Đoàn công tác Cục Trồng trọt vừa đi kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất tại tỉnh Quảng Trị.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, tính đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 26.000 ha lúa, chủ yếu là các giống ngắn ngày như HN6, Khang Dân, HC95, Thiên ưu 8…
Trong đó, gần 21.000 ha sử dụng giống lúa chất lượng cao và 5.500 ha lúa sản xuất theo cánh đồng lớn. Hiện nay cây lúa đang trong thời gian đẻ nhánh, phần lớn sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Quảng Trị đang tiếp tục triển khai mô hình CSA nhân rộng trên cây lúa và cây trồng cạn thuộc hợp phần 3 - Dự án WB7. Tổng diện tích nhân rộng CSA các loại cây trồng trong vụ Đông Xuân 2019-2020 là gần 935ha, trong đó lúa 704,5, hồ tiêu 177ha, lạc 36,55 và rau 16ha. Tính đến nay, đã cơ bản hoàn thành kế hoạch nhân rộng các mô hình CSA.
Cụ thể, mô hình CSA nhân rộng chính trên cây lúa 3.063ha, đạt 99,5% kế hoạch; trên cây màu (lạc, ngô) 230ha, đạt 100%; trên cây rau 21ha, đạt 100%; trên cây hồ tiêu 177ha, đạt 100% kế hoạch; mô hình CSA nhân rộng đại trà trên cây lúa 1.888ha, đạt 100% kế hoạch.
Các mô hình đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu như: sử dụng giống mới, ngắn ngày, công cụ sạ hàng trên cây lúa, màng phủ nilon trên cây trồng cạn…
Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra ổn định cho các loại nông sản, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã tăng cường tìm kiếm, liên kết với doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa nông dân dân và doanh nghiệp như mô hình liên kết sản xuất chanh leo của Cty Nafood Tây Bắc với quy mô 32ha; liên kết với Cty Oganicmor sản xuất hồ tiêu hữu cơ; liên kết với Cty Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTO) sản xuất 100ha lúa hữu cơ…
Bên cạnh thuận lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đang gặp phải một số khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường làm phát sinh dịch bệnh trên cây trồng như bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, đạo ôn trên cây lúa…
Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của một số nông sản, đặc biệt là cây chuối Mật mốc do thị trường Trung Quốc ngừng nhập…
Thay mặt đoàn công tác, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường ghi nhận những nỗ lực của ngành nông nghiệp Quảng Trị thời gian qua, đặc biệt lãnh đạo Cục Trồng trọt đánh giá cao các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân; sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ; nông nghiêp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hâu…
Ông Nguyễn Như Cường cũng đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị cần tích cực xây dựng các phương án phòng chống hạn hán cho cây trồng trước diễn biến phức tạp của thời tiết.
Trước mắt cần phải xây dựng các kịch bản thiếu nước, đặc biệt là vụ Hè Thu sắp tới một cách kỹ lưỡng cho từng vùng sản xuất, cho từng thửa ruộng chịu sự tác động của nguồn nước của các hồ chứa và cho từng loại cây trồng phù hợp.
“Cần chủ động tính toán khả năng hạn hán xảy ra, lúc đó những khu vực, địa phương nào sẽ chuyển được sang cây trồng cạn có khả năng chịu hạn, có thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Nếu làm được việc này, chúng ta không chỉ tránh được thiệt hại cho nông dân mà còn có thể chủ động trong sản xuất trong những vụ mùa tiếp theo”, lãnh đạo Cục Trồng trọt lưu ý.