| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch nước, lãnh đạo TP.HCM viếng ông Lê Hòa Bình

Thứ Năm 31/03/2022 , 15:45 (GMT+7)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình và TP.HCM trước sự ra đi của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình.

Đúng 13 giờ, lễ viếng ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đã diễn ra long trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM).

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Đặng Quốc Toàn trang trọng thông tin chương trình lễ tang Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình. Ban Tổ chức lễ tang có 15 thành viên, do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng ban.

Tham dự lễ viếng có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo trung ương, TP.HCM và các sở, ban, ngành, địa phương…

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cúi đầu trước vong linh ông Lê Hòa Bình. Ảnh: T.N.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cúi đầu trước vong linh ông Lê Hòa Bình. Ảnh: T.N.

Trong tiếng nhạc trầm buồn bài Hồn tử sĩ, tất cả mọi người đều lặng đi, tưởng nhớ về người chồng, người cha, người con, người cháu, người đồng chí, đồng đội, người lãnh đạo, người chỉ huy... đã gặp nạn trên đường đi công tác cách đây 2 ngày và mãi mãi ra đi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn viếng của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dâng hương, đi vòng quanh linh cữu, bày tỏ sự thương tiếc vô hạn trước sự ra đi đột ngột của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình.

Đoàn viếng của Ban Tổ chức lễ tang do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm trưởng đoàn lặng lẽ tưởng nhớ về người đồng đội đã gắn bó 26 năm với Thành phố mang tên Bác, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của TP.HCM.

Ghi trong sổ tang, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: "Thương tiếc đồng chí Lê Hòa Bình, một cán bộ trẻ năng động, có nhiều đóng góp phát triển TP HCM - không còn nữa! Tôi xin chia sẻ nỗi mất mát này đến Thành ủy – HĐND – UBND TP HCM và tang quyến đồng chí Lê Hòa Bình. Mong ở suối vàng đồng chí yên giấc ngàn thu – Vĩnh biệt đồng chí Lê Hòa Bình".

Đoàn Thành ủy TP.HCM do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM dẫn đầu, thắp nhang tưởng nhớ đồng chí Lê Hòa Bình.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên xúc động ghi trong sổ tang trước sự ra đi của người đồng chí vừa qua đi. Ông viết: "Một con người chí tình, gần gũi, điềm đạm; một cán bộ năng lực, trách nhiệm cao, cầu thị; một đảng viên tận tụy, khiêm nhường dám xả thân; một lãnh đạo bản lĩnh, tâm huyết, hiệu quả… Những lời khen chân thành, tốt đẹp của cán bộ, nhân dân là di sản, năng lượng quý nhất mà đồng chí Lê Hòa Bình "Bình Oxy" để lại cho gia đình, đồng chí, đồng nghiệp của mình. Mong đồng chí yên lòng, thanh thản và ra đi về cõi vĩnh hằng. Xin được chia buồn sâu sắc cùng gia quyến".

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM chia buồn cùng gia quyến.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM chia buồn cùng gia quyến.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, sinh ngày 1/4/1970 tại xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trong quá trình công tác, ông Lê Hòa Bình đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong các năm 2015, 2017 và nhiều bằng khen của các bộ, ngành Trung ương. Ông được tặng Huy hiệu TP.HCM.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình có trình độ thạc sĩ xây dựng dân dụng và công nghiệp, cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị.

Năm 1994-2014: Ông từng trải qua vị trí công tác tại Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn; Công ty Xây dựng Rodio; Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn; Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM.

Từ tháng 12/2014: Ông giữ chức Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Từ tháng 10/2015: Ông được bầu là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM Khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 3/2016: Ông là Chủ tịch UBND quận 7.

Tháng 4/2019: Ông làm Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Tháng 10/2020: Ông được bầu vào Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM Khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngày 8/12/2021: HĐND TP.HCM, kỳ họp thứ 23 đã bầu ông Lê Hòa Bình giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM với tỷ lệ phiếu bầu là 95,23%. Ông được phân công làm Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM chỉ đạo các lĩnh vực quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị; xây dựng; quản lý đất đai - tài nguyên và môi trường; giao thông, vận tải, cấp thoát nước; quản lý nhà; giải quyết những trường hợp khiếu nại, tố cáo.

Ông cũng chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc, Sở Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên - môi trường, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc, Ban quản lý khu Nam, Ban quản lý đường sắt đô thị, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Quỹ phát triển nhà ở TP, Quỹ phát triển đất TP và một số Tổng công ty. Ông cũng theo dõi, chỉ đạo TP Thủ Đức, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Ngoài ra, ông Bình còn trực tiếp giải quyết những công việc do Chủ tịch UBND TP.HCM ủy nhiệm... 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm