| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM đã tiêm vacxin phòng Covid-19 được 57% dân số

Thứ Bảy 21/08/2021 , 21:51 (GMT+7)

Ngành y tế TP.HCM đã tiêm trên 5.283.000 mũi vacxin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó khoảng 178.000 người đã tiêm đủ hai mũi.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: TTBC.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: TTBC.

Thông tin trên được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 21/8.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, hiện nay TP.HCM có khoảng 9 triệu người trên 18 tuổi đang sinh sống trên địa bàn, kể cả những người tạm trú. Hiện TP.HCM đã tiêm được 5.283.258 mũi vacxin phòng Covid-19, chiếm 57% đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Nếu tính riêng 7 triệu dân của TP.HCM thì đạt tỉ lệ tiêm 75% đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

"Thành phố đang tăng tốc để đạt được mục tiêu đến 15/9, tối thiểu 70% người dân trên 18 tuổi đã tiêm mũi một và 15% người dân được tiêm đủ hai mũi", ông Nam nói.

Phương châm vacxin tốt nhất là vacxin đến sớm nhất. Vì vậy, ngành y tế đang tiếp tục bố trí, sắp xếp tiêm mũi hai cho những người đã tiêm mũi một, theo thời gian khuyến cáo của từng loại.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thống kê của các quận huyện, số người trên 65 tuổi của Thành phố là 630.000. Đến nay, TP.HCM đã tiêm hơn 517.300 liều vacxin phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi. Sở Y tế TP.HCM đã phân bổ hơn 146.000 liều vacxin đến các quận huyện vào ngày 20/8, để rà soát, hoàn tất tiêm mũi một cho những người trên 65 tuổi còn lại.

Việc tiêm vacxin phòng Covid-19 cho người trên 65 tuổi, đến nay TP.HCM đã tiêm hơn 517.300 (trong tổng số 630.000 người trên 65 tuổi). Như vậy, còn xấp xỉ 140.000 người thuộc đối tượng này, các quận huyện đang tích cực để tiêm hết.

Đối với việc tiêm mũi 2, đến nay có 178.000 người đã tiêm mũi 2.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, từ ngày 27/4 đến ngày 20/8, có 4 quận, huyện hoàn thành tiêm mũi một cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, gồm quận 5, quận 1, quận Phú Nhuận, huyện Cần Giờ. Còn quận 11, quận 7 và Thành phố Thủ Đức đã tiêm mũi một cho trên 90% người trên 18 tuổi.

TP Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP Thủ Đức lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng

Cũng tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, TP.HCM đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. "Mục tiêu là giải phóng vùng xanh. Tại các vùng xanh và vùng gần xanh, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp 10) đại diện hộ gia đình tại các tổ dân phố, tổ nhân dân thuộc vùng xanh và gần xanh, tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.

Khu vực được xem là "vùng xanh" dựa vào tiêu chí kết quả xét nghiệm và các điều kiện là không có trường hợp dương tính SARS-CoV-2 sau 2 lần xét nghiệm hoặc có F0 nhưng nồng độ virus thấp, ít lây lan; tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% đối với nhóm người từ18 tuổi; có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.

Tại các vùng nguy cơ - "vùng vàng", ngành y tế thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp 5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh".

Riêng các khu phong tỏa, ngành y tế TP.HCM tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh theo hộ gia đình. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 sẽ giải gộp bằng xét nghiệm test nhanh, hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định.

Trường hợp âm tính SARS-CoV-2 có thể gỡ phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện ca nghi nhiễm SARS-CoV-2. Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa sẽ tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới gỡ phong tỏa khi đủ điều kiện.

Đối với nơi ngoài khu vực phong tỏa, cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Tùy điều kiện thực tế, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố lây nhiễm theo phương pháp RT-PCR mẫu gộp hộ gia đình hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Ngoài ra, bác sĩ Nam cũng cho biết, duy trì giám sát đối với người có triệu chứng ngoài cộng đồng, người có yếu tố nguy cơ trên 65 tuổi, béo phì, yếu tố dịch tễ... để thực hiện tầm soát bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hộ gia đình hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh...

Cũng theo bác sĩ Nam, việc đảm bảo lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ khu phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố. 

Địa điểm tổ chức lấy mẫu phải phù hợp, có thể tổ chức lấy mẫu tại nhà hoặc địa điểm thuận lợi, mời từng người ra lấy mẫu, thực hiện đúng 5K theo quy định của Bộ Y tế tránh lây nhiễm chéo.

Nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế cung cấp thiết bị để người dân tự làm, sau đó thu lại mẫu. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm y tế nhận và chuyển mẫu vào các thời điểm 11h, 18h và 23h trong ngày, theo sự điều phối của Trung tâm Điều phối xét nghiệm trực thuộc UBND TP.HCM.

Về năng lực xét nghiệm hiện nay của TP.HCM, bác sĩ Nam cho biết, TP sử dụng nhiều trang thiết bị xét nghiệm như máy xét nghiệm công nghệ cao, có thể chạy 1.000 mẫu/ngày. TP.HCM sẵn sàng 1 triệu test nhanh/tuần và đảm bảo lấy mẫu 200.000 người/ngày.

Trong ngày hôm qua, TP.HCM cũng đưa 10 xe xét nghiệm lưu động đến các quận, huyện. Các xe này sẽ được đưa đến khu vực, bệnh viện ở xa trung tâm, tránh tình trạng phải vận chuyển mẫu đến khu trung tâm, ví dụ như Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức, quận 12, Cần Giờ, cũng như Nhà Bè.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.