| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh nhằm thích ứng biến đổi khí hậu

Chủ Nhật 11/08/2024 , 08:11 (GMT+7)

Trong hiện tại và tương lai, tỉnh Hà Tĩnh xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương.

Hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Tăng trưởng xanh là quá trình cơ cấu lại các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hài hòa với các mục tiêu bền vững môi trường và công bằng xã hội.

Tỉnh Hà Tĩnh xác định, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tỉnh Hà Tĩnh xác định, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực hiện cam kết của Chính phủ và trong xu hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của thế giới, khu vực, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh. Theo đó, ngày 2/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 778/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030, nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh cũng xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu chiến lược lâu dài với quan điểm chủ đạo: “Phát triển KT-XH Hà Tĩnh theo hướng xanh và bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm, khoa học công nghệ làm nền tảng, là động lực phát triển. Tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng 4.0”.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp với Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội (trực thuộc Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội) và Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học: “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”.

Hội thảo khoa học: 'Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới', diễn ra vào chiều 10/8.

Hội thảo khoa học: “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”, diễn ra vào chiều 10/8.

Hơn 200 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định thực thi chính sách ở trung ương và địa phương, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, ngân hàng và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thảo luận về các hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hoá các chiến lược, kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh, cũng như nhận diện và xác định đúng những nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay. Trên cơ sở đó, “hiến kế” giải pháp để khắc phục tồn tại, tận dụng cơ hội để đưa ra các quyết sách chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa nền kinh tế của Hà Tĩnh.

Thích ứng biến đổi khí hậu

Báo cáo đề dẫn: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh để kiến tạo không gian cho phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn: xu hướng thế giới, Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh”, GS.TS. NGND Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững tại Hà Nội đã thông tin về xu hướng xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trên thế giới; các cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các địa phương ở Việt Nam; đóng góp và tiềm năng của kinh tế xanh ở các địa phương.

Theo GS.TS Nhuận, tính đến hết năm 2023, đã có 46 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo hơn 7,2 tỉ USD vào năm 2021 (chiếm khoảng 2% tổng GDP). Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế xanh, Việt Nam đã có những ảnh hưởng tích cực đến các yếu tố xã hội, đặc biệt trong việc tạo ra các việc làm xanh. Riêng năm 2021, nền kinh tế xanh đem lại hơn 500 nghìn việc làm xanh.

Tham luận của các chuyên gia đã 'hiến kế' nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại, tận dụng cơ hội để đưa ra các quyết sách chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa nền kinh tế của Hà Tĩnh.

Tham luận của các chuyên gia đã "hiến kế" nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại, tận dụng cơ hội để đưa ra các quyết sách chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa nền kinh tế của Hà Tĩnh.

“Bài học kinh nghiệm để tạo nên thành công của chiến lược tăng trưởng xanh là việc xây dựng chiến lược và kế hoạch chi tiết và rõ ràng; hệ thống khung pháp lý đồng bộ với các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng xanh phù hợp; triển khai sớm các dự án xanh thí điểm, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực công nghệ mới; kế hoạch huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh toàn diện”, ông Mai Trọng Nhuận nhấn mạnh.

Đặt vấn đề nguồn năng lượng nào cho Hà Tĩnh để phát triển xanh, GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần quy hoạch và xây dựng quỹ đất cho năng lượng tái tạo, bao gồm quy hoạch đất trồng sinh khối và cây làm nhiên liệu; điện hóa tối đa phương tiện, trang thiết bị sử dụng năng lượng; tiến đến loại bỏ than trong các dây chuyền, thiết bị công nghệ mới…

Các chuyên gia cũng đã thảo luận, gợi mở các vấn đề và giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững như: xây dựng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong xu hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng nguồn tài nguyên nước, phát triển các mô hình du lịch gắn với du lịch sinh thái, cội nguồn văn hóa; đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý nước thải sinh hoạt nông thôn; phân tích các yếu tố cần chấm dứt Dự án khai thác, tuyển quặng, chế biến thép mỏ Thạch Khê để Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và an toàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và hợp tác xã để hướng đến chuyển đổi xanh; nâng hạng chỉ số xanh cấp tỉnh...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và nhấn mạnh đây là nội dung phải làm, cần làm.

Theo ông, thời gian qua, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương đã bước đầu đưa “cuộc cách mạng” phát triển kinh tế xanh gặt hái được một số thành công nhất định, đơn cử như: phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thu hút các dự án năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ); du lịch biển, sinh thái; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và bảo tồn rừng tự nhiên, hệ sinh thái và trồng rừng...

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương.

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương.

“Tuy nhiên, các kết quả này chưa thực sự nổi trội. Vì vậy cả hệ thống chính trị cần phải luôn ý thức rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường đưa đất nước phát triển bền vững, không hi sinh môi trường để đánh đổi kinh tế”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nói.

Đồng thời cho rằng, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh qua các việc làm như trồng, bảo vệ cây xanh; phân loại xử lý rác thải; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường... Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án sạch, tuân thủ nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo đột phá cho quá trình chuyển đổi xanh, khai thác và quản lý bền vững tài nguyên, địa chất, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh; đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển xanh để phát triển bền vững, mục tiêu của Hà Tĩnh giai đoạn tới là: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.