LTS: Giá bất động sản ở các tỉnh tăng chóng mặt trong thời gian ngắn, đặc biệt là các địa phương có thông tin sẽ đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập như Hưng Yên, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình…
Không chỉ “nóng” trong các cuộc đấu giá đất do chính quyền tổ chức, cơn sốt đất len lỏi vào các thôn, xóm, làng xã… Những mảnh đất tưởng như “bỏ quên” ven các con đường thôn giờ đây cũng được dân đầu tư lùng sục tìm mua, sau đó phân nhỏ, chia ô, chuyển nhượng sang tay thu lời cả tỷ đồng chỉ sau vài ngày.
Nhiều người dân quê tranh thủ cơ hội bán thửa đất trước giờ chỉ quây tường rào làm vườn tạp, trở thành tỷ phú mà chính họ cũng bất ngờ. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi, quyết tâm giữ đất không bán bởi tâm lý “đất sẽ còn lên nữa”...
Chung tiền "độ" đất, nhà đầu tư làng lãi tiền tỷ chỉ sau vài tuần sốt đất
Những ngày qua, Hưng Yên là cái tên được nhắc đến gần như nhiều nhất, với những cuộc đấu giá đất ở tổ chức tại các xã, huyện trong tỉnh này. Giá đấu trúng cao hơn chục lần so với giá khởi điểm, đẩy giá đất Hưng Yên lên mức 100-150 triệu đồng/m2.
Lần đầu tiên, bất động sản của tỉnh Hưng Yên được thiết lập ở ngưỡng giá “chưa từng có”, dù các khu vực tổ chức đấu giá là đất thị trấn, đất ở vùng nông thôn. Giá đất tăng chóng mặt khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm về, các lô đất được chuyển nhượng, sang tay ngay tại chỗ.

Mảnh đất có diện tích 300m2 đối diện trường mầm non xã Thiện Phiến được chia lô nhỏ, bán đứt đoạn với giá xấp xỉ 2 tỷ đồng/ lô 60m2. Ảnh: Thái Bình.
Xã Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ) là một trong những xã cửa ngõ của Hưng Yên, cách tỉnh Thái Bình chỉ một cây cầu Triều Dương. Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, nhiều năm qua, Thiện Phiến là xã thuần nông, người dân chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi quy mô cá thể. Thế nhưng, hơn một tháng qua, vùng quê hiền lành, yên ả này cũng trở nên náo động bởi làn sóng sốt đất lan rộng về tận thôn xóm.
Anh Trần Văn H (một lao động tự do ở thôn Diệt Pháp, xã Thiện Phiến) mấy tháng nay thẫn thờ như người mất hồn. 4 năm trước (năm 2021), anh bán một lô đất đầu tư trước đó được hơn 1 tỷ đồng, giá trên chục triệu đồng/m2.
H dồn hết số tiền thu được để xây nhà. Nhưng đáng tiếc, thời điểm đó, hàng xóm trước nhà bán một lô đất liền kề phía trước, nếu mua được, công trình của anh sẽ ra mặt tiền. Mặc dù đã chốt giá, cọc tiền, nhưng rồi vô duyên, anh mua trượt lô đất này.

Những thửa đất dọc trục đường xóm hàng chục năm gần như bị "bỏ quên" làm vườn tạp giờ được săn lùng với giá tiền tỷ ở Thiện Phiến. Ảnh: Thái Bình.
“Nếu thời điểm đó em không làm nhà, tiền đó chuyển đổi sang đầu tư đất cũng mua được 2-3 lô. Giờ chỉ cần bán 1 lô cũng thừa tiền vốn, lại thừa tiền xây nhà mà vẫn “ăn ra” được 1 mảnh”, H tiếc rẻ.
Cách đây chừng 1 tháng, rất nhiều các nhà đầu tư lạ mặt tìm về từng ngóc ngách, thôn xóm của Thiện Phiến lùng sục mua đất. Giá đất vùn vụt tăng gấp 3-4 lần, điều mà người dân Thiện Phiến chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Khu đất giãn dân duy nhất tại Thiện Phiến được huyện tổ chức đấu giá năm 2024, mức giá khởi điểm chỉ vài triệu đồng/m2 giờ đây đang đón sóng gấp chục lần. Ảnh: Thái Bình.
Mở màn là khu đất đối diện trường mầm non xã, diện tích khoảng 300m2. Mảnh đất hình chữ nhật, hai mặt tiền nhưng chỉ là đường ngõ xóm, cách quốc lộ 39 vài trăm mét, gần với khu trồng rau màu và nghĩa trang thôn. Vì lẽ ấy, nhiều năm trước, khu đất khá hoang vắng, người chủ mua cũng để đấy, không buồn trồng rau.
Một nhóm 3-4 người trong làng góp tiền mua lô đất với giá 5 tỷ đồng. “Chủ đất cũng là người trong xã, lập tức đồng ý bán. Sau họ phân lô, chia thửa, bán hết cả rồi”, Chủ tịch xã Thiện Phiến Đào Văn Thăng cho hay.
Mua xong, nhóm đầu tư xây gạch kẻ chỉ phân thành 5 lô, mỗi thửa đất khoảng 60m2. Ngay lập tức, có người tới mua 4 lô, mỗi lô dao động từ 1,7- 2 tỷ đồng.
“Còn một lô trong cùng, phần đuôi đất bị thắt lại, xấu hơn nên đang rao bán với giá 1,5 tỷ đồng. Tính ra, mỗi m2 đất được bán với giá trên dưới 40 triệu đồng/m, gấp 2 lần giá mua mà chỉ cách nhau chục ngày”, anh H chia sẻ.

Ông Chủ tịch xã Thiện Phiến lấy làm bất ngờ, bởi với thực trạng hạ tầng hiện có, giá đất ở khu vực nông thôn đẩy lên mức giá 40-50 triệu đồng/m2 là điều hết sức phi lý, khó hiểu. Ảnh: Thái Bình.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đầu tư xóm đã bỏ túi vài tỷ đồng - số tiền mà ở vùng nông thôn, chỉ là niềm mơ ước. Đó là lý do mà H cả tháng nay cứ thẫn thờ như bị mất tiền, vì vuột mất cơ hội.
Trục đường liên thôn Diệt Pháp đang được mở rộng. Hàng cột điện đã được cẩu tới, chuẩn bị dựng và kéo đường dây điện mới. Con đường được mở rộng gấp đôi. Sự thay đổi nho nhỏ về hạ tầng càng khiến người ta có lý do về gom đất đầu tư, chờ cơ hội tăng giá gấp “x” lần.
Một phụ nữ trung niên đang cặm cụi bên đống phân chuồng mà bà ủ hoai, tách tẽ để mang đi bón rau. Khoảnh đất này nằm cạnh đường làng, quây tường bao cao ngang ngực. Cả chục năm chủ nhà không để ý, cho hàng xóm mượn gieo mấy dây bầu, dây bí. Khi tôi hỏi mua đất, bà dửng dưng: “Vừa bán rồi, 1,7 tỷ. Chú có mua thì hỏi xem người ta bán chênh bao nhiêu mà mua”.
Đất "sốt bỏng tay", hở ra là mất
Ở Diệt Pháp bây giờ, cứ lô đất nào "hở ra" là có người tới mua, sau đó bán sang tay ngay lập tức, ăn chênh lệch vài trăm cho tới cả tỷ đồng. Người mua ở những đâu, không ai biết. Dân bán được đất, hào hứng với ước mơ dựng lại ngôi nhà mới tươm tất, khang trang ấp ủ từ lâu nay đã thành hiện thực. Những người chưa bán được, lại ở tình thế quyết giữ không bán, vì “bán cái là mất ngay”. Giá thay đổi chóng mặt mỗi ngày, không ai dám bán vì sợ bị hớ.
Trong khi đó, thông tin đấu giá đất ở các huyện bên cạnh “nóng hừng hực” như Ân Thi, Yên Mỹ…, có những lô giá đất lên tới 150 triệu đồng/m2, dân quê mù mờ thông tin càng trở nên dè chừng.

Khu đất do UBND huyện Tiên Lữ tổ chức đấu giá vào năm 2024, giá đấu trúng ở mức dưới 10 triệu đồng/m2 dù hạ tầng đồng bộ, hiện đại... Ảnh: Thái Bình.
Đi dọc thôn 8, gần trung tâm xã, có khoảng chục ô đất quây tường bao, trước giờ vẫn chỉ trồng rau, nuôi gà, nay cũng đã có chủ mới. Xã Thiện Phiến đang quy hoạch một khu đất công để làm nhà văn hóa thôn và khu sinh hoạt cộng đồng, chủ những lô đất trống gần khu quy hoạch này càng được dịp đưa giá bán trên trời.
Chủ tịch xã Thiện Phiến Đào Văn Thăng không giấu sự ngạc nhiên: “Xã tôi mấy năm nay không có dự án kinh tế, nên chẳng có lý do gì để đất tăng giá khủng khiếp như vậy. Năm trước, huyện tổ chức đấu giá khu đất giãn dân với 160 lô, giá đấu trúng cũng không cao, chưa tới chục triệu đồng/m2. Lô đất 100m2 có giá dưới 1 tỷ đồng/lô. Đấy là đất đã có hạ tầng, quy hoạch, còn đất xen kẹt trong thôn, xóm, việc mua bán do người dân tự thoả thuận, chính quyền không biết, không có chủ trương gì”.
Ông Thăng cho biết thêm, đất xen kẹt ở Thiện Phiến “nhảy múa” như thế là còn ít. Cách Thiện Phiến vài kilomet, các xã kế bên như Hải Triều, An Viên, Thủ Sỹ…, giá đất còn ảo diệu hơn nhiều. Các biển môi giới bất động sản mọc lên chi chít - một điều lạ lùng chưa từng có ở vùng quê yên ả.
Xác thực thông tin của ông Thăng, khu đất giãn dân tại xã Thiện Phiến do UBND huyện Tiên Lữ làm chủ đầu tư được tổ chức đấu giá năm 2024 là khu đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp, có diện tích khoảng 1,6 ha, đã hoàn thiện hạ tầng đường giao thông nội bộ, đường điện chiếu sáng… Tuy nhiên, mới chỉ có một số hộ xây dựng công trình, phần lớn vẫn để trống, trồng hoa màu, cây ngắn ngày.