| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi cơ cấu nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ:

Chuyện chuyển vụ ở Quảng Nam

Thứ Hai 06/04/2020 , 09:40 (GMT+7)

Giảm diện tích gieo trồng nhưng tăng năng suất, tránh được nhiều rủi ro trong sản xuất là những gì nhận thấy được trong chuyển đổi lúa từ 3 sang 2 vụ/năm ở Quảng Nam.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam hầu hết đều sản xuất 2 vụ lúa/năm. Ảnh: L.K.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam hầu hết đều sản xuất 2 vụ lúa/năm. Ảnh: L.K.

Chưa bao giờ các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hiện nay, thiên tai lũ lụt, hạn hán liên miên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ là việc làm cấp thiết.

Trong số những chính sách cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp của Quảng Nam phải kể đến Chỉ thị về chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm của tỉnh này. Sau quá trình thực hiện, nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã có một bước tiến vượt bậc. Năng suất, sản lượng lúa toàn tỉnh không ngừng tăng lên, ít gặp tổn thất do thời tiết.

Hạn chế sản xuất lúa 3 vụ

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, từ năm 2000 trở về trước, người dân tỉnh này có truyền thống canh tác lúa 3 vụ/năm là vụ đông xuân (ĐX - thường từ 25/11 năm trước đến 5/4 năm sau), vụ xuân hè (XH - thường từ 10/4 đến 5/7) và vụ 3 (từ 10/7 đến 30/10). Sản suất lúa của tỉnh thời điểm đó luôn trong tình trạng bấp bênh. Bình quân cứ 3 năm người dân lại gặp 1 lần mất mùa.

Khi sản xuất lúa 3 vụ thì tính từ khi lúa trổ đến chín mất khoảng 25 – 30 ngày nên các vụ phải gối vào nhau. Tức là ruộng nào thu hoạch trước thì sản xuất vụ tiếp trước, ruộng nào thu hoạch sau thì gieo sạ sau dẫn đến thời vụ luôn cập rập. Để đảm bảo làm đúng thời vụ, người dân phải đưa nhiều giống lúa cực ngắn vào sản xuất, dẫn đến thiếu hẳn một tiền đề về năng suất cao và chất lượng cho lúa.

Bên cạnh đó, Quảng Nam là nơi giao thoa của 2 vùng khí hậu, có mùa đông rét lạnh của miền Bắc và nhiệt đới nóng ẩm của miền Nam, chứa đựng các yếu tố không thuận lợi cho sản xuất lúa 3 vụ.

Vụ ĐX thường gặp rét lúc lúa làm đòng, trỗ, tập trung rơi vào tháng 1, 2 trong năm. Vụ XH thường có gió Tây Nam thổi kiệt và nhiệt độ cao vào lúc lúa trỗ (tháng 6, 7) gây lép hạt. Lúa vụ 3 thu hoạch đến cuối tháng 10 thường bị thất thu do gặp mưa lũ.

Tất cả những yếu tố trên dẫn đến là dù diện tích gieo trồng lúa cả năm của toàn tỉnh đạt trên 100.000ha nhưng năng suất trung bình cả năm chỉ đạt từ 27,3 tạ/ha – 34 tạ/ha và tổng sản lượng lúa từng năm không vượt quá 350.000 tấn. Sản xuất lúa luôn gặp phải thời tiết bất lợi và sâu bệnh, năng suất bình quân cả 3 vụ trong năm luôn thấp.

Thay đổi có tính quyết định

Nhận thức của người dân đã thay đổi khi nhận thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi lúa từ 3 vụ qua 2 vụ/năm. Ảnh: L.K.

Nhận thức của người dân đã thay đổi khi nhận thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi lúa từ 3 vụ qua 2 vụ/năm. Ảnh: L.K.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh này đã tham mưu UBND tỉnh ra Chỉ thị chuyển sản xuất 3 vụ sang 2 vụ/năm bắt đầu từ vụ ĐX 1999 – 2000 và trong các năm tiếp theo.

Có thể nói, Quảng Nam là một trong những tỉnh ở miền Trung đi đầu trong việc chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 sang 2 vụ/năm.

Thời gian đầu thực hiện, Quảng Nam đã gặp không ít khó khăn do chế độ canh tác 3 vụ lúa/năm đã gắn liền với bà con nông dân suốt nhiều chục năm, đã trở thành tập quán sản xuất. Từ cán bộ địa phương, cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân nhiều lần ngần ngại trước chủ trương này.

Ông Võ Lưu Anh (trú xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cho biết, gia đình ông cũng như những người dân khác trong vùng trước đây canh tác lúa 3 vụ/năm đã mấy chục năm nên khi chuyển qua làm 2 vụ rất khó thay đổi thói quen.

“Người dân quan niệm làm 3 vụ lúc nào cũng phải hơn 2 vụ. Nên muốn chuyển đổi thì phải tư vấn cho họ, vài người làm thử được thì họ mới làm theo. Từ khi thấy hiệu quả, năng suất cao nên mới đồng loạt chuyển đổi được như bây giờ”, ông Anh tâm sự.

Dù gặp phải khó khăn giai đoạn đầu nhưng với quyết tâm của ngành nông nghiệp tỉnh cũng như thực tế thu được thì đến năm 2003, tỉnh Quảng Nam đã không còn nơi nào sản xuất lúa 3 vụ/năm. Số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Nam cho thấy, trước năm 1999, diện tích gieo trồng lúa ở tỉnh Quảng Nam năm nào cũng trên 100.000ha nhưng tổng sản lượng lúa hàng năm chưa có thời điểm nào vượt quá 350.000 tấn.

Từ năm 2003, khi việc chuyển đổi hoàn thành thì diện tích gieo trồng lúa ở tỉnh này dù dưới 90.000ha nhưng tổng sản lượng năm nào cũng đều trên 350.000 tấn. Có thể lấy mốc đánh dấu sự thay đổi này là năm 2003, lúc này diện tích gieo trồng lúa của cả tỉnh trong 2 vụ chỉ còn hơn 87.000ha nhưng sản lượng lúa đạt trên 380.000 tấn với năng suất là 43,68 tạ/ha – từ trước đó chưa có năm nào đạt được.

Nhiều giống lúa mới được đưa vào canh tác ở Quảng Nam cho năng suất cao. Ảnh: L.K.

Nhiều giống lúa mới được đưa vào canh tác ở Quảng Nam cho năng suất cao. Ảnh: L.K.

Nổi trội khi sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa

Theo ông Võ Lưu Anh, sản xuất lúa 2 vụ thì có thời gian cho đất nghỉ, gốc lúa của vụ trước qua một thời gian sẽ khô đi chứ không còn tươi khi sản xuất vụ tiếp theo lúc sản xuất 3 vụ nên làm cho đất không bị chua.

Bên cạnh đó, thời gian sản xuất mỗi vụ kéo dài hơn nên có thể sử dụng được giống trung ngày, năng suất cao hơn các giống ngắn ngày như trước đây.

“Giống lúa năng suất cao, né được thời tiết bất lợi nên sản lượng tăng lên. Trước đây, mỗi sào một vụ nhà tôi chỉ thu được cao nhất là 30 ang lúa (mỗi ang khoảng 5kg) thì 3 vụ được 90 ang nhưng bây giờ thì được đến 50 ang/sào, 2 vụ là 100 ang rồi. Sản lượng cao hơn đến 10%. Đó là chưa kể đến việc tiết kiệm được 1/3 chi phí sản xuất trong một năm nên hiệu quả cũng tăng lên gấp nhiều lần”, ông Anh chia sẻ.

Hiện nay, lịch thời vụ lúa ở Quảng Nam gồm vụ ĐX thường bắt đầu từ ngày 15/12 đến khoảng ngày 30/4. Lúa trổ trong giai đoạn từ 20/3 – 31/3 nên tránh được rét lạnh. Vụ HT bắt đầu từ ngày 20/5 và lúa trổ từ 25/7 – 10/8 nên tránh được gió Tây Nam mang hơi nóng. Đồng thời, vụ HT cũng thu hoạch xong trước ngày 15/9 sẽ giúp giảm được tối đa thất thu do lũ lụt như còn sản xuất 3 vụ như trước đây.

Những năm qua, sản lượng lúa của tỉnh không ngừng tăng lên. Năm 2019 vừa qua, diện tích lúa sản xuất của Quảng Nam khoảng 85.000 ha, sản lượng đạt 451.000 tấn. Việc chuyển đổi lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm còn cho thấy khả năng hạn chế được sâu bệnh hại lúa rất ít, giảm chi phí thuốc BVTV.

Nếu như trước đây các vụ gối nhau liên tiếp, đất không được nghỉ luôn trong tình trạng ẩm, ngập nước, hiện tượng nghẹt rễ, đốm nâu xảy ra liên tục trên diện rộng. Mặt khác, do trên ruộng luôn có cây lúa nên đối tượng sâu bệnh luân chuyển, tích lũy số lượng và gây hại nặng. Vụ ĐX thường bị sâu năn phá hoại, vụ XH thì bị ảnh hưởng bởi sâu đục thân lúa 2 chấm.

"Từ khi chuyển qua 2 vụ/năm thì thời gian giữa 2 vụ sản xuất được kéo dài thuận lợi cho việc cày lật đất sớm, đất được nghỉ, thông thoáng hơn nên khắc phục được tình trạng sâu bệnh luân chuyển, tích lũy, giảm thiểu rất lớn nguy cơ thiệt hại do sâu bệnh gây ra”, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm