| Hotline: 0983.970.780

Chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam chiếm 20-25%, gấp đôi Thái Lan

Thứ Tư 07/09/2022 , 19:18 (GMT+7)

Tại Việt Nam, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ 20 - 25% trong khi ở Thái Lan chỉ chiếm 10 - 15%.

Empty

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nghe báo cáo về phát triển hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp vào chiều 7/9. Ảnh: Minh Phúc.

Chi phí logistics cao gấp đôi Thái Lan

Tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 221 về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường logistics Việt Nam đến năm 2025.

Trong đó, Bộ NN-PTNT được giao xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, nhất là quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống kho bãi, trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và kết nối giữa các vùng ngành đến trung tâm logistics và cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, những nhóm sản phẩm nông sản cần đòi hỏi dịch vụ logistics chủ yếu ở ngành hàng trái cây. Hiện nay chúng ta có hơn 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không gắn với vùng nguyên liệu. Đây là khó khăn cốt lõi, và Bộ NN-PTNT đã có đề án xây dựng vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc gia, 9.000 chợ dân sinh, 1.200 siêu thị; 250 trung tâm thương mại, hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và gần 1.700 chuỗi nông sản an toàn.

Empty

Phát triển logistics phục vụ nông nghiệp giúp nông sản của Việt Nam nâng giá trị gia tăng và tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Toản, vì chi phí hạ tầng cứng chưa đồng bộ nên chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%, khá cao so với các nước trong khu vực (như Thái Lan, chi phí logistics nông sản xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 10 - 15%).

Nhiều hạn chế về hạ tầng logistics theo chuỗi giá trị nông nghiệp được ông Toản chỉ ra gồm: Năng lực lưu kho chưa đáp ứng được yêu cầu; chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu; dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở các thành phố lớn trong khi các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như ĐBSCL chưa có nhiều.

Ngoài ra, kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối và chợ dân sinh chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng; cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ thương mại biên giới hạn chế…

Theo dữ liệu nghiên cứu của Gemadept Logistics, mỗi năm các nhà máy chế biến tại ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển khoảng 2 - 3 triệu tấn thủy sản, 6 - 7 triệu tấn gạo, 2,5 - 3 triệu tấn trái cây đến hệ thống kho lạnh, cảng ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngược lại, các nhà máy hàng tiêu dùng, nông cụ, nông dược, phân bón, thức ăn gia súc tại Đông Nam Bộ có nhu cầu vận chuyển 6 - 7 triệu tấn thức ăn gia súc, 2 triệu tấn phân bón đến thị trường miền Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TP Hồ Chí Minh hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên; lưu thông khó khăn và mất thời gian.

Empty

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Ảnh: Minh Phúc.

Theo thống kê, hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, trong đó 88% là các doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài tuy số lượng ít nhưng chiếm giữ thị phần lớn.

Ông Toản cho biết, tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện một số mô hình logistics hiện đại và chuyên nghiệp. Điển hình như chuỗi cung ứng lạnh thông minh của nhóm doanh nghiệp Bỉ đề xuất triển khai tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ gắn với hệ thống giao thông đường sông, xây dựng theo hệ thống các cảng tại khu vực (tập trung vào cung ứng các kho lạnh là nhu cầu thiết yếu, trực tiếp). Dự án này được khởi động từ năm 2018 tại Trà Vinh.

Còn tại Thái Lan tập trung xây dựng các điểm logistics gắn với vùng nguyên liệu tập trung để cung cấp dịch vụ kho bãi, kho bảo quản lạnh và đóng gói bao bì. Đặc biệt, trong vùng nguyên liệu tập trung họ phân tách rất rõ rệt các vùng nguyên liệu thông qua quy hoạch. Cụ thể, phía Bắc là lúa, sắn, ngô, mía và cây có dầu; phía Nam là cây lâu năm, cây cao su và nuôi trồng đánh bắt thủy sản; miền Trung và miền Tây là chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Xây dựng trung tâm logistics gắn vùng nguyên liệu

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để hình thành được một hệ thống logistics đồng bộ phục vụ kinh tế nông nghiệp, chúng ta cần phải xây dựng quy hoạch, có đề án, chiến lược, kế hoạch... Tuy nhiên, mỗi quy hoạch, chiến lược cần phải có nhiều năm khảo sát, đánh giá, xây dựng mới ra được.

Bởi vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị có liên quan cần khu biệt lại phạm vi và các nhiệm vụ cần tập trung triển khai theo từng năm dựa trên điều kiện và năng lực thực tế. Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần phải thu hút các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng tham gia. Vì nhà nước không thể khai thác và vận hành hệ thống hạ tầng logistics hiệu quả bằng doanh nghiệp.

Giai đoạn này, chúng ta cần khu biệt lại các mục tiêu, nhiệm vụ để tập trung nguồn lực hỗ trợ hình thành các trung tâm logistics tại các vùng nguyên liệu tập trung thông qua việc lồng ghép thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025; Quyết định 1804 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng các mô hình cung ứng dịch vụ logistics tại các vùng nguyên liệu, cần phải gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thu mua, chế biến và các hợp tác xã. Trong đó, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn các hợp tác xã quản trị, kỹ năng vận hành hệ thống một cách chuyên nghiệp và có hiệu quả.

z3703596144971_75f2b07b069e04d87f5077a34050ae8b

Nông dân đang yếu về kiến thức logistics. Ảnh có tính chất minh họa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ, nhận thấy các tổ chức của nông dân đang yếu về kiến thức logistics, hạ tầng cơ sở và sự liên kết, trong giai đoạn 2023 - 2027, Thái Lan tập trung hỗ trợ các hợp tác xã phát triển hệ thống logistics để nâng giá trị gia tăng của nông sản. Bộ NN-PTNT cũng cần xây dựng một chương trình phát triển hệ thống logistics nông nghiệp trong các hợp tác xã nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho rằng, nếu chúng ta chỉ tập trung vào xây dựng các chương trình, đề án mà không xác định nguồn lực và có chính sách để hỗ trợ phát triển thì rất khó hình thành được hệ thống cung cấp dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp hiệu quả.

“Chỉ khi chúng ta xây dựng được khung chính sách thì mới phát triển hạ tầng logistics mang tính chất bền vững, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng và hỗ trợ phát triển thị trường. Bởi, thực tế cho thấy, nếu dựa vào ngân sách nhà nước để đầu tư kho lạnh, nhà kho… thì không hiệu quả. Điều quan trọng nhất là phải thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư và vận hành”, ông Việt nói.

Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hệ thống logistics của quốc gia bao gồm cả những trung tâm nhỏ, trung tâm kết nối và các dịch vụ để có thể đưa hàng hóa, sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn. Do đó, cần phải có đánh giá theo chuỗi giá trị nông nghiệp và giải quyết từng khâu trong chuỗi giá trị đó.

Hiện nay, chúng ta đã có những dự án xây dựng trung tâm logistics cho vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Ngân hàng Thế giới cũng sẵn sàng tài trợ để thành lập trung tâm logistics ở Đồng Tháp khi địa phương bố trí được mặt bằng. Một số trung tâm logistics ở khu vực biên mậu, cảng biển cũng đã được quy hoạch và có mặt bằng, do đó cần rà soát, đánh giá và hỗ trợ để thúc đẩy hình thành các trung tâm logistics này một cách đồng bộ, hiện đại, hiệu quả cao.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất cần tập trung hỗ trợ hạ tầng cứng và hạ tầng mềm logistics tại các hành lang biên giới để tập kết, giao dịch trực tiếp sang thị trường nhập khẩu, đặc biệt là trên đất liền của chúng ta.

Mô hình thứ hai là đầu tư hình thành các điểm logistics cộng đồng ở nông thôn gắn với vùng nguyên liệu. Điểm nào cũng cần có sàn giao dịch điện tử, kho lạnh bảo quản nông sản tươi, kho hàng khô, bãi tập kết, bốc dỡ xe container, điểm kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu ra, đầu vào, ki-ốt bán lẻ và không gian quảng bá sản phẩm cộng đồng.

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.