3 yếu tố tác động, 3 lĩnh vực dẫn dắt
Sáng 25/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF Đại Liên 2024.
Cảm ơn Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Giáo sư Klaus Schwab đã mời mình và Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chủ đề 'Những chân trời tăng trưởng mới' và 6 trọng tâm của Hội nghị năm nay cho thấy tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm của WEF và vai trò quan trọng của Trung Quốc về tương lai phát triển của thế giới".
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, thế giới đang bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ bởi 3 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 3 lĩnh vực tiên phong.
Cụ thể, 3 yếu tố tác động, ảnh hưởng là: Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); Tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; Sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét dưới tác động mạnh mẽ của xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, 3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong là: Phát triển kinh tế số; Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra "chân trời tăng trưởng mới", tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu, toàn dân, mọi lĩnh vực trên thế giới.
"Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng, vì lợi ích tổng thể cả trước mắt và lâu dài của nhân loại", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Thịnh vượng cho khu vực và thế giới
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là nước láng giềng gần gũi, "núi liền núi", "sông liền sông", cùng xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", Việt Nam vui mừng trước sự phát triển và trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong điều kiện thế giới, khu vực có nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngày càng khẳng định là một trong số ít quốc gia giữ vai trò dẫn dắt trong giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu.
"Chúng ta tin tưởng Trung Quốc tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh liên kết, hợp tác kinh tế quốc tế - Một nền kinh tế Trung Quốc tự cường, mạnh mẽ, cạnh tranh bình đẳng, hội nhập sâu rộng sẽ mang lại những tác động lớn, tích cực cho thế giới hướng về 'Những chân trời tăng trưởng mới' ", bài phát biểu của Thủ tướng có đoạn.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Trung Quốc tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng khẳng định: "Sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với cụm từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh và 30 năm bị bao vây cấm vận trong thế kỷ 20, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất và nhóm 20 đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu thế giới, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia.
Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD".
Theo Thủ tướng, những thành tựu đạt được khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Việt Nam; với 3 nền tảng.
Thứ nhất, xây dựng nền dân chủ XHCN. Thứ hai, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Thứ ba, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; với quan điểm mang tính nguyên tắc xuyên suốt: "Giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh thêm, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực vì một Cộng đồng ASEAN vững mạnh toàn diện, đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng; cùng ASEAN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các đối tác thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đồng thời nỗ lực duy trì và không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về "Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế". Phiên thảo luận có sự tham dự của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed, các bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao các tập đoàn và các nhà tiên phong toàn cầu là thành viên WEF.
Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh 5 giải pháp ưu tiên, bao gồm: (1) xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; (2) xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; (3) thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; (4) tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; (5) chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Để hướng tới "Những chân trời tăng trưởng mới", những chân trời phát triển mới, Việt Nam đề nghị WEF, các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường hơn nữa hỗ trợ, chia sẻ.
Cụ thể, gồm các lĩnh vực như xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.
Hai là, giúp đỡ, hỗ trợ nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục…).
Ba là, chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đặc biệt, Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
5 đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới hiện nay
- Kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia và toàn thế giới.
- Xu hướng "phân cực trong toàn cầu hóa" mở ra các cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng là giải pháp phù hợp, hiệu quả.
- Vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn, đóng góp chủ động, tích cực hơn trong định hình các khuôn khổ hợp tác và xu hướng phát triển mới trên toàn cầu.
- Châu Á, Trung Quốc và ASEAN ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng, là trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới đến "Những chân trời tăng trưởng mới", những chân trời phát triển mới.