| Hotline: 0983.970.780

Chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp

Thứ Ba 09/07/2024 , 14:41 (GMT+7)

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trong phạm vi quản lý…

Sáng 8/7, triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với hoạt động của Ban Chỉ đạo là "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả"; phải sớm thành lập tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm các thành viên đủ năng lực, trình độ, tâm huyết là cán bộ cấp vụ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm tổ trưởng.

Thủ tướng cho biết, phạm vi rà soát gồm một số luật cần sửa đổi mang tính chất cấp bách nhất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cản trở, điểm nghẽn; luật do bộ, ngành nào chủ trì xây dựng thì bộ, ngành đó chủ trì theo dõi, rà soát, đề xuất; đồng thời tham khảo ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu với hoạt động của Ban Chỉ đạo là 'rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả'. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu với hoạt động của Ban Chỉ đạo là "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả". Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nội dung rà soát, sửa đổi tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, các bộ, ngành Trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước (xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật), không làm các công việc cụ thể; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc; xóa bỏ xin cho, chống phiền hà, sách nhiễu… cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng chỉ rõ, sau khi rà soát thì đề xuất xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế trong phạm vi quản lý; đồng thời bố trí cán bộ pháp chế đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc và quan tâm chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo).

Theo Quyết định trên, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Phó Trưởng ban Thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn mời lãnh đạo: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, các Luật thuế, Luật Dược... và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.

Đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng hiện có của bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; phối hợp, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ và đột xuất.

Xem thêm
Trà Vinh khắc phục 3 vị trí sụp lún kè biển

Sở NN-PTNT Trà Vinh phối hợp với địa phương tiến hành khắc phục tạm 3 vị trí sụp lún trên kè biển Hiệp Thạnh để tránh lan rộng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Kịp thời xử lý sự cố vỡ bờ kênh Ngũ Huyện Khê

Tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục nguy cơ vỡ bờ kênh Ngũ Huyện Khê, đảm bảo hoa màu cho người dân.

Hậu phương vùng lũ quét Làng Nủ

Người phụ nữ nhanh nhẹn như con thoi chạy qua chạy lại giữa hai điểm trường Làng Nủ; chiếc điện thoại lúc nào cũng nóng ran bởi các cuộc điện thoại liên tục đổ về.