và ngày càng cạn kiệt. Thế nên, dù là khoan giếng thủ công hay công nghiệp cũng đều có tính rủi ro và không thể đảm bảo 100% sẽ có nước.

Nhiều vườn tiêu chết 1 phần do bệnh, phần do khô hạn.

“Chi phí khoan giếng công nghiệp có thể cao hơn mấy lần khoan thủ công, nhưng bây giờ, ngay cả. khoan công nghiệp cũng không ai dám khẳng định giếng sẽ có nước. Nhưng 1 tháng mà gặp khoảng 3 cái giếng không có nước thì tiền khoan, xăng, dầu, hao mòn chi phí rất lớn, thậm chí huề hoặc lỗ vốn. Giàn khoan giếng công nghiệp sử dụng máy móc lớn nên hao phí về nhiên liệu cũng rất lớn, bình quân một ngày tốn từ 500-600 lít dầu. Chưa kể, chi phí đầu tư cho một giàn khoan cũng trên dưới 1 tỷ đồng. Anh em theo nghề này cũng vất vả lắm, đi khắp nơi nhưng rủi ro không thể lường trước được”, anh Nguyễn Đình Dũng, thợ khoan giếng công nghiệp ở huyện Lộc Ninh, Bình Phước chia sẻ.

Cũng theo các thợ khoan công nghiệp cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 4 giàn máy khoan giếng công nghiệp, nhưng do nhu cầu những năm gần đây ngày càng lớn nên cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con nông dân. Mùa khô năm nay được cảnh báo là sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều so với năm trước. Vì vậy, ngoài tìm nguồn nước tưới cho cây trồng, người dân cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ, tiết kiệm và sử dụng nguồn nước hợp lý thì mới đảm bảo chống chọi được với những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay.

Theo một lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Phước, việc khoan giếng công nghiệp của người dân ở Bình Phước đang diễn ra khắp nơi, nhất là trong tình hình nắng nóng như hiện nay. Đây là việc cần làm trước mắt để cứu cây trồng. Nhưng về lâu dài, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tìm một giải pháp khả thi hơn để vừa giải quyết vấn đề hạn hán cho cây trồng, vậyt nuôi, vừa bảo vệ được nguồn nước ngầm đang có nguy cơ cạn kiệt trên toàn cầu.

“Hiện nay, nhiều địa bàn trong tỉnh, nhất là huyện Bù Đốp, nắng nóng xảy ra khiến nhiều diện tích cây trồng bị héo khô vì thiếu nước, gia súc thiếu thức ăn.

Nhiều hồ đập, nơi cung cấp nước tưới cho cây trồng trong tình trạng mực nước chết, ao hồ, sông suối cạn trơ đáy. Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, nhiều xã ở các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp… từ đầu tháng 1/2019 đến nay, tuy có mưa rải rác nhưng lượng mưa không đáng kể. Nước ở các công trình thủy điện chính trên sông Bé đều ở dưới mực nước dâng bình thường.

Trong đó, hồ thủy điện Thác Mơ đạt cao trình 211,9m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 6,1m; hồ thủy điện Cần Đơn đạt cao trình 104,76m, thấp hơn mức dâng bình thường 5,24m; hồ thủy điện Srok Phu Miêng thấp hơn mức dâng bình thường 0,5m. Tổng lượng mưa từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50%.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất