| Hotline: 0983.970.780

Chương trình Mục tiêu Quốc gia có tiền nhưng không dễ tiêu: [Bài 1] Nhiều tiền cũng khóc

Thứ Hai 01/07/2024 , 10:30 (GMT+7)

Sau khi được phân bổ vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các địa phương bắt tay thực hiện, giải ngân nhưng vẫn không thể tiêu hết tiền. Nút thắt nằm ở đâu?

Rất nhiều chủ trương được ban hành và cũng khá nhiều đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá; cũng họp hành, đề xuất, kiến nghị, đề ra các giải pháp nhưng giữa việc thực hiện chính sách và hiện trạng đời sống của đồng bào dường như chưa có điểm chạm. Có độ vênh ấy là bởi thiếu đi sự sâu sát của những người có trách nhiệm và cả những quyết sách. Nhưng, có lẽ cái thiếu lớn nhất vẫn là tình thương yêu đồng bào vùng xa xôi ấy!

Ăn cơm xã “vác tù và hàng tổng”

Đầu năm 2024, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững tồn đọng từ các năm 2022-2023 với số lượng 10 con bò cấp cho hộ nghèo.

Ngày 18/1/2024, chương trình hoàn thành, 10 hộ nghèo được nhận bò, đem về nuôi, sinh trưởng, phát triển tốt. Thế nhưng, do quá trình viết hồ sơ dự án còn thiếu sót, UBND xã Hướng Hiệp phải trích số tiền 4,5 triệu đồng từ ngân sách chi thường xuyên để bù vào tiền thuê đơn vị tư vấn.

Các hộ, nhóm hộ rất khó để có thể viết và thực hiện dự án thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nên chính quyền xã phải trực tiếp làm thay dân. Ảnh: Võ Dũng.

Các hộ, nhóm hộ rất khó để có thể viết và thực hiện dự án thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nên chính quyền xã phải trực tiếp làm thay dân. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Trương Thị Hoa, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Hướng Hiệp cũng cho rằng, hồ sơ thủ tục thực hiện dự án các chương trình mục tiêu hiện nay còn nhiều nút thắt. Theo quy định, để tổ chức đấu thầu, bên viết dự án phải trình 3 báo giá khác nhau trong hồ sơ để thẩm định. Tuy nhiên, tại địa bàn không có nhiều đơn vị cung ứng. Bản thân người viết dự án cũng không thể xác định được đơn vị nào sẽ tham gia dự thầu trong giai đoạn viết dự án nên xin báo giá hết sức khó khăn.

Các chương trình dự án này hiện chưa có định mức cụ thể cho các đối tượng thụ hưởng nên phải qua nhiều lần xây dựng, nhiều đơn vị thẩm định giá. Người được giao viết dự án phải trình lên trình xuống, điều chỉnh, mất rất nhiều thời gian. Đây là nút thắt xảy ra phổ biến tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị.

“Đến năm 2023 Trung ương mới bắt đầu có những hướng dẫn cụ thể về thực hiện các chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, tỉnh không đưa ra các định mức hỗ trợ cũng gây ra rất nhiều khó khăn. Mình đưa lên một giá, tài chính thẩm định 1 giá, phòng nông nghiệp thẩm định 1 giá... Để hỗ trợ 10 con bò cho người nghèo lần này, tôi đã phải làm hồ sơ đến lần thứ 5”, bà Hoa chia sẻ.

Ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, thừa nhận, mặc dù đã được tập huấn nhưng cán bộ xã còn yếu trong khâu tổ chức đấu thầu các dự án. Theo quy định tại Thông tư 55/TT-BTC, đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các tổ, nhóm cộng đồng sẽ trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, đến cán bộ xã còn bỡ ngỡ trong việc viết dự án thì công việc này khi được giao cho các tổ, nhóm cộng đồng sẽ rất khó khăn. Vì thực tế đó, có dự án, dù là trách nhiệm của tổ, nhóm cộng đồng nhưng UBND xã Hướng Hiệp đã phải giao cán bộ xã làm thay.

Nhu cầu giải ngân nguồn vốn rất lớn và có tác động đến tốc độ giảm nghèo nhưng hiện nay, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại Quảng Trị giải ngân quá chậm. Ảnh: Võ Dũng.

Nhu cầu giải ngân nguồn vốn rất lớn và có tác động đến tốc độ giảm nghèo nhưng hiện nay, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại Quảng Trị giải ngân quá chậm. Ảnh: Võ Dũng.

Giải ngân chậm tiến độ là tình trạng chung của nhiều xã tại huyện Đakrông, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tốc độ giảm nghèo tại địa phương này.

Tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG, ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông kết luận, đến cuối năm 2023, toàn huyện mới chỉ phê duyệt tổ chức thực hiện 20/95 hạng mục. Một số địa phương chưa có dự án được phê duyệt; lúng túng trong tổ chức thực hiện. Công tác hướng dẫn, đôn đốc của các phòng, ban cấp huyện chưa nghiêm túc; lập và thẩm định hồ sơ phê duyệt từ đầu năm 2024 đến nay chưa được quan tâm...

Nhiều địa phương chưa giải ngân được đồng nào

Trong khi nhu cầu hỗ trợ nguồn rất lớn thì ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu lại đang dồn ứ. Nhiều xã của huyện Đakrông hiện chưa giải ngân được đồng nào từ nguồn vốn sự nghiệp.

Ông Lê Quang Thạch, Chủ tịch UBND thị trấn Krông Klang cho biết, địa phương này đang tồn 600 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo chuyển từ năm 2022 sang nhưng đến cuối tháng 5/2024 chỉ mới làm hồ sơ, thủ tục mời thầu.

Người nghèo đang chờ đón chính sách. Ảnh: ĐT.

Người nghèo đang chờ đón chính sách. Ảnh: ĐT.

“Vốn các Chương trình MTQG đến muộn chứ không phải địa phương chủ quan. Hơn nữa, khi đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục thì có thể việc cung ứng cây, con giống lại không phù hợp mùa vụ. Ví dụ như chương trình cấp bò dự án, chúng tôi dự định sau Tết Nguyên đán, qua rét nàng bân sẽ thực hiện để đạt hiệu quả cao nhưng nay đã mùa hè rồi mà vẫn chưa xong hồ sơ, thủ tục”, ông Thạch phân trần.

Cũng theo ông Thạch, khi triển khai các chương trình mục tiêu, địa phương có tâm lý chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, một huyện nghèo như Đakrông thì số lượng doanh nghiệp rất ít nên liên kết chuỗi giá trị cũng chỉ “cán bộ triển khai”.

Ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đakrông cho biết, đơn vị này được giao 8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp phát triển sản xuất của Chương trình Giảm nghèo bền vững và Phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng đến cuối tháng 5/2024 chưa giải ngân được đồng nào. Còn nguồn vốn giao cho các xã làm chủ đầu tư với số tiền 49,6 tỷ đồng  mới chỉ giải ngân được 4% cho chương trình giảm nghèo bền vững (chưa đến 2 tỷ đồng).

Nhu cầu giảm nghèo cấp thiết, chất lượng cuộc sống người dân miền núi Quảng Trị đang ở mức thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Nhu cầu giảm nghèo cấp thiết, chất lượng cuộc sống người dân miền núi Quảng Trị đang ở mức thấp. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Bắc cũng cho rằng, cơ chế thay đổi; Quảng Trị lại không ban hành định mức hỗ trợ; huyện Đakrông rất ít doanh nghiệp nên việc tổ chức, hình thành các mối liên kết theo đúng yêu cầu chương trình phải có 70% lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số là điều gần như không thể. Một số chương trình giải ngân do phòng phụ trách sau khi xong hồ sơ thủ tục thì lại quá thời vụ nên hiệu quả không như mong muốn.

“Rất ít xã giải ngân được nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Một số xã xin chuyển nguồn từ hỗ trợ cây trồng sang vật nuôi nên phải làm đi làm lại thủ tục”, ông Bắc cho hay.

Năm 2022-2023, huyện Đakrông được phân bổ trên 266 tỷ đồng thực hiện các chương trình MTQG nhưng đến cuối năm 2023 vốn sự nghiệp mới giải ngân được trên 11%. Huyện Đakrông đã chuyển trên 140 tỷ đồng năm 2022 và 2023 sang năm 2024 để giải ngân. UBND huyện Đakrông cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thực hiện dự án… để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Xem thêm
Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới

Quảng Bình Nguồn vốn vay ưu đãi trợ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, là đòn bẩy hữu hiệu góp phần quan trọng để phát triển kinh tế…

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Yến Đảo Cần Giờ được chứng nhận 17 sản phẩm OCOP 4 sao

TP.HCM Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư TMDV Yến Đảo Cần Giờ được UBND TP.HCM chứng nhận 17 sản phẩm OCOP 4 sao từ yến sào trong số 43 sản phẩm mới được vinh danh.