| Hotline: 0983.970.780

Chuyện chưa từng có: 'Người mẹ đã chết' đến tòa đòi lại đất, nhà bị con chiếm dụng

Thứ Sáu 08/07/2016 , 08:01 (GMT+7)

Một đại gia đình từng đầm ấm, yên vui giờ chia phe, chia cánh đã đành đến cả ngày giỗ bố cũng chia đôi. Một mình gia đình anh cả làm giỗ một mình ăn còn sáu gia đình người em làm giỗ sáu gia đình ăn...Đúng là tình người giữa thời buổi kim tiền.

Trường hợp độc nhất vô nhị một cụ bà bị chứng nhận trên giấy tờ là “chết” nhưng mới đây đã đến Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương để đòi lại đất, đòi lại nhà bị chiếm dụng bất hợp pháp…

Các bác cho cháu xin

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương buổi sáng hôm đó có một cảnh tượng hi hữu, một cụ bà nằm trong cáng với cánh tay gẫy, cái hông băng bó được các con cháu khiêng đến dự xử phúc thẩm. Trước mặt các quan tòa, bà chỉ một mực nghẹn ngào nói đi nói lại mỗi một câu: “Xin các bác cho cháu xin lại đất, xin lại nhà…”.

Dù đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà vẫn giữ thói quen của một người nhà quê chẳng mấy khi bước chân ra khỏi cổng làng. Hễ mở miệng nói là bà lễ phép gọi người khác là bác còn tự mình khiêm tốn xưng là cháu.

Ở phía bên kia “đầu chiến tuyến” những người mà bà đang đấu lý để đòi lại nhà, đòi lại đất không ai khác là chính ông Trần Quang Thẻ - con trai cả, bà Nguyễn Thị Chính - con dâu cả, anh Trần Quang Văn - cháu nội con ông Thẻ bà Chính.

Người con dâu cả và người cháu nội đó ở phiên tòa chẳng thèm nhìn mặt mẹ chồng, bà nội mình mà cứ rõng rạc tuyên bố đất đó của họ, nhà đó của họ, bà có muốn ở thì ở còn không thì thôi. “Máu chảy ruột mềm” xem ra không hề đúng ở trường hợp này.

Báo NNVN từng có hai bài phản ánhTrường ca kiện tụngTòa xử 'người đã chết' đòi đấtvề chuyện này khiến dư luận cả nước phẫn nộ dõi theo.

Bà có tên là Nguyễn Thị Đụn người làng Đa Đinh, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cũng như bao người đàn bà thủa trước lấy chồng thì một mực thờ chồng, có con thì một mực hi sinh để nuôi con. Dứt ruột sinh được tới 9 đứa nhưng bà chỉ dưỡng được 7 người, đều được quý như nhau.

16-34-26_dsc_9484
Quyển sổ hộ khẩu khai bà Đụn đã chết năm 2008

 

Trời mưa gió, góc giường ướt mẹ nằm, góc giường khô con ngủ. Thủa khó khăn, miếng khoai sắn, miếng thân rau muống già độn cơm gắp vào bát mẹ, bát cha còn hạt cơm trắng sớt sang bát các con. Tuy nghèo khó nhưng miệng mẹ luôn dạy “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Anh em như thể chân tay”.

Chính bởi đông con, năm 1971 hai vợ chồng bà đã làm đơn đề nghị và được HTX Nông nghiệp xã An Bình cấp cho 528 m2 đất thổ cư ở tại đội 2 để giãn hộ. Có mảnh đất mới, ông bà cùng nhau lăn lưng ra làm lụng, tạo dựng một nếp nhà cấp bốn tường đắp đất, mái lợp rạ. Nhà làm xong chồng bà ra ở trước để trông coi rồi sau đó mới đưa người con dâu cả (vợ Trần Quang Thẻ) và đứa cháu nội mới sinh ra.

Ở được mấy năm, người chồng sức khỏe yếu, mắc bạo bệnh rồi khuất núi để lại bà cùng đàn con, mấy đứa lớn đã trưởng thành, mấy đứa sau vẫn còn thơ dại. Năm 1985 vợ chồng người con trai cả là Trần Quang Thẻ đã xin mẹ cho xây một căn nhà nhỏ cũng ở trên phần đất trên để ở riêng còn bà Đụn vẫn sống cùng mấy người con còn lại trong ngôi nhà tranh, vách đất.

Trong quá trình sử dụng đất, tuy bà Đụn là người trực tiếp quản lý nhưng vì không biết chữ nên khi đi làm sổ sách, giấy tờ đều do người con trai cả thực hiện.

Năm 1993, để không bị trừ tiêu chuẩn ruộng 03 ngoài đồng, cả nhà bàn nhau tách mảnh đất ra làm hai, anh Thẻ được 336 m2, còn bà Đụn được 352 m2 (sở dĩ đất có diện tích dôi ra so với lúc cấp là bởi thời trước ông bà có khai hoang thêm). Năm 2001 bà Đụn vào Nam chơi với con gái, khi trở về thấy căn nhà cũ đã bị vợ chồng con trai cả phá bỏ, thay vào đó là một khu trại chăn tằm, nuôi gà.

Khi bị mẹ đòi trả lại nhà cũ vợ chồng con trai cả mới sửa sang qua quýt khu chuồng gà này thành chỗ cho bà ở. Cuối năm 2009 bà Đụn nằm viện, một người con của bà có nhờ anh cả của mình đi đóng thuế nhà đất hộ mẹ thì anh này ráo hoảnh mà rằng: “Mẹ không có đất làm sao mà phải đóng thuế?”.

Hỏi ra phần đất 352 m2 và ngôi nhà mẹ đang ở đã được âm thầm chuyển nhượng sang tên vợ chồng người con trai cả tự bao giờ. Vậy là họ nghiễm nhiên có tới hai mảnh đất trong khi theo lời khai của cựu Chủ nhiệm HTX An Bình - người xét duyệt cấp đất năm xưa cùng các cán bộ địa chính và UBND xã thời kỳ đó thì người xin cấp đất không ai khác là vợ chồng bà Đụn...

Ghét nhau ghét cả đường đi

Đau lòng hơn, chẳng biết ai trong số con, cháu đã đang tâm khai tử cho bà Đụn khi mẹ mình, bà mình vẫn còn đang sống để nhằm mục đích mà theo dư luận là chiếm đất, chiếm nhà. Số là khi Nhà nước có chế độ trợ cấp hằng tháng cho người già trên 80 tuổi, con gái bà là Trần Thị Lâm mới đem phô tô sổ hộ khẩu của mẹ ra xã làm thủ tục.

Tình cờ chồng chị xem giấy tập giấy liền bảo: “Ô mẹ mày ơi, sao người ta lại ghi là bà nhà mình đã chết năm 2008 thế này?”. Giật mình xem lại mực đen, dấu đỏ lại còn có chữ ký của anh Đỗ Thế Đức - Phó công an xã trên sổ hộ khẩu ghi rành rành mẹ mình đã chết năm 2008.

Chị chạy ra gặp cán bộ tư pháp xã để kiểm tra thì đúng là có công chứng giấy tờ ghi bà Nguyễn Thị Đụn đã chết thật. Theo lời anh Trần Quang Trường - con trai thứ của bà Đụn, từ trước đến nay mẹ mình vẫn chung sổ hộ khẩu với gia đình anh. Một vài lần anh có cho cháu Trần Quang Văn - con ông Trần Quang Thẻ mượn sổ đỏ cùng sổ hộ khẩu để vay vốn gì đó...

Thế rồi chuyện người sống biến thành người chết lúc nào không hay. Quyển sổ hộ khẩu về sau bị chữa lại một cách hết sức vụng về trong đó chữ chết thành chữ chuyển nhưng bản trước đó chị Lâm đã phô tô lại được.

Đòi nhà, đòi đất mãi không được, không có riêng một chốn nương thân cũng như hương khói cho chồng, cực chẳng đã, bà Đụn khởi kiện ra tòa án huyện. Vụ việc chẳng có gì phức tạp nên tòa án huyện Nam Sách nhanh chóng xử bà Đụn thắng kiện nhưng người con trai cả cùng con dâu, cháu nội vẫn nhất quyết đẩy bà ra tòa tỉnh phiên phúc thẩm để rồi ai cũng lâm vào cuộc bẽ bàng.

16-34-26_dsc_1714
Con cháu khiêng bà Đụn đến dự tòa

 

Công lý và tình người vẫn thắng khi tòa tuyên: “Buộc ông Trần Quang Thẻ và bà Nguyễn Thị Chính phải trả lại cho cụ Đụn thửa đất số 35, tờ bản đồ số 6… thôn Đa Đinh, xã An Bình, huyện Nam Sách diện tích 352 m2”. Mảnh đất được trả lại nhưng tình mẹ con, tình bà cháu, tình anh em trong nhà chẳng biết bao giờ sẽ được trả lại?

Một đại gia đình từng đầm ấm, yên vui giờ chia phe, chia cánh đã đành đến cả ngày giỗ bố cũng chia đôi. Một mình gia đình anh cả làm giỗ một mình ăn còn sáu gia đình người em làm giỗ sáu gia đình ăn. Con đường liên thôn rộng là thế nhưng chạy qua mảnh đất nhà anh cả nhiều lúc sáu người em còn không muốn đi mà phải vòng lên đê để tránh. Đúng là tình người giữa thời buổi kim tiền.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm