Qua chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (VTV 1), gia đình Bộ trưởng Bộ LĐ -TB - XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tìm lại được ân nhân là bác sĩ Phạm Văn Đề, cơ sở giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Xin trân trọng cám ơn nhà báo Thu Uyên và êkip thực hiện chương trình đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu bài viết này.
"Hãy tìm gia đình bác sỹ Đề, trả ơn cho má"
Chị em bà Bộ trưởng gặp lại các con của ông Đề sau 35 năm xa cách
Mẹ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân là bà Nguyễn Thị Sanh, thường gọi là bà Sáu Sanh, là cán bộ cách mạng lão thành. Trong những năm kháng chiến, bà quen biết bác sĩ Đề, cán bộ quân y của quân đội ngụy.
Ông hay giúp đỡ bà Sáu gom thuốc kháng sinh và bông băng y tế gửi cho cách mạng. Hàng tuần khi gom đủ thuốc, ông Đề chở con gái của bà Sáu Sanh là chị Kim Ngân ( đương kim Bộ trưởng Bộ LĐ - TB - XH) và em gái Kim Hữu, ôm túi thuốc (nguỵ trang bằng những hũ mắm) đi qua các bốt canh phòng Cầu Quay, xuống bến phà Mỹ Tho, để chuyển cho bà Sáu Sanh. Từ đây bà Sáu vận chuyển vào vùng chiến khu cho quân giải phóng. Sau chiến tranh, bà Sáu không còn thông tin về ông Đề, bà đã nhờ người tìm và hỏi thăm xem ông ở đâu nhưng không thấy.
Trước lúc mất, năm 2006, bà Sáu Sanh dặn: "Các con, gắng tìm ông Đề xem ông ở đâu, cuộc sống thế nào và trả ơn người ta thay má". Vâng lời di huấn của mẹ, chị Kim Ngân và Kim Hữu đã cất công đi tìm và hỏi thăm tin tức về ông Đề, nhưng không có hy vọng gặp lại. May sao lúc ấy đã có chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của đài Truyền hình Việt Nam, và thế là chị Kim Hữu tìm đến đăng ký vào tháng 10/2008, hồ sơ mã số 675, tìm kiếm bác sỹ Đề. Người đăng ký là chị Nguyễn Thị Kim Hữu, ở tại 296 Trần Hưng Đạo, phường 4, Mỹ Tho (Tiền Giang), tìm ân nhân của mẹ là bác sỹ Đề.
Cũng tháng 10/2008, ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, nhớ lời di huấn của mẹ, cũng nhờ gửi đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” giúp đỡ tìm kiếm thông tin về bác sỹ Đề. Thông tin của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Bác sỹ Đề là đại úy quân y, người Bắc di cư vào Nam (nói tiếng Bắc), theo đạo Công giáo. Khoảng năm 1969 -1970, ông Đề làm tại quân y viện Định Tường - Trung tâm Mỹ Tho. Gia đình ông sống trong khu trại gia binh. Ông Đề có người con trai lớn tên là Huấn, sinh khoảng 1953-1954 học trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho).
Từ những dòng thông tin ít ỏi trên, nhà báo Thu Uyên và cộng sự đã tổ chức tìm kiếm bác sỹ Đề.
Anh Nguyễn Xuân Cương được giao nhiệm vụ về Cần Thơ, Tiền Giang hỏi thăm sở Y tế để tìm ra những bác sỹ tên Đề là người miền Bắc, làm việc ở Bệnh viện 3 giã chiến Định Tường.
Anh Cương kể lại: Tôi đến Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, gặp các anh Nguyễn Hoàng Hải và Trần Văn Vân, cán bộ phòng tổ chức hành chính, đề nghị giúp đỡ. Anh Hải trực tiếp dẫn tôi đến nhà 2F Phan Hiến Đạo, gặp bác sỹ có tên là Đề, cũng là người gốc Bắc và đã từng làm việc ở Bệnh viện 3 dã chiến Định Tường. Nhưng khi gặp trực tiếp, thì ông này là Lâm Thanh Đề và ông cũng không biết gì về ông Đề chúng tôi đang tìm kiếm.
Theo nguồn tin khác, có bác sĩ Trần Quan Minh đã từng làm việc ở Bệnh viện 3 dã chiến Định Tường, nay ở tại số nhà 17 ấp Bắc, phường 4, Mỹ Tho; chúng tôi tìm về đây gặp ông. Theo bác sĩ Minh thì hồi đó Bệnh viện dã chiến 3 được chia làm hai khu điều trị và điều dưỡng. Khu điều trị có hơn 10 bác sĩ nhưng không ai tên là Đề. Còn ở khu điều dưỡng thì ông không biết. Ông Minh nói khoảng năm 2006 khi bà Sáu Sanh mất, cũng có người đến gặp ông hỏi về ông Đề. Chúng tôi lại tìm đến gia đình bác sỹ Nguyễn Văn Ánh tại 214 Đinh Bộ Lĩnh phường 2, Mỹ Tho.
Ông người gốc Bắc cũng làm việc tại Bệnh viện 3 giã chiến. Qua trao đổi, ông Ánh cũng không biết gì về ông Đề. Ông giới thiệu cho chúng tôi đến gặp ông Phạm Hữu Du là y tá Bệnh viện 3 dã chiến, hiện ở tại phường 1, Mỹ Tho. Ông Du là người Bắc, nhà theo đạo Thiên chúa, có quen biết gia đình ông Đề. Sau giải phóng gia đình ông Du đi vùng kinh tế mới, mãi sau này mới trở về, khi đó cuộc sống quá khó khăn nên cũng không có điều kiện thăm hỏi bạn bè.
Không có thông tin về ông Đề và gia đình ông, nhóm phóng viên chương trình “Như chưa hề co cuộc chia ly” về Mỹ Tho gặp chị Kim Hữu. Chị Hữu kể: Hồi đó tôi và chị Kim Ngân thường được bác Đề chở bằng xe Vespa màu trắng và cũng có khi đi bằng xe Honda màu xanh chuyển thuốc từ nhà bác Đề về nhà chúng tôi. Hồi đó tôi khoảng 13 tuổi, còn chị Ngân thì 16 tuổi. Hai chị em được má giao cho việc đem các hũ thuốc đi giao cho các đầu mối ở Bến Tre. Số thuốc này má gom từ nhiều cơ sở, trong đó có cơ sở của bác Đề. Bác Đề thỉnh thoảng cũng đưa hai anh là Huấn và Lạng là con bác đến nhà tôi chơi, má tôi thường nói giỡn là sau này hai nhà làm sui gia.
Lúc ấy vì còn nhỏ nên tôi và chị Ngân xấu hổ thường chạy vào nhà trong không dám ra chào hai anh. Cứ khoảng một tuần, sau khi gom đủ thuốc má mới sai tôi mang đi giao cho cơ sở. Có hôm tôi đi một mình, có hôm được bác Đề trở xe máy, từ nhà đến bến đò Bình Đại, hoặc Hồng Vũ. Trong khi đi, hai bác cháu cũng ít nói chuyện, vì luôn luôn phải cảnh giác, để phát hiện cảnh sát. Khi xuống bến đò, tôi thường đến từ trước khi đò còn vắng khách. Tôi đem các hũ thuốc để bên dưới gầm các ghế ngồi của khách, sau đó lại lên bờ ngồi chờ, khi nào khách xuống đông mới xuống theo. Khi qua bên kia sông, tôi cũng lên sau cùng nếu an toàn thì mới lấy thuốc.
Bởi tôi còn nhỏ nên cũng chẳng ai để ý khi thấy tôi xách hũ mắm xuống đò và đi đường. Cứ như thế bác Đề là cơ sở thường xuyên cung cấp thuốc kháng sinh và đồ dùng y tế cho má tôi từ năm 1967 đến năm 1970. Năm ấy má tôi bị bọn chiêu hồi khai báo nên bị bắt, bị thẩm vấn tại trại giam Cây Khế, sau đó chuyển qua khám đường khoảng 6 tháng thì được thả về, lại tiếp tục hoạt động. Bên ngoài má mở cửa hàng may, bên trong là cơ sở hội họp của cách mạng, vì thế má tôi còn có biệt danh là Sáu May. Khi má tôi ra tù thì cũng mất liên lạc với bác Đề, nghe nói năm đó bác cũng bị bọn chiêu hồi khai báo, bị bắt đi tù không còn làm việc ở Bệnh viện dã chiến 3 nữa. Ra tù bác đưa cả gia đình qua Bến Tre sống bằng nghề chạy xe ôm… (Còn nữa)