Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Huế) là Bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực, chuyên ngành về lĩnh vực khoa học tự nhiên, hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều mẫu vật quý hiếm mang giá trị khoa học và lịch sử cao, trong đó có những mẫu vật đặc biệt chỉ có ở khu vực miền Trung.

Học sinh được cán bộ Bảo tàng giới thiệu và thuyết minh về các mẫu vật. Ảnh: Văn Dinh.
Hiện Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày 6 bộ mẫu vật chính, gồm: Bộ mẫu địa chất - khoáng sản với 184 mẫu tiêu biểu của Việt Nam và Huế; Bộ mẫu gỗ rừng Huế với 28 mẫu gỗ quý; Bộ mẫu côn trùng với 170 mẫu được Bảo tàng trưng bày sinh động mô hình “Cây côn trùng”, tái hiện và cách điệu sinh cảnh theo đặc tính sinh học của loài; Bộ mẫu bướm nhân nuôi với gần 2.000 mẫu, được thiết kế trưng bày trong không gian Ngôi nhà Bướm đầy sắc màu; Bộ mẫu thủy sinh vật với hơn 1.600 mẫu vật, trong đó có khoảng 1.500 mẫu cá sông Hương và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và hơn 100 mẫu cá, mẫu hai mảnh vỏ được thu thập tại khu vực biển Sơn Trà – Hải Vân được thiết kế trưng bày trong bể thủy sinh vừa đảm bảo tính khoa học, mỹ thuật mang đến một cái nhìn sâu sắc về hệ sinh thái biển của miền Trung; Bộ mẫu thú quý hiếm với các tiêu bản của loài hổ, sao la, cầy vòi hương và nhiều loài động vật hoang dã khác.
Ngoài ra, bảo tàng còn thu thập một số mẫu đơn lẻ khác như 3 mẫu thực vật thân gỗ bị silic hóa niên đại 199 triệu năm tuổi, mẫu cổ sinh chân đầu, hai mảnh vỏ,...

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung đang lưu giữ và trưng bày nhiều mẫu vật quý hiếm mang giá trị khoa học và lịch sử cao. Ảnh: Văn Dinh.
Bảo tàng mở cửa chào đón khách tham quan và trải nghiệm từ thứ hai đến thứ bảy (từ ngày 1/4/2025). Thời gian mở cửa buổi sáng từ 8h30 đến 11h00, buổi chiều từ 13h30 đến 17h00, tại địa chỉ số 5, đường Điềm Phùng Thị, phường Vỹ Dạ, quận Thuận Hóa, TP. Huế.
Theo bà Trần Thị Thùy Yên – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Huế, việc mở cửa hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 và tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên, du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, từ đó hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự đa dạng sinh học. Để chuẩn bị cho đợt mở cửa lần này, Sở đã chỉ đạo Bảo tàng tổ chức triển khai sắp xếp, trưng bày lại một số khu vực nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan, đồng thời bố trí, phân công cán bộ tổ chức hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan kể cả ngày nghỉ (thứ bảy). Qua các kênh đăng ký đã nhận được trên 400 lượt đăng ký với hơn 2.000 lượt khách tham quan.
“Thông qua các hoạt động, Bảo tàng không chỉ góp phần quảng bá và nâng cao giá trị di sản thiên nhiên mà còn là cầu nối giữa khoa học nghiên cứu và giáo dục cộng đồng, khơi dậy đam mê và nuôi dưỡng tình yêu đối với khoa học…”, bà Yên nói.