| Hotline: 0983.970.780

Chương trình Mục tiêu Quốc gia có tiền nhưng không dễ tiêu: [Bài 3] Niềm tin rơi rớt, hụt hẫng phận nghèo

Thứ Tư 03/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Ở đâu đó, niềm tin bắt đầu rơi rụng. Những phận nghèo hụt hẫng vì chính sách chưa thể đến được với người dân. Sinh kế của người dân vì thế bị ảnh hưởng.

Làm xong móng nhà thì hụt hơi

Là hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, anh Hồ Văn Thứ, thôn Cu Đinh, xã Linh Trường, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) phấn khởi khi được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Ngoài ra,  anh Thứ sẽ được vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi.

Gia đình anh Thứ vẫn phải ở trong ngôi nhà dột nát. Ảnh: Võ Dũng.

Gia đình anh Thứ vẫn phải ở trong ngôi nhà dột nát. Ảnh: Võ Dũng.

Đầu năm 2024, vợ chồng anh Thứ vay thêm 5 triệu đồng, mua vật liệu, thuê thợ xây nhà. Thế nhưng, đến cuối tháng 5/2024, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn chưa giải ngân. Nhà mới xây được phần móng, đổ đất và các cột trụ, hết tiền, vợ chồng anh Thứ đành để vậy. Buồn vì nguyện vọng sớm có ngôi nhà tránh mưa tránh nắng bị chững lại, vợ chồng, con cái anh Thư lại phải tiếp tục ở trong ngôi nhà dột nát.

Bài liên quan

Ở  vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, lo cái ăn, cái mặc hàng ngày đã khó mấy ai dư giả tiền bạc. Gia đình anh Thứ cũng vậy, 4 miệng ăn trong nhà nhưng chỉ có 1 sào lúa, 1 ha đất trồng keo. Cái ăn hàng ngày chủ yếu dựa vào việc đi khai thác keo thuê vào những ngày trời nắng ráo. Mưa thì không có công ăn việc làm, vợ chồng, con cái ngồi ru rú trong nhà, không có đồng ra đồng vào.

“Vừa rồi, tôi có vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để trồng keo. Hồ sơ vay tiền làm nhà đã gửi nhưng nghe nói ngân hàng chưa có vốn. Có lẽ phải chờ keo lớn, bán đi mới có tiền làm tiếp. Nếu muốn làm sớm thì phải bán keo non thôi”, anh Thứ buồn bã.

Nghe chúng tôi nói, đợt này sẽ được UBND xã Linh Trường đưa vào diện hỗ trợ nhà ở, anh Hồ Văn Hưng tại thôn Cu Đinh mừng như vớ được vàng. Hai vợ chồng đều còn trẻ nhưng chỉ được 1 sào ruộng, sản xuất được 1 vụ trong năm; 1 ha keo. Chừng ấy tư liệu sản xuất cộng với đi bóc vỏ keo thuê hàng ngày để nuôi 5 miệng ăn, có thời điểm gia đình anh phải đi mua nợ tiền gạo. Từ nhiều năm nay, gia đình gồm 1 mẹ già, 2 con nhỏ và 2 vợ chồng anh Hưng thuộc diện hộ nghèo. Căn nhà gia đình anh đang ở được xây bằng gạch táp lô nghiêng từ hơn 20 năm trước nay tường và cột bê tông đã bong tróc, trơ lõi thép ra bên ngoài. Ở trong ngôi nhà này sẽ rất nguy hiểm nhưng không có tiền nên các thành viên tự động viên, trấn an nhau vượt qua những mùa mưa bão.

“Trời mưa to, nước tràn vào ướt hết, mẹ và các con tôi phải đi ở nhờ nhà khác. Nếu đợt này được hỗ trợ 40 triệu đồng thì tôi sẽ vay thêm để đủ xây nhà, khi nào keo lớn sẽ bán để trả nợ”, anh Hưng hi vọng.

Ngôi nhà mới xây xong phần móng, đổ các cột trụ thì hết tiền, vốn vay chưa giải ngân, anh Thứ phải ngưng công trình. Ảnh: Võ Dũng.

Ngôi nhà mới xây xong phần móng, đổ các cột trụ thì hết tiền, vốn vay chưa giải ngân, anh Thứ phải ngưng công trình. Ảnh: Võ Dũng.

Tại xã Linh Trường, chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến việc xóa nhà tạm bợ nhưng tình trạng người dân phải ở trong những ngôi nhà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vẫn còn nhiều. Cán bộ xã Linh Trường giải thích, tư duy sản xuất còn lạc hậu, thiếu tư liệu sản xuất là yếu tố khiến đời sống kinh tế ở đây còn rất khó khăn, hàng trăm hộ dân không thể tự mình xây được những ngôi nhà kiên cố nếu không có tiền hỗ trợ và vốn vay.

Bán keo non trả nợ 

Từ nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc giaPhát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của năm 2022-2023, xã Linh Trường đã giải ngân cho 170 hộ dân xây dựng  nhà ở. Tuy nhiên, có hộ hiện mới chỉ xây dựng được phần móng, chưa thể vay được nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội nên phải tạm ngưng công trình.

Ông Hồ Văn Huân, cán bộ chính sách xã Linh Trường cho biết, hiện có 89 hộ đã được vay vốn theo Nghị định 28. Một số hộ còn lại đang có nhu cầu, đã làm hồ sơ nhưng chưa được giải ngân. Trong số này, một số hộ đã thoát nghèo trong năm 2024 nên sẽ không được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Những hộ này sẽ rơi vào tình trạng công trình dang dở hoặc bị đốc thúc nợ, phải vay mượn chỗ này chỗ khác đắp đổi, thậm chí phải bán keo non để trả nợ. Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, sinh kế lâu dài của người dân địa phương.

Những ngôi nhà ở Linh Trường vẫn cần được hỗ trơ để đảm bảo cứng hóa. Ảnh: Võ Dũng.

Những ngôi nhà ở Linh Trường vẫn cần được hỗ trơ để đảm bảo cứng hóa. Ảnh: Võ Dũng.

“Có trường hợp phải lấy tiền vay ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất để trả tiền xây nhà. Như thế là sử dụng nguồn vốn sai mục đích nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Có hồ sơ vay vốn chậm nên hiện chưa giải ngân được. Có hộ thì keo chưa đến tuổi cũng phải bán để trả nợ xây nhà. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng ngân hàng bảo nguồn vốn hiện chưa có”, ông Huân cho hay.

Là địa phương có nhu cầu xóa nhà tạm bợ rất lớn nhưng nguồn vốn từ năm 2022 phải đến cuối năm 2023 mới giải ngân được. Theo ông Huân nguyên nhân xuất phát từ việc thời điểm triển khai, các văn bản thay đổi, nhiều văn bản chồng chéo. Vì vậy cán bộ địa phương dù đã rất cố gắng nhưng phải chờ hiểu hết văn bản áp dụng và một số hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần để được giải ngân.

Còn theo ông Lê Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường, chủ trương ra đời sớm nhưng một số văn bản hướng dẫn ra quá muộn trong khi việc giải ngân theo tiến độ lại gấp gáp. Vì vậy, địa phương lúng túng.

“Tại Linh Trường, khi đoàn giám sát của tỉnh ra làm việc thì địa phương mới rõ cách làm. Theo kế hoạch thì năm 2024, chúng tôi sẽ triển khai và giải ngân nguồn vốn xây dựng 38 ngôi nhà, cấp cho các hộ dân 67 bồn nước”, ông Tân cho hay.

Kinh tế khó khăn khiến người dân Linh Trường phải trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Võ Dũng.

Kinh tế khó khăn khiến người dân Linh Trường phải trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Võ Dũng.

Theo kế hoạch, Linh Trường sẽ về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024 nhưng hiện nay cũng mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí. Các tiêu chí quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn hiện vẫn chưa đạt. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Linh Trường mới đạt 37 triệu đồng/người/năm và chưa bền vững vì bao gồm cả việc giải ngân các chương trình mục tiêu Quốc gia; nguồn thu đền bù giải phóng mặt bằng đường cao tốc. 

Theo Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Gio Linh, tổng nguồn vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia: Xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 6,2 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới năm 2024 chủ yếu được phân bổ cho các xã hiện đang phấn đấu về đích nông thôn mới để Gio Linh cán đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Xem thêm
Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới

Quảng Bình Nguồn vốn vay ưu đãi trợ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, là đòn bẩy hữu hiệu góp phần quan trọng để phát triển kinh tế…

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Yến Đảo Cần Giờ được chứng nhận 17 sản phẩm OCOP 4 sao

TP.HCM Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư TMDV Yến Đảo Cần Giờ được UBND TP.HCM chứng nhận 17 sản phẩm OCOP 4 sao từ yến sào trong số 43 sản phẩm mới được vinh danh.