Theo bà Phan Thị Thắng, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, người bệnh có khả năng chuyển biến nguy kịch rất nhanh, tỷ lệ người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng rất cao.
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trước ngày 15/9/2021, đồng thời đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, UBND TPHCM ban hành Kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn Thành phố thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ, cụ thể:
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TPHCM dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu như sau:
Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày: 10.964 tấn, trong đó: gạo 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở...): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn; đường: 236 tấn; sữa: 1.742 tấn (1,7 triệu lít); dầu ăn: 189 tấn; muối: 47 tấn; nước chấm: 104 tấn (79.865 lít). Như vậy, tổng nhu cầu tiêu dùng trong 15 ngày là 164.460 tấn.
Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước đạt 19 triệu lít/ngày (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng, chống dịch: khẩu trang: 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng); nước sát khuẩn (loại 0,5lít): 239.596 chai/ngày (7,2 triệu chai/tháng).
UBND TPHCM giao Sở Công thương, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Sở GT-VT, Sở NN-PTNT, Sở Y tế phối hợp thực hiện, đảm bảo lưu thông hàng hóa, dự trữ đầy đủ lương thực thực phẩm thiết yếu, điều phối việc tổ chức cung ứng, phân phối cho người dân trong suốt thời gian giãn cách.