Sáng 29/10, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở ĐBSCL”.
Nông nghiệp ĐBSCL có nhiều điều kiện phát triển
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cùng các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số và các doanh nghiệp hoạt động tại ĐBSCL. Hội thảo là dịp để giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai chuyển đổi số tại các địa phương ĐBSCL, từ đó có thể lan tỏa, nhân rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực. Bên cạnh đó, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số tại ĐBSCL nói riêng.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ và chuyển đổi số là hoạt động tất yếu cần được ưu tiên triển khai.
Thành phố Cần Thơ, với vị thế là trung tâm vùng ĐBSCL có những thuận lợi về kinh tế, xã hội, vị trí địa lý. Vì vậy, việc phải đi nhanh, đi trước trong khai thác tiềm năng thế mạnh của thành phố để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, chuyển đổi số của vùng là xu thế tất yếu.
Theo ông Dương Tấn Hiển, hiện nay TP. Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số cấp thành phố. Các ngành, địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện.
Theo đánh giá, vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài việc chuyển đổi số gắn với mục tiêu phục vụ người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng.
Đồng quan điểm với lãnh đạo TP Cần Thơ về việc chuyển đổi số ở ĐBSCL, ông Nguyễn Tuấn Hoa, Chuyên gia tư vấn độc lập về chuyển đổi số cho rằng, chúng ta đều mong muốn chuyển đổi số nhanh, nhưng thời gian qua làm hơi chậm. Nếu chuyển đổi số, nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có nhiều điều kiện để phát triển, nếu nông nghiệp phát triển, nhiều yếu tố sẽ phát triển đi theo. Trọng tâm của chuyển đổi số cần hướng đến là thông minh hoá quy trình sản xuất và thông minh hoá quy trình quản lý.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo quyết liệt. Trong đó các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh. Chính vì vậy Cần Thơ đang phấn đấu hòa nhập kịp thời với xu thế hiện nay trên toàn cầu.
Cụ thể, ông Hoa nêu, để thông minh hóa quy trình quản lý, cần đưa máy móc vào để quy trình diễn ra chính xác, giảm thiểu can thiệp của con người, từ đó tạo ra quy trình mới. Bên cạnh đó cần chú trọng vào chuyển đổi số trong quy trình sản xuất mới tạo ra của cải vật chất, để tạo ra bùng nổ, đột phá trong khâu sản xuất ở Việt Nam, bởi nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế tuyến tính, phải chuyển sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Lấy công nghệ số là nền tảng, làm thay đổi hoàn toàn nền nông nghiệp của ĐBSCL.
Chuyển đổi số để cơ cấu lại kinh tế vùng ĐBSCL
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng: Nhắc đến vùng ĐBSCL, Trung tâm vùng là thành phố Cần Thơ, ta thường gắn với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào. Thực sự vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển: là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới. Đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.
Tuy nhiên, về mặt đánh giá kinh tế, xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế vùng đang chậm lại, ô nhiễm môi trường gia tăng, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng đang bị suy thoái, các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành, xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông thuỷ sản giá trị gia tăng thấp…Bên cạnh đó vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mận, thay đổi dòng chảy Mê Công ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
Chính vì vậy, chuyển đổi số để cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái. Những động thái này phù hợp với quy luật tự nhiên đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhấn mạnh: Để người dân ĐBSCL được nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải giúp người dân thoát nghèo. Chuyển đổi số để tạo thương hiệu gia đình cho sản phẩm bằng cách cá thể hóa sản vật với mảnh vườn, mảnh ruộng nhà mình. Đồng thời truy xuất nguồn gốc hàng hóa sử dụng công nghệ số để tránh hàng giả, hàng nhái, đưa người dân mang nông sản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.