| Hotline: 0983.970.780

Tục kết chạ - nét đẹp truyền thống của người Quan họ

Chủ Nhật 16/02/2025 , 08:52 (GMT+7)

Về hình thức làng kết chạ, Quan họ khác với hát ví, đúm, chèo,... ở chỗ được coi như một phương tiện góp phần tạo nên sự cố kết giữa các làng.

Hát quan họ trên thuyền.

Hát quan họ trên thuyền.

Bắc Ninh từ lâu đã được xem là cái nôi của người Việt cổ. Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên khởi thảo cho thấy, ngay từ đầu thời kỳ Bắc thuộc trở về trước, Bắc Ninh đã là một trung tâm đông dân, giàu có.

Vùng Dâu - Luy Lâu từng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn và cổ xưa nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi đầu tiên Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam, trở thành trung tâm Phật giáo lớn nhất cả nước. Bắc Ninh còn là quê hương của vương triều Lý, triều đại góp công khai mở nền văn minh Đại Việt.

Chính vì vậy, nói đến Kinh Bắc xưa - Bắc Ninh nay là nói đến vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Trải qua quá trình phát triển của lịch sử từ hàng ngàn năm qua, dưới tác động của quá trình giao lưu kinh tế - văn hóa, nếu như ở cộng đồng cư dân Việt tại vùng đồng bằng sông Hồng nảy sinh tục kết chạ theo xu hướng cộng cảm, cộng cư và cùng nhau ứng xử với mọi biến động của lịch sử tự nhiên và xã hội, thì tại các làng Quan họ xứ Kinh Bắc, tục kết chạ được coi là một mỹ tục đắc dụng, là điểm tựa để liên minh về kinh tế, an ninh, liên kết xã hội và đặc biệt là nơi để tạo mối giao lưu, sản sinh ra kho tàng văn hóa dân gian - mà đỉnh cao là các làn điệu dân ca Quan họ đằm thắm, trữ tình.

Tổng quan về tục kết chạ ở Bắc Ninh

Không rõ kết chạ có từ bao giờ nhưng đây là nét văn hóa nổi bật của nhiều làng quê Bắc Bộ nói chung và Bắc Ninh nói riêng. Kết chạ (“Chạ” là chữ Nôm cổ gần nghĩa với chữ “chung” mà ngày nay chúng ta thường dùng) là một hình thức kết nghĩa giữa hai hay nhiều làng với nhau, tạo nên mối quan hệ gắn bó lâu dài, giúp đỡ nhau trong những sự kiện quan trọng của làng xã như hội làng, xây đình, chùa, hoặc khi gặp thiên tai, giặc giã. Mối quan hệ này dựa trên tinh thần tương trợ và bình đẳng, không phân biệt làng lớn hay làng nhỏ. 

Về hình thức làng kết chạ, Quan họ khác với hát ví, đúm, chèo,... ở chỗ, loại hình dân ca được coi như một phương tiện góp phần tạo nên sự cố kết giữa các làng với nhau trong môi trường quan hệ xã hội truyền thống nói chung.

Ngược lại, chính mối quan hệ kết chạ này lại là yếu tố quan trọng tạo điều kiện củng cố vững chắc hơn cho tục hát Quan họ, cung cấp môi trường để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ.

Cách ứng xử giữa những người dân của các làng kết chạ 

Không chỉ thăm hỏi, giao lưu vào những dịp lễ hội, các làng kết chạ ở Bắc Ninh có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều mặt của đời sống như sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai, bảo vệ an ninh trước giặc giã, cướp bóc, hay cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Một trong những minh chứng tiêu biểu là mối quan hệ kết chạ giữa làng Lũng Giang (nay thuộc huyện Tiên Du) và làng Tam Sơn (nay thuộc thành phố Từ Sơn).

Tương truyền, trong một lần làng Lũng Giang vận chuyển gỗ để xây đình làng, bè gỗ không may mắc kẹt trên sông Tiêu Tương, đoạn chảy qua địa phận làng Tam Sơn. Trước tình huống đó, người dân Tam Sơn đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp bè gỗ tiếp tục hành trình.

Sau sự kiện này, nhận thấy sự tương đồng về văn hóa, đặc biệt là trong các sinh hoạt Quan họ, hai làng đã thiết lập mối quan hệ kết chạ, coi nhau như người một nhà. Họ không chỉ tương trợ về mặt vật chất mà còn chia sẻ, động viên nhau về tinh thần. Tuy nhiên, theo thời gian, tục kết chạ giữa hai làng dần mai một do những biến động lịch sử và xã hội.

Trong đời sống thường ngày, người dân của các làng kết chạ luôn ưu tiên nhường nhịn lẫn nhau. Dù có mối quan hệ thân thiết, nhưng trong quá trình sinh sống, làm ăn, đôi khi không tránh khỏi những va chạm nhỏ giữa người dân hai làng, chẳng hạn như trẻ con đánh nhau hay trâu bò phá hoại hoa màu.

Kết chạ là một hình thức kết nghĩa giữa hai hay nhiều làng với nhau.

Kết chạ là một hình thức kết nghĩa giữa hai hay nhiều làng với nhau.

Tuy nhiên, thay vì xảy ra mâu thuẫn lớn, người dân các làng kết chạ luôn giữ thái độ hòa nhã, kiềm chế, không to tiếng cãi vã hay đưa sự việc ra chính quyền. Thay vào đó, đại diện hai làng sẽ đứng ra hòa giải, lắng nghe cả hai bên trình bày và chỉ ra lỗi sai một cách công bằng. Người vi phạm sẽ phải nhận lỗi và xin lỗi bên kia, từ đó giữ gìn tình nghĩa bền chặt giữa hai làng.

Một nguyên tắc quan trọng trong tục kết chạ là khi đã coi nhau như anh em thì không được kết duyên vợ chồng. Những quy định này thường được ghi rõ trong hương ước của làng và được lưu giữ tại đình làng. Chính những luật tục này đã góp phần tạo nên tình bạn Quan họ bền vững, nhiều nơi duy trì qua hàng trăm năm và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong sinh hoạt văn hoá Quan họ thật sự tồn tại một tình người thắm thiết, thuỷ chung. Cùng với sự bình đẳng, tương thân, tương ái, người Quan họ rất coi trọng những người đi trước, các lớp Quan họ trước, biết ứng xử có trước, có sau, có trên, có dưới. Những việc làm, những lời răn bảo, khuyên can, chỉ dẫn... của thế hệ đi trước thường được giữ gìn và tôn trọng.

Sự có mặt của các liền anh, liền chị đi trước trong mọi cuộc sum họp ca xướng Quan họ thường là niềm tự hào, niềm vui của Quan họ lớp trẻ. Bao giờ các bậc đi trước cũng được đối xử một cách quý trọng, chân thành. Mối quan hệ này liên quan chặt chẽ đến sự bảo tồn và phát triển các thành tựu văn hoá, nghệ thuật Quan họ nói chung, màu sắc, phong cách đa dạng của mỗi làng nói riêng.

Tục lệ đón tiếp chạ anh, chạ em

Tại vùng Kinh Bắc xưa, những làng có quan hệ kết chạ thường duy trì tục lệ đón tiếp nhau trong những dịp đặc biệt như lễ hội, sự kiện trọng đại của làng hoặc khi có tin vui. Việc đón tiếp này không diễn ra tùy tiện mà được tổ chức theo những quy tắc, nghi thức nhất định của từng làng.

Thông thường, làng giữ vai trò chạ em sẽ đón tiếp long trọng đoàn đại diện của chạ anh. Việc tiếp đón diễn ra theo trình tự rõ ràng: các bô lão, chức sắc của chạ em sẽ đón chào các bô lão, chức sắc của chạ anh; nam thanh nữ tú của chạ em cũng ra chào đón những người cùng trang lứa từ chạ anh. Địa điểm đón tiếp có thể là cổng làng, nếu hai làng ở gần nhau, hoặc tại đường cái quan đối với những làng nằm trên trục đường chính, hay bến đò nếu hai làng cách nhau một con sông.

Sau phần đón tiếp ban đầu, chạ anh sẽ được đưa tới nơi tiếp khách chính thức, thường là đình làng hoặc đền thờ Thần. Tại đây, đại diện hai làng sẽ cùng nhau hàn huyên, trao đổi về tình hình mùa màng, an ninh trật tự, sức khỏe của bô lão trong làng, cũng như những vấn đề chung trong cộng đồng. Lời ăn tiếng nói trong những cuộc trò chuyện này luôn được chọn lọc cẩn thận, thể hiện sự nhã nhặn, cung kính và trân trọng lẫn nhau.

Giao lưu quan họ đầu năm mới.

Giao lưu quan họ đầu năm mới.

Bên cạnh đó, khi đến thăm chạ em, đoàn đại diện của chạ anh cũng không quên mang theo lễ vật. Những món quà này thường là đặc sản của làng mình, vừa thể hiện sự quý trọng đối với chạ em, vừa là dịp để giới thiệu sản vật địa phương.

Đáp lại tấm thịnh tình này, chạ em sau khi nhận lễ vật sẽ tổ chức tiệc chiêu đãi sau đó mời khách tham gia các trò chơi dân gian như đánh cờ, chơi tổ tôm và đặc biệt là tham gia canh hát tại nhà chứa Quan họ (Nhà chứa Quan họ là một thiết chế văn hóa đặc thù chỉ có ở riêng của người Quan họ. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa Quan họ, giao lưu, truyền dạy, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh).

Tuỳ theo từng làng, cũng có những nét văn hóa sinh hoạt riêng. Nhưng nhìn chung, cỗ mời Quan họ ăn thường là cỗ to để thể hiện lòng hiếu khách như câu “Quan họ thịt gà, giỗ cha thịt ếch”. Cỗ dù có to tới đâu nhưng người Quan họ vẫn quan trọng nhất vẫn là “Lời chào cao hơn mâm cỗ”.

Các Quan họ chủ chia nhau ân cần mời mọc Quan họ khách: "Năm, năm mới, tháng, tháng xuân, mỗi năm có một lần vui hội...Thôi thì, bây giờ canh đã quá khuya, anh em chúng em xin mời chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm... Quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bàu, vui bạn... rồi sau đây lại ca xướng cho tan canh mãn võ, cho tàn đêm ngày... đấy ạ".

Những làng có tục mời Quan họ rượu thì thường mỗi người bưng một chén rượu nhỏ mời từng người, vừa mời, vừa hát bài: “Ðôi tay nâng chén rượu đào/ Sánh ra thời tiếc, uống vào thời say.../ Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau…”

Nhưng có nơi không mời Quan họ uống rượu thì dù bữa ăn có sửa soạn to đến đâu, Quan họ cũng gọi là cơm Quan họ mà không gọi là cỗ Quan họ. Xưa, tục không mời uống rượu khi mời Quan họ ăn khi hát được các Quan họ ở làng Diềm (nay thuộc thành phố Bắc Ninh) và làng Bịu (nay thuộc huyện Tiên Du) giữ thành lệ làng.

Sau khi kết thúc buổi giao lưu, vào sáng hôm sau, chạ em sẽ tổ chức bữa tiệc chia tay và tiễn chạ anh về tận cổng làng, bến đò hoặc đường cái quan. Cả hai bên đều dành cho nhau những cử chỉ cung kính, cùng cúi vái từ biệt, thể hiện tình cảm trân trọng và gắn kết lâu dài.

Trong sinh hoạt văn hoá Quan họ thật sự tồn tại một tình người thắm thiết, thuỷ chung.

Trong sinh hoạt văn hoá Quan họ thật sự tồn tại một tình người thắm thiết, thuỷ chung.

Ý nghĩa của tục kết chạ đối với việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Quan họ

Tục kết chạ không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các làng quê Bắc Ninh mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Quan họ. Khi hai làng kết chạ với nhau, họ không chỉ chia sẻ, giúp đỡ nhau trong đời sống mà còn duy trì những sinh hoạt văn hóa chung, đặc biệt là hát Quan họ.

Mối quan hệ này tạo điều kiện để các canh hát được tổ chức thường xuyên, giúp nghệ nhân và người dân hai làng có cơ hội giao lưu, trau dồi kỹ năng, từ đó giữ gìn và lan tỏa những làn điệu Quan họ truyền thống. Hơn nữa, tục kết chạ còn góp phần bảo tồn những quy tắc ứng xử tinh tế trong Quan họ, như sự nhã nhặn, lịch thiệp trong giao tiếp hay tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa các liền anh, liền chị.

Nhờ mối quan hệ thân tình này, các làng hạn chế được xung đột, tranh chấp, thay vào đó là sự tương trợ, sẻ chia trong cuộc sống. Đây cũng chính là nền tảng để văn hóa Quan họ phát triển trong một môi trường hòa hợp, nơi mà những giá trị truyền thống không bị mai một mà tiếp tục được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù xã hội có nhiều đổi thay, tục kết chạ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng và góp phần làm rạng rỡ nét đẹp của văn hóa Quan họ Bắc Ninh.

Xem thêm
Cuộc chiến căng thẳng ở bán kết Nations League

Đức đối đầu với Bồ Đào Nha trong khi Tây Ban Nha đụng độ Pháp ở vòng bán kết UEFA Nations League 2024/2025.

Sức sống làng chài sau một cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Sức sống làng chài khi một trận bão biển kinh hoàng, được đạo diễn Phương Điền mô tả thuyết phục qua bộ phim 'Mẹ biển' dài 45 tập, phát sóng trên sóng VTV1.

Điểm nhấn du lịch mới ở thành phố biển Hạ Long

QUẢNG NINH Lễ hội hoa anh đào Kỳ Thượng góp phần duy trì, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, quảng bá, thu hút du khách, trở thành điểm nhấn du lịch mới ở Hạ Long.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.