Bắt đầu từ tháng 7/2013, Thông tư 18 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết về việc cấp chứng chỉ hành nghề trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chính thức có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, thông tư này quy định bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng... những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề.
Trước thực trạng nhiều di tích trong cả nước đã bị trùng tu sai bởi nguồn nhân lực thiếu chuyên môn, việc cấp chứng chỉ cho người trùng tu di tích là cần thiết. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đặt ra và chứng chỉ không là “cây đũa thần” để đảm bảo từ nay về sau, việc trùng tu di tích sẽ đạt chuẩn.
Trùng tu Ô Quan Chưởng (Hà Nội)
Một bước đột phá?
Theo điều 6, chương 2 của Thông tư 18 quy định chi tiết về việc cấp chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề của Bộ VHTTDL, bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư (KTS), kỹ sư xây dựng..., những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng nhận hành nghề và chứng chỉ hành nghề.
Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) sẽ là cơ quan đứng ra cấp chứng chỉ này. Chỉ cần có bằng KTS, kỹ sư xây dựng kèm theo chứng nhận đã học khóa bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn di tích sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo Cục Di sản văn hóa, việc này sẽ ngăn chặn tình trạng những người làm về kiến trúc, xây dựng nhưng không biết về bảo tồn tham gia việc bảo tồn, trùng tu di tích.
Từ trước đến nay, việc trùng tu di tích ở nước ta bị “đồng hóa” với việc xây dựng cơ bản, hầu hết vẫn được giao vào tay những người thợ xây dựng phổ thông. Bởi vậy, hiện tượng những di tích bị phá đi xây mới xảy ra ở nhiều nơi.
Việc cấp chứng chỉ cho đội ngũ tham gia thực hiện trùng tu di tích là cần thiết. Tuy nhiên, nếu không có lộ trình đào tạo, chỉ là những lớp học ngắn hạn để có chứng chỉ, thì ai sẽ đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực, sẽ không có những di tích tiếp tục được “làm mới”?
Bởi trên thực tế, để “đón trước” thông tư này, nhiều người làm về trùng tu di tích đã đăng ký lớp học để được cấp chứng chỉ. Một trong những địa điểm đào tạo khá uy tín là Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) đã tổ chức từ năm 2010 đến này được bảy khóa. Hiện, một lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ tu bổ di tích cho hơn 50 học viên kéo dài bốn tuần đang diễn ra tại TP Hội An.
Tuy nhiên, KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) thừa nhận: “Rất khó nói về chất lượng của những người tham gia lớp đào tạo. Khóa 1 trình độ rất khá bởi chủ yếu là những người giỏi nhất về trùng tu di tích đi học. Nhưng các khóa sau thì cứ đuối dần. Cũng đúng thôi, nó phản ánh đúng thực chất công tác trùng tu của nước ta hiện nay”.
Mới chỉ là điều kiện cần
Có cầu ắt có cung. Đòi hỏi chứng chỉ sẽ dẫn đến một loạt người đi học, cũng sinh ra một loạt nơi đào tạo. Phong trào chạy đua chứng chỉ hẳn không tránh khỏi. Việc phổ cập chứng chỉ chưa chắc làm tình trạng trùng tu di tích tốt hơn trong khi, sẽ thêm thủ tục hành chính.
Chưa kể, thời gian đào tạo ngắn, ai tham gia học là có chứng chỉ khiến việc cấp chứng chỉ hành nghề trở nên quá dễ dãi. Mất thời gian, mất chi phí nhưng chưa chắc chứng chỉ hành nghề đủ bảo đảm cho việc di tích sẽ được đối xử tốt hơn.
Thừa nhận điều này, ông Vinh cho rằng: “Cùng với việc thống nhất nhận thức xã hội về điều kiện tham gia hoạt động tu bổ di tích, nó sẽ có tác dụng "sàng lọc” đội ngũ những người có thể tham gia hoạt động này, góp phần "chuẩn hóa” nghề nghiệp đặc thù tu bổ di tích.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, nó giúp chúng ta có thể ngăn chặn sự tùy tiện ai cũng có thể tham gia tu bổ di tích, nhưng nhận thức và năng lực thực sự của các đơn vị, cá nhân trực tiếp liên quan đến lĩnh vực này từ quản lý đến thực thi và giám sát mới là điều kiện đủ để đảm bảo chất lượng của hoạt động tu bổ di tích”.