![a-9-104031_359.jpg Lễ hội Gầu Tào thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Ảnh: Thanh Tiến.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/a-9-104031_359-111452.jpg)
Lễ hội Gầu Tào thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. Ảnh: Thanh Tiến.
Trong 2 ngày 14 và 15/2, tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ hội Gầu Tào tại huyện Trạm Tấu. Tại đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình lễ hội truyền thống cho đại diện cộng đồng của 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn.
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông, là nơi thực hành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, và Văn Chấn qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có gần 110.000 người dân tộc Mông (chiếm hơn 13% dân số toàn tỉnh), tập trung đông nhất ở huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
![le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-105611_114.jpg Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trao chứng nhận cho đại diện cộng đồng chủ thể di sản của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-105611_114-111452.jpg)
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trao chứng nhận cho đại diện cộng đồng chủ thể di sản của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.
Gầu Tào là lễ hội truyền thống điển hình, quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của tộc người, mang những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, thể hiện giá trị tinh thần tích cực của tộc người. Lễ hội được tổ chức để cầu phúc, cầu mệnh. Đây là dịp để tạ ơn thần linh đã ban phúc, ban lộc cho mọi nhà, cầu cho bản làng được mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Lễ hội cũng từng có một khoảng thời gian bị mai một, từ năm 2005 đã được phục dựng lại và tổ chức ở xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu), xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải), xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và mở rộng từ quy mô gia đình, dòng họ lên cấp xã, cấp huyện. Đến nay, lễ hội đã có sự biến đổi, nâng tầm thành lễ hội của cộng đồng cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
![le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-105915_456.jpg Chủ lễ thực hiện nghi lễ khai mạc lễ hội. Ảnh: Thanh Tiến.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-105915_456-111453.jpg)
Chủ lễ thực hiện nghi lễ khai mạc lễ hội. Ảnh: Thanh Tiến.
Thầy cúng Giàng A Su ở thị trấn Trạm Tấu chủ lễ của lễ hội Gầu Tào cho biết, lễ hội Gầu Tào (tiếng Mông là Tsang hâur tox) nghĩa là: chơi ngoài trời, chơi núi đồi ngày đầu xuân. Để bảo tồn và chuẩn hóa lễ hội như hôm nay đòi hỏi những người thực hiện phải am hiểu và dành nhiều tâm huyết đối với giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Hiện nay, lễ Gầu Tào thường được tổ chức từ 1 - 3 ngày vào dịp tháng Giêng để bà con trong vùng có điều kiện tham gia vui hội trong những ngày đầu năm mới. Để tổ chức lễ hội chủ lễ và những người giúp việc chuẩn bị các lễ vật. Họ là những người có gia cảnh yên ấm, cuộc sống hạnh phúc, con cháu đủ đầy, kinh tế khá giả.
![le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-110209_3.jpg Phần thi giã bánh dày trong lễ hội. Ảnh: Thanh Tiến.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-110209_3-111454.jpg)
Phần thi giã bánh dày trong lễ hội. Ảnh: Thanh Tiến.
Trong lễ hội, cây nêu là một biểu tượng quan trọng nhất. Đây được xem như một biểu tượng “thông quan” giữa con người với thần linh, giữa con người với các thế lực siêu nhiên. Cây nêu được dựng lên trên một khoảng đất thoáng rộng, trang trí sặc sỡ, tượng trưng cho sự tươi đẹp của đất trời, thiên nhiên, hoa trái… Bà con gần xa đi chợ tết, vui chơi nhìn thấy cây nêu là biết sắp có lễ hội, chuẩn bị váy áo tham gia.
Lễ hội Gầu Tào được thực hành rất chu đáo từ khâu chuẩn bị đến quá trình diễn ra nghi lễ. Phần lễ bắt đầu bằng việc chuẩn bị lễ vật cúng thần gồm cây nêu, gà trống mào đỏ, giấy dó… để tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy nhà… Tiếp đến là phần hội diễn ra rất sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như đua ngựa, bắn nỏ, đánh quay, ném pao, đánh cầu lông gà, kéo co, đẩy gậy, thi trình diễn các điệu khèn, thi giã bánh dày, thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải...
![le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-110328_524.jpg Lễ hội Gầu Tào dịp đầu năm mới góp phần quảng bá văn hóa và thu hút khách du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/15/le-hoi-gau-tao-di-san-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-mong-yen-bai-110328_524-111454.jpg)
Lễ hội Gầu Tào dịp đầu năm mới góp phần quảng bá văn hóa và thu hút khách du lịch. Ảnh: Thanh Tiến.
Người Mông coi việc thực hành các trò chơi và các hoạt động văn hóa nghệ thuật không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng hiện tại mà đó còn là những hình thức thể hiện tài năng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống để dâng lên các vị thần. Ngoài ra, những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội đã kết nối mỗi cá nhân vào cộng đồng, cùng hướng về cội nguồn và nuôi dưỡng ý thức gắn kết cộng đồng, quê hương.
Ông Nông Việt Yên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm, lễ hội Gầu Tào của người Mông là một nét đẹp văn hóa tâm linh đặc trưng của người dân vùng cao. Đó không chỉ là nơi bà con người Mông gửi gắm niềm tin, hy vọng về một cuộc sống mới tươi đẹp, mà còn là nơi gắn kết tình cảm của cộng đồng, là dịp để những người con xa xứ về đoàn tụ với gia đình, thôn bản nhân dịp đầu xuân năm mới.
Lễ hội được duy trì tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, góp phần lan tỏa văn hóa về vùng đất, con người Yên Bái đến với du khách thập phương.