Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi biển
Ngày 21/10, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã tổ chức diễn đàn nông nghiệp 4.0 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nuôi biển bằng lồng vật liệu mới HDPE”.
Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, sở dĩ đơn vị chọn chủ đề 4.0 trong nuôi trồng thủy sản vì lĩnh vực này đóng góp vai trò rất quan trọng trong kinh tế biển.
Tại Khánh Hòa là một những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, vì có nhiều đầm, vịnh và 200 đảo lớn nhỏ ven bờ. Hiện toàn tỉnh có trên 60.000 ô lồng, với hơn 2.000 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Tuy nhiên lồng nuôi của bà con chủ yếu làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió. Điều này chứng minh khi cơn bão số 12 (bão Damrey) đổ bộ vào Khánh Hòa vào năm 2017 đã khiến toàn bộ lồng nuôi bằng gỗ bị đánh tan nát, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.
Trước thực tế này, đơn vị đã nghiên cứu, đặt vấn đề và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ thực hiện dự án nuôi biển bằng lồng HDPE, với quy mô nông hộ. Theo đó, dự án trên được triển khai từ năm 2020 và kết thúc vào năm 2022, với quy mô 6 lồng nuôi HDPE.
Sau khi triển khai, mô hình đã giúp người nuôi áp dụng mang lại hiệu quả tích cực. Đây là cơ sở giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong và người nuôi toàn tỉnh học tập, thay đổi phương thức nuôi biển từ lồng truyền thống bằng gỗ sang lồng HDPE.
Tuy nhiên điều bà con nuôi trồng thủy sản lo lắng nữa đó là khi bão vào, tất cả bà con đều vào bờ thì tài sản tiền tỷ nuôi cá, tôm ở ngoài biển ai quản lý? Để giải quyết vấn đề này, theo ông Huỳnh Kim Khánh, đơn vị đã phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản triển khai mô hình lắp đặt hệ thống giám sát định vị vệ tinh (camera giám sát hành trình lồng nuôi) để xác định các hoạt động trên lồng nuôi, cũng như lồng trôi đi đâu khi bão đổ bộ dù ở trên bờ.
“Đây là bước đầu đơn vị ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai cho bà con, để giúp bà con yên tâm nuôi trồng thủy sản khi vào bờ mà vẫn quản lý được lồng bè nuôi trên biển. Hiện tất cả phần mềm quản lý về chăm sóc, cho ăn đều có thể thực hiện được, dù chúng ta ngồi ở nhà”, ông Khánh chia sẻ và cho biết thêm, trong thời gian tới, khi tỉnh quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, đơn vị sẽ thực hiện dự án chuyển đổi số tất cả lồng nuôi bằng vật liệu HDPE trên biển bằng cách lắp đặt hệ thống giám sát định vị vệ tinh. Từ đó, giúp bà con yên tâm sản xuất, hướng tới phát triển nuôi biển bền vững.
Chuyển đổi lồng HDPE để thích ứng thiên tai
Ông Phương Minh Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hoà, cho biết sau 3 năm triển khai mô hình lồng nuôi HDPE trên địa bàn huyện Vạn Ninh, người nuôi đều đánh giá mang lại hiệu quả tích cực.
Cá nuôi cho tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt tới 90% cao hơn 15-20% so với lồng gỗ truyền thống. Đặc biệt, lồng nuôi bằng vật liệu HDPE thích ứng với thiên tai, khả năng chống chịu được sóng, bão, cũng như hạn chế dịch bệnh, thân thiện với môi trường.
Ông Phương Minh Nam cho biết, theo định hướng, quy hoạch của Khánh Hòa phải đảm bảo nuôi từ 3- 6 hải lý nên xu hướng sử dụng các lồng bè bằng vật liệu nhựa HDPE là rất cần thiết.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Hòa, một người “tiên phong” áp dụng nuôi lồng HDPE ở thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) từ năm 2020, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ tham gia dự án cho biết, rất đồng tình khi dự án giúp người nuôi thay đổi phương thức sản xuất mới. Do đó, qua diễn đàn này, ông cũng bày tỏ bà con nên chuyển đổi lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai, bão lũ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Về quy trình nuôi lồng HDPE, ông Hòa cho biết thêm, cũng không có vấn đề gì phức tạp. Thời gian qua, ông sử dụng lồng HDPE với đường kính 10m, thể tích 500m3 thả cá bớp và cá chim. Lồng nuôi này phù hợp với nông hộ nên chỉ cần 2 người thao tác là được. Vì việc chăm sóc và thu hoạch hoàn toàn bằng tay, bằng cách kéo các dây lồng lên xuống tùy ý, rồi dùng vợt để vớt cá, không cần máy móc cầu kỳ. Với lồng nuôi này, ông thu hoạch cá bớp với năng suất 6 tấn/lồng, còn cá chim 8,2 tấn/lồng. Đó là do thả thưa chứ không năng suất còn cao hơn nữa.
Cũng tại diễn đàn, nhiều người nuôi thắc mắc về chi phí đầu tư lồng HDPE như thế nào? Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản, cho biết, hiện nay đối với lồng tròn HDPE có nhiều loại với giá thành khác nhau. Nhưng đối với lồng HDPE theo tiêu chuẩn quốc tế, có đường kính 10m, ống nhựa phi 250 có giá 180 triệu đồng bao gồm khung lồng, lưới và neo.
Còn đối với lồng vuông nuôi tôm hùm cũng có nhiều loại, kích thước khác nhau. Vừa qua Cty bàn giao tỉnh Khánh Hòa với lồng có kích thức 4mx5m bao gồm cả đường đi có giá 35 triệu đồng/ô lồng (chưa kể lưới). Các lồng nuôi HDPE của Cty cung cấp chịu được sóng, gió và được bảo hành 10 năm. Sau 10 năm Cty có trách nhiễm hỗ trợ bà con bão dưỡng và thay thế thiết bị nếu có nhu cầu.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản du lịch Vân Phong (Vạn Ninh) cho biết, hiện HTX hiện có 30 xã viên nuôi trồng thủy sản. Đến nay bà con đã ứng dụng lồng nuôi HDPE gồm 9 lồng tròn và 8 lồng vuông. Về hiệu quả lồng HDPE so với lồng gỗ chắc chắn chịu được sóng, gió tốt hơn. Do đó bà con rất mong muốn chuyển đổi lồng HDPE để thích ứng với thiên tai, song giá thành đầu tư lồng HDPE vốn quá lớn, không phải ai cũng đầu tư được. Do đó, ông kiến nghị tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ bà con trong chuyển đổi lồng HDPE.