| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi ở Bản Giốc

Thứ Ba 13/06/2023 , 09:40 (GMT+7)

Đêm Bản Giốc, ngước mặt lên, dải ngân hà như một dòng sông đầy sao đang chảy xuống từ đỉnh trời, lấp lánh và rõ mồn một, ngỡ như đưa tay ra là với được.

Cao Bằng trùng điệp núi non nhưng cũng nhiều vùng bằng phẳng, rộng lớn với đồng lúa, con sông. Ảnh: Tùng Đinh.

Cao Bằng trùng điệp núi non nhưng cũng nhiều vùng bằng phẳng, rộng lớn với đồng lúa, con sông. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ Hà Nội, có 2 cách để đến Cao Bằng, một là bám quốc lộ 3 theo hướng Thái Nguyên – Bắc Kạn, lối còn lại đi theo đường 1, vắt sang đường 4 ở thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn. Còn nếu đi thác Bản Giốc, đa phần tài xế sẽ chọn phương án 2, nhất là từ khi cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được đưa vào sử dụng vài năm trở lại đây.

Sau ra khỏi đường 1 tại Đồng Đăng để nhập vào quốc lộ 4A thì nhà cửa dân cư càng đi càng thưa dần, thay vào đó là dốc, đèo, vách núi. Từ đây, cứ thẳng hướng Tây Bắc mà đi, biển chỉ đường đa phần chỉ thấy 2 chữ “Cao Bằng”. Mất cỡ một tiếng rưỡi trên đường, cho tới khi vượt qua đèo Bông Lau, nơi nhạc sỹ Phạm Duy từng viết khúc tráng ca “Bông Lau! Rừng xanh pha máu” thì ta biết đã chạm vào đất Cao Bằng. Tính từ chân đèo Bông Lau, muốn tới Bản Giốc phải 100 km nữa, nhiều dốc, nhiều cua nhưng cơ bản mặt đường đẹp, cứ đi là sẽ đến.

Phong cảnh dọc đường đi có thể gói gọn trong 2 chữ “mê mẩn”. Tháng 5, nắng đầu mùa như xé toạc, gạt hết mọi tầng mây, rọi thẳng xuống núi rừng, đồng ruộng. Khi băng qua các thung lũng, phía trên sẽ là một màu trời xanh thăm thẳm, bao la. Còn bên dưới, trong tầm mắt đầy những mảng vàng óng ả, mênh mông của đồng lúa đang đến độ thu hoạch.

Non nước Cao Bằng cứ đẹp như vậy nên đường có xa đi cũng chẳng thấy mệt. Rong ruổi qua các huyện Thạch An, rồi Quảng Hòa là tới Trùng Khánh, Bản Giốc nằm ở xã Đàm Thủy, cực phía đông của huyện Trùng Khánh, giáp với huyện Hạ Lang. 25 km từ huyện lỵ Trùng Khánh tới Bản Giốc đa phần bằng phẳng, 2 bên đường là những cánh đồng rộng lớn, lác đác những đàn trâu thung thăng gặm cỏ, những khóm tre xanh và dòng Quây Sơn hiền hòa. Vì vậy nên ai đó có trí tưởng tốt, đủ khả năng nhấc những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp ở phía xa ra khỏi khung cảnh thì sẽ thấy Cao Bằng lúc ấy chẳng khác nào một miền quê đồng bằng Bắc Bộ điển hình.

Chiều buông ở Bản Giốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều buông ở Bản Giốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Triệu vì sao đêm Bản Giốc

Từ nơi thác Bản Giốc hiện ra bên phía vai trái đến cổng chính của khu du lịch nổi tiếng này phải xuống một con dốc 10% dài khoảng 500 m, nằm trên tỉnh lộ 206 theo hướng vào Hạ Lang. Trôi đến giữa giốc, tay lái quê thành phố hoa phượng đỏ xoa mạnh vô lăng của chiếc Suzuki Ertiga sang bên phải, con xe nhồng lên, cua vào sân trước của resort Sài Gòn - Bản Giốc. Đối diện bên kia đường là Trạm Biên phòng Bản Giốc, nằm sát nửa phía Nam của sông Quây Sơn, ở đây cũng có một lối nữa để xuống thác.

Lúc chiếc xế hộp được đỗ ngay ngắn ở chiếc sân bên tông sỏi thì phía sau lưng, mặt trời cũng đang lơ lửng trên mép những đỉnh núi nhấp nhô, trực chờ nhường chỗ cho màn đêm. Sau 4 tiếng cầm lái từ thành phố Lạng Sơn đến đây, người con phố biển quay sang nói với bạn đồng hành: “Lần đầu anh lên Cao Bằng đấy. Đẹp quá, quên cả mệt”.

Biết khách tới, từ trong sảnh lễ tân, một người đàn ông với vóc người dong dỏng nheo mắt qua cặp kính cận rồi rảo bước ra sân, đó là Phạm Thái Hưng, Phó Giám đốc Sài Gòn - Bản Giốc. Liếc nhanh xuống mặt đồng hồ, thấy kim giờ đã nhích qua khỏi số 5, Hưng nhìn quanh rồi nói với 2 thanh niên vừa xuống xe: “Muộn rồi, loanh quanh tí rồi cơm nước nghỉ ngơi thôi các em, chứ bây giờ ngắm cảnh cũng khó”.

Chẳng mấy chốc màn đêm cũng buông, rồi vội vã trôi đúng kiểu “đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng”. Bỏ lại tiếng ro ro của điều hòa sau cánh cửa gỗ, bước ra ngoài, không gian xunh quanh chỉ còn tiếng rì rầm đều đặn của thác Bản Giốc, cách khu resort khoảng 800 m theo đường chim bay. Ở độ cao khoảng 450 m so với mực nước biển này, cái nóng đầu hè không trụ được lâu. Hơn 1h sáng, bốn bề là cảm giác mát mẻ dễ chịu với bầu không khí trong lành đặc trưng vùng sơn cước, phảng phất thêm chút hương hoàng lan khiến con người chỉ muốn hít cho thật căng lồng ngực.

Dải ngân hà như một dòng sông triệu vì sao đang đổ xuống từ đỉnh trời. Ảnh: Tùng Đinh.

Dải ngân hà như một dòng sông triệu vì sao đang đổ xuống từ đỉnh trời. Ảnh: Tùng Đinh.

Đêm Bản Giốc, ngước mặt lên, dải ngân hà như một dòng sông với hàng triệu vì sao đang chảy xuống từ đỉnh trời, lấp lánh và rõ mồn một, ngỡ như đưa tay ra là với được. Ai yêu thiên văn đều biết, muốn nhìn thấy dải ngân hà rõ như vậy bằng mắt thường phải hội tụ nhiều yếu tố. Thứ nhất, phải đúng mùa, đẹp nhất là từ tháng 3 - 5 hàng năm, thời gian còn lại thiên hà này chỉ nằm ở sát đường chân trời hoặc sâu hẳn bên kia bán cầu, không nhìn thấy được.

Thứ nữa là phải có một bầu trời thật quang, chỉ cần một chút mây là hỏng. Chưa kể, không gian phải tuyệt đối tối. Sở dĩ ở các thành phố dù vào mùa sao nổi và trời quang nhưng cũng không thể nhìn thấy được là do ô nhiễm ánh sáng, quá nhiều nguồn sáng khiến ánh sao bị lu mờ, không nhìn thấy được.

Thêm một yếu tố, muốn ngắm được sao thì phải chọn ngày không có trăng, tốt nhất là vào cuối tháng âm lịch, lúc mà cả đất trời đang “tối như đêm 30”. Nếu không hội tụ đủ những điều này, khó mà biết được hình thù dải ngân hà ngang dọc thế nào. Ấy thế mà, đêm Bản Giốc lúc vừa hập hạ được 2 tuần lại đủ cả, vừa vặn để trưng ra một dòng sông triệu vì sao trên bầu trời. Trong màn đêm ấy, chỉ có vài vạt sáng, hất từ cột đèn ở cổng resort sang bên kia đường, lấp loáng bóng vài chú chó đang nằm giữa tỉnh lộ 206, ngay trước cổng Trạm Biên phòng.

Đêm thì tĩnh mịch thế nhưng chỉ vài canh giờ trước, cả một vùng núi non, ghềnh thách này vẫn nhộn nhịp, đông vui, như một bữa tiệc của âm thanh và ánh sáng. Chập tối, phía bờ nam sông Quây Sơn vẫn nhộn nhịp khách du lịch người Việt ra vào xem thác Bản Giốc. Tiếng nói cười, mặc cả rôm rả cả một góc núi. Muộn hơn một chút, lại đến phần thể hiện của nửa bên kia sông Quây Sơn, hay người Trung Quốc gọi là Quy Xuân.

Bên mâm cơm tối dưới hiên của resort, nhìn thẳng sang phía khu du lịch của Trung Quốc, Phó Giám đốc Hưng nói, tùy ngày, các đơn vị chức năng phía bạn sẽ tổ chức biểu diễn nhạc ánh sáng. Khi đó, dàn đèn đủ màu chiếu từ lưng chừng núi xuống phía dòng sông nhấp nháy theo từng điệu nhạc. Nếu ngồi ở nhà hàng của Sài Gòn - Bản Giốc, những chương trình này sẽ nằm gọn trong tầm mắt.

Anh cũng thông tin thêm, phía Trung Quốc còn có màn trình chiếu những câu chuyện cổ tích bằng laser lên mặt thác Bản Giốc hay theo cách gọi của họ là thác Đức Thiên, rất sinh động.

Bản Giốc mùa tháng 5 nước xuống, muốn chiêm ngưỡng những dòng nước trắng xóa du khách nên đến thác từ 12-15h hàng ngày. Ảnh: Tùng Đinh.

Bản Giốc mùa tháng 5 nước xuống, muốn chiêm ngưỡng những dòng nước trắng xóa du khách nên đến thác từ 12-15h hàng ngày. Ảnh: Tùng Đinh.

10 năm một cuộc tình

Ngoại tứ tuần, Thái Hưng có một phong thái nhẹ nhàng, điềm đạm và chu đáo. Biết hai người em lần đầu đến Cao Bằng, anh cẩn thận nhắn tin từ đầu ngày, hỏi han rồi chỉ cho đường đi ngắn nhất đến Bản Giốc. Khi được hỏi về du lịch ở Cao Bằng nói chung và Bản Giốc nói riêng, anh nheo mắt cười rồi chậm rãi nói với chất giọng khàn khàn nghe 1 lần là nhớ: “Để nói về du lịch của Cao Bằng thì anh chia sẻ vài ngày cũng chưa hết được. Anh nghĩ các em nên chọn một lát cắt nào đó, chúng ta nói về riêng nó thôi”.

Sở dĩ người con quê lúa này tự tin như vậy là vì anh đã có 10 năm gắn bó với mảnh đất này, từ khi Sài Gòn - Bản Giốc mới chỉ là ý tưởng. Khi ấy, mới ngoài 30 nhưng Thái Hưng đã có nhiều năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, không chỉ trong nhiều mà còn nhiều tour quốc tế. Chẳng thế mà khi đoàn Đại sứ quán Lào tại Việt Nam lên thăm Bản Giốc, anh nói chuyện với các bạn bằng tiếng Lào như người bản địa khiến Đại sứ hết sức ngạc nhiên.

Gắn bó với Sài Gòn - Bản Giốc từ những ngày đầu, Phó Giám đốc Hưng cho biết, khu nghỉ dưỡng và Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc ra đời do thời điểm đó du lịch tại khu vực còn rất khiêm tốn, không xứng đáng với tiềm năng.

Mặc dù động thổ từ cuối năm 2012 nhưng công trình bắt đầu nhộn nhịp, công nhân làm 3 ca/ngày vào tầm tháng 6/2014 và đến tháng 12/2014 thì cả chùa và khu nghỉ dưỡng cùng khánh thành. Với mục đích thúc đẩy du lịch tại khu vực thác Bản Giốc và các danh lam thắng cảnh trong xã Đàm Thủy, rộng ra là huyện Trà Lĩnh hay cả tỉnh Cao Bằng, có thể nói Sài Gòn - Bản Giốc là đơn vị cắm lá cờ đầu trong du lịch chuyên nghiệp ở khu vực này.

Toàn cảnh thác Bản Giốc và khu du lịch của phía Trung Quốc (bên triền núi) nhìn từ chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Toàn cảnh thác Bản Giốc và khu du lịch của phía Trung Quốc (bên triền núi) nhìn từ chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Lấy nguồn nhân lực địa phương làm nòng cốt, ngay từ lúc công trình đang thi công, Thái Hưng đã đưa 30 bà con người Tày, Nùng ở Đàm Thủy vào Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist trong TP.HCM để đào tạo chuyên môn.

“Đến nay, lứa đầu tiên ngày ấy đã có nhiều người chuyển công tác sang các đơn vị khác và rất thành công”, anh Hưng chia sẻ đầy tự hào. Cao hứng, anh chỉ vào bạn nhân viên quầy bar đang lúi húi lau cốc nói thêm: “Ngày ấy cũng toàn anh chị em xuất phát như bạn này thôi đấy”.

Thúc đẩy du lịch địa phương, sử dụng nhân lực địa phương, Sài Gòn - Bản Giốc còn xác định không cạnh tranh với hoạt động du lịch của bà con. “Khi lên đây, chủ trương của công ty là không cạnh tranh mà hợp tác, cùng phát triển với du lịch bản địa”, rít thêm hơi thuốc, anh chậm rãi nói. Chủ trương này được phát triển từ triết lý “buôn có bạn, bán có phường”. Theo Phó Giám đốc của Sài Gòn – Bản Giốc, khi du lịch càng phát triển, càng nhiều người biết đến thì cơ hội tăng doanh thu càng tăng: “Năm ngoái Cao Bằng đã chạm mốc 1 triệu lượt khách du lịch, điều mà nhiều năm trước không hề có. Điều này chứng tỏ là sức hút của địa phương đã tăng lên, em ạ”.

Bên cạnh đó, nhằm khơi gợi thêm sức hút cho khu vực, Sài Gòn - Bản Giốc chủ động khởi xướng phong trào đưa văn hóa, văn nghệ truyền thống địa phương đến với khách du lịch. Những cô gái học tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc với khả năng hát Then, chơi đàn Tính điêu luyện được tuyển chọn để thành lập đội văn nghệ. Từ đó, họ còn dạy cho những bé gái địa phương có sở thích đàn hát để mở rộng hoạt động, phục vụ ở cả các homestay của người dân.

Mặc dù chỉ kinh doanh nghỉ dưỡng nhưng hiện nay, Sài Gòn - Bản Giốc vẫn liên kết chặt chẽ với các hộ dân hay hướng dẫn viên bản địa để phát triển du lịch trải nghiệm. Đó có thể là đưa du khách đi leo núi, vào làng tìm hiểu và làm các sản phẩm truyền thống địa phương, đi cắt lúa hay có lúc dắt trâu, bò đi cày, đi bừa.

Những câu chuyện về du lịch ở Bản Giốc của Thái Hưng có lúc gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ gia đình ở Hà Nội. Con hỏi thăm bố, vợ hỏi thăm chồng… Cúp máy, giọng anh trầm xuống: “Con bé con nhà anh đang sốt, mà chưa tìm ra nguyên nhân. Sốt ruột phết em ạ”.

10 năm từ ngày lên Bản Giốc, thông thường mỗi tháng anh về Hà Nội 1 lần, có công việc thì nhiều hơn. Nếu không có tình yêu với thiên nhiên miền biên viễn này, không có tình cảm với những người dân hiền lành mến khách ở đây có lẽ anh đã không ở Bản Giốc lâu đến thế.

Một thập kỷ đó, Thái Hưng phần nào để lại dấu ấn ở nơi mà anh tự nhận mình là “người dân tộc thiểu số”. Có thể cảm nhận điều đó khi thấy Chủ tịch xã nói chuyện đá bóng với anh như 2 người bạn, lúc các chú bộ đội Trạm biên phòng Đàm Thủy giơ tay chào khi thấy anh đi qua cổng hay người đàn ông dắt trâu về nhà lúc chiều muộn cũng gật đầu chào anh.

Xã Đàm Thủy nhìn từ sân trước của chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Xã Đàm Thủy nhìn từ sân trước của chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Dấu mốc tâm linh miền biên viễn

Nằm trong quần thể du lịch của Bản Giốc còn có chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc, là điểm tham quan kỳ thú cho du khách trong và ngoài nước khi tới Cao Bằng.

Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng bên sườn Phja Nhằm, ở Bản Giốc, xã Đàm Thủy. Ngôi chùa bắt đầu khởi công xây dựng và theo hướng thiết kế mang đậm nét văn hóa Việt trên tổng diện tích 3ha. Trong đó gồm các hạng mục: Cổng Tam quan, lầu chuông, lầu tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bia đá, tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, vườn địa đàng, vườn tượng La Hán, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ.

Bước vào chùa, điểm nhấn đầu tiên là lầu Đại hồng chung Thiên Bảo được xây dựng hoàn toàn bằng đồng với trọng lượng lên tới 1,5 tấn. Ngoài ra, ngôi chùa còn nổi bật với khuôn viên hay khu vực Tam quan Bồ Tát.

Trên đường lên Tam Bảo, bạn gặp một vòm hang lớn trông như miệng Rồng ngậm một viên ngọc quay ra hướng thác Bản Giốc. Đây chính là cửa động đặt ngay trong Phja Nhằm. Sau đó sẽ dẫn tới lầu tượng thờ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc uy nghiêm ngay trước nhà Tam Bảo. Khi đã chiêm ngưỡng hết cảnh đẹp chùa, du khách có thể dừng chân ngay trên sân chùa và phóng tầm mắt về phía trước để ngắm trọn vẹn được nét đẹp của thác Bản Giốc, ngắm đồng ruộng, núi non và cây xanh ngút ngàn, tạo nên một bức tranh yên bình của làng quê Việt Nam.

Từ khi chùa được xây dựng, du khách khắp nơi về ngày một đông, nhất là những ngày lễ, tết… Bởi đến với Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, du khách không chỉ được cầu lộc, cầu tài, cầu cho vạn vật sinh sôi, mà còn được ngắm cảnh quan, nước non hùng vĩ của vùng đất biên cương và mang đến cho phật tử, du khách hành hương sự yên bình, tĩnh tâm.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai nữ sinh tử vong do đuối nước

2 nữ sinh không may bị trượt chân ngã xuống hồ, đuối nước. Do khu vực hồ nước xa khu dân cư nên khi người dân phát hiện 2 em đã tử vong.