| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia FAO: Không quốc gia nào có thể một mình thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững

Chủ Nhật 16/04/2023 , 09:30 (GMT+7)

Ông Stefanos Fotiou chia sẻ sự hào hứng với hội nghị sắp diễn ra tại Việt Nam, với mục tiêu là chuyển từ thách thức sang giải pháp, từ câu hỏi 'tại sao' sang 'làm thế nào' để việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể diễn ra ở cấp quốc gia.

Trước thềm Hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững, nhiều chuyên gia của FAO đã bày tỏ quan điểm và đưa ra một số giải pháp để phát triển hơn nữa hệ thống thực phẩm ở các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin giới thiệu bài phỏng vấn của Mạng lưới Một hành tinh (One Planet network) với ông Stefanos Fotiou, Giám đốc Văn phòng Mục tiêu Phát triển Bền vững của FAO về vấn đề hợp tác đa phương trong phát triển bền vững.

Chuyên gia của FAO - ông Stefanos Fotiou, người có hàng chục năm kinh nghiệm về hệ thống thực phẩm.

Chuyên gia của FAO - ông Stefanos Fotiou, người có hàng chục năm kinh nghiệm về hệ thống thực phẩm.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng của hợp tác quốc tế hiện nay?

Tôi tin rằng chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để chúng ta có thể giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống một cách hiệu quả. Thật không may, tất cả chúng ta đều không thực hiện được các cam kết của mình đối về phát triển bền vững, và hầu như tất cả các dạng suy dinh dưỡng đều trên đà gia tăng. Trên thực tế, hầu hết các mục tiêu bền vững đều chưa đi đúng hướng.

Chắc chắn rằng, không quốc gia nào có thể một mình thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững. Do đó, hệ thống của Liên hợp quốc vẫn là không gian quý giá nhất cho hợp tác toàn cầu, mang lại cơ hội bình đẳng cho tất cả các quốc gia được quyền bày tỏ quan ngại. Những cuộc vận động toàn cầu trong các tổ chức quốc tế vẫn là một cách mạnh mẽ giúp thúc đẩy các chính phủ hành động vì một tương lai bền vững hơn, đồng thời gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải ngồi vào đàm phán.

Những trở ngại chính trong hợp tác quốc tế về hệ thống thực phẩm là gì? Điều gì cần thay đổi để các quốc gia có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững quan trọng liên quan đến lương thực?

Hệ thống thực phẩm đã, đang và sẽ là lĩnh vực tác động mạnh nhất trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Thời gian qua, nhiều quốc gia đã có sự chuyển đổi, tuy mới là những bước nhỏ nhưng rõ ràng đã hình thành nên một phong trào rộng khắp.

Con đường hướng tới sự chuyển đổi khá rõ ràng. Và một trong những yêu cầu trước tiên là, thực phẩm phải được nhìn nhận là hàng hóa công cộng, thay vì hàng hóa thông thường. Nhiều “hệ thống” liên quan khác phải hoạt động nếu chúng ta muốn có hệ thống thực phẩm bền vững.

Khủng hoảng khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học sẽ là những tác nhân đáng ngại nhất gây ra cho tương lai của lương thực, đặc biệt là khi dân số ngày càng tăng. Chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản vào năm 2050 là phải nuôi sống khoảng 10 tỉ miệng ăn.

Trong các hợp tác đa phương hiện nay, việc đưa các hệ thống thực phẩm vào các cuộc thảo luận về khí hậu và đa dạng sinh học là minh chứng rõ nét về sự thay đổi trong tư duy. Tuy nhiên, những bước thay đổi lớn không thể xảy ra nếu thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ từ các chính phủ. Sự gắn kết chính sách là rất quan trọng nếu chúng ta muốn thúc đẩy sức khỏe toàn hành tinh.

Hợp tác đa phương được xem là biện pháp hữu ích giúp các quốc gia dễ dàng hơn trong việc đạt những mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: WWF.

Hợp tác đa phương được xem là biện pháp hữu ích giúp các quốc gia dễ dàng hơn trong việc đạt những mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: WWF.

Biện pháp nào có thể khắc phục xu hướng tăng giá thực phẩm cũng như tình trạng nghèo đói, nạn đói và suy dinh dưỡng trên đà gia tăng?

Có lương thực là quyền của con người. Xã hội dân sự vững mạnh với các công dân được trao quyền là nền tảng giúp cải thiện các quyền xã hội cũng như những vấn đề môi trường.

Tôi cũng cần nhấn mạnh, rằng chuyển đổi hệ thống thực phẩm vượt ra ngoài những yếu tố về kỹ thuật. Chúng tôi khuyến khích các nước thiết kế và thực hiện lộ trình quốc gia, đáp ứng các vấn đề nhân quyền và động lực phát triển của xã hội. Với mục tiêu không bỏ ai lại phía sau, các quốc gia phải nghiên cứu và những chính sách đặc thù để tiếp cận được những người đang ở phía sau. Đó phải là ưu tiên hàng đầu.

Chúng ta không nên quên khu vực tư nhân. Với quan hệ đối tác phù hợp và khuôn khổ trách nhiệm giải trình, hoạt động của tác nhân này có thể trở thành động lực thúc đẩy lớn nhất cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Chương trình Hệ thống Thực phẩm Bền vững có ý nghĩa như thế nào trong chiến lược toàn cầu? Ông mong đợi điều gì từ hội nghị này?

Chúng tôi thực sự hào hứng với hội nghị sắp diễn ra tại Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là chuyển từ thách thức sang giải pháp. Trong hội nghị này, chúng ta sẽ chuyển trọng tâm từ câu hỏi “tại sao” sang "làm thế nào" để việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm có thể diễn ra ở cấp quốc gia.

Là người theo dõi sự thay đổi của hệ thống thực phẩm nhiều năm qua, tôi tin phiên họp ở Hà Nội sẽ  đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay, đồng thời giúp mọi thành viên tham gia có quyền chia sẻ và được chia sẻ. Trên cơ sở học hỏi lẫn nhau, chương trình nghị sự này sẽ cùng các quốc gia tạo ra giải pháp.

Hội nghị lần thứ 4 về Hệ thống Thực phẩm là một không gian đầy hứa hẹn để thu hút các bên nâng cao tham vọng và chuẩn bị cho lần kiểm tra Hệ thống Thực phẩm đầu tiên của Liên hợp quốc, diễn ra vào ngày 24 - 26/7 tới tại Rome (Italia). Chúng tôi háo hức chia sẻ các khuyến nghị từ hội nghị này trong sự kiện tháng 7, nơi các quốc gia sẽ được mời trình bày giải pháp về hệ thống thực phẩm.

Ở nhiều nơi trên thế giới, bất bình đẳng giới còn chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: WWF.

Ở nhiều nơi trên thế giới, bất bình đẳng giới còn chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: WWF.

Ảnh hưởng của bất bình đẳng giới đến mục tiêu thiết lập hệ thống lương thực bền vững như thế nào?

Giải quyết những bất bình đẳng đang gia tăng và mang tính lịch sử là nền tảng cơ bản cho các giải pháp dài hạn. Sự chênh lệch về quyền sở hữu đất đai là một ví dụ quan trọng khiến phụ nữ bị bỏ lại phía sau ở nông thôn. Tôi cho rằng nhiều quốc gia phải có dữ liệu phân tích theo giới tính khi đo lường tiến độ của phát triển bền vững.

Các quan niệm xã hội bất bình đẳng đã khiến phụ nữ mang gánh nặng lao động và chăm sóc không tương xứng. Đại dịch Covid-19 càng làm vấn đề này trở nên tồi tệ hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng thuyết phục rằng, bất cứ giải pháp nào cũng cần tính toán, đo lường đến tác động với phụ nữ. Họ là động lực cho những sự thay đổi tích cực.

Trong nhiệm vụ của mình, chúng tôi đang làm việc với các liên minh, giúp các quốc gia đảm bảo rằng những lộ trình thay đổi về hệ thống lương thực đều khuyến cáo chính sách liên quan đến chuyển đổi giới.

Stefanos Fotiou hiện là Giám đốc Văn phòng Mục tiêu Phát triển Bền vững của FAO kiêm Giám đốc Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc. Trước khi làm việc tại FAO, ông có 16 năm phục vụ trong Ban Thư ký Liên hợp quốc, trong đó 6 năm làm Giám đốc Ban Môi trường và Phát triển của UNESCAP và 10 năm làm việc tại UNEP.

Trước khi gia nhập Liên hợp quốc, Fotiou đã là chuyên gia về phát triển bền vững khi có thời gian dài làm việc ở khu vực tư nhân và học viện. Trong suốt sự nghiệp, Stefanos đã đảm nhận những vai trò hàng đầu trong các diễn đàn quốc tế của Liên hợp quốc. Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên, Thạc sĩ Khoa học Lâm nghiệp và Môi trường Tự nhiên, Thạc sĩ Khoa học Hệ thống Thông tin.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.