Nâng tầm du lịch Huế
Sức hút của Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới” đã và đang thể hiện rõ, khi trong 3 tháng đầu năm nay (quý 1), với nhiều hoạt động, lễ hội văn hóa đặc sắc được tổ chức; lượng khách đến TP Huế ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng đến 62% so với cùng kỳ.
Đến Huế lần thứ 4 và trùng dịp khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 (ngày 25/3), chị Trần Thị Thùy (tỉnh Quảng Trị) tỏ ra hào hứng với sự thay đổi của vùng đất Cố đô.
“Mỗi lần tới Huế mình đều cảm nhận được sự đổi thay, Huế vốn dĩ rất đẹp và lưu giữ được sự cổ kính thì nay trông hiện đại, phát triển hơn. Hôm dự lễ khai mạc thật sự quá ấn tượng với chương trình, môi trường du lịch Huế ngày càng thay đổi tích cực và đa dạng các sản phẩm…”, chị Thùy nói.

Các điểm di tích ở Huế thu hút đông đảo khách đến tham quan. Năm Du lịch quốc gia 2025 có chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới”. Ảnh: Văn Dinh.
Năm Du lịch quốc gia 2025 có hơn 160 hoạt động, sự kiện đặc sắc, hấp dẫn; tập trung vào 4 nhóm chương trình chính: Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” (tháng 1 - 3); Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 - 6); Lễ hội mùa Thu “Huế vào Thu” (tháng 7 -9); Lễ hội mùa đông “Mùa đông xứ Huế” (tháng 10 – 12). Bộ VHTT&DL, các bộ, ngành Trung ương sẽ chủ trì tổ chức 8 hoạt động mang tầm quốc gia. Riêng TP Huế chủ trì tổ chức trên 60 hoạt động. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tầm 100 hoạt động hưởng ứng.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch TP Huế cho hay, để tạo điểm nhấn cũng như phát mạnh mẽ và thông qua sự kiện du lịch mang tầm quốc gia, ngành du lịch Huế đã phát triển các sản phẩm du lịch có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa bản địa làm nền tảng. Huế đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm tour, tuyến dịch vụ trải nghiệm mới, có tính sáng tạo cao gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương như: các sản phẩm và dịch vụ mới xoay quanh các thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - Thành phố Lễ hội”; các sản phẩm công nghiệp văn hóa: các đêm nhạc giao hưởng Hue - Symphony, Festival âm nhạc cho giới trẻ; các show diễn về áo dài; các hoạt động trình diễn, trải nghiệm về ẩm thực,…; Chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2025, Ngày hội khinh khí cầu, Festival võ thuật Cố đô; du lịch làng nghề, du lịch sinh thái gắn suối thác, biển, đầm phá, các sản gắn với giá trị các phố cổ, làng cổ, nhà vườn, các thiết chế văn hóa khác như bảo tàng, các rạp chiếu phim cũng sẽ được phát huy hiệu quả đáp ứng nhu cầu của nhiều thành phần thị trường du lịch Huế.
TP Huế kỳ vọng thu hút 4,8 - 5 triệu lượt khách trong năm 2025, trong đó khách quốc tế chiếm 38 - 40 %, mang lại doanh thu 10.800 - 11.200 tỷ đồng.
Cơ hội “vàng”
Với vị trí chiến lược quan trọng, có truyền thống văn hóa, lịch sử, bản sắc độc đáo, riêng biệt và là địa phương có đến 8 di sản văn hóa thế giới; lâu nay, Huế đã khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Với việc được lựa chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025, đây sẽ là cơ hội “vàng” để ngành du lịch bứt phá, phát triển toàn diện, bền vững; tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển.

Đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 là cơ hội lớn đối với ngành du lịch Huế để bứt phá, khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh: Văn Dinh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, được chọn là địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng TP Huế phát triển bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; là cơ hội để ngành du lịch Huế kết nối và tạo được dấu ấn, khai thác hết lợi thế, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
“Năm Du lịch quốc gia Huế - 2025 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng; tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Huế cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững” ông Bình khẳng định.
Hiện tại, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Huế đều đã chuẩn bị các phương án chi tiết, từ cung ứng, dự trữ nguồn nguyên vật liệu, kế hoạch tăng ca, tăng thêm một số dịch vụ tặng kèm cho du khách, chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách khi đến với Huế trong Năm Du lịch quốc gia.
Tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 vừa qua, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính nhận định, Năm Du lịch quốc gia không đơn thuần là một sự kiện văn hóa du lịch thuần túy, mà còn là một hành trình cảm xúc, một chuyến du hành ngược dòng lịch sử để chạm đến vẻ đẹp bất tận của đất kinh đô xưa; là sự khẳng định Huế không chỉ là một thành phố của lịch sử mà còn là điểm sáng của tương lai, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của cả nước, biểu tượng của sự đổi mới và phát triển dựa trên thế mạnh về di sản, nét thanh lịch, hiền hòa, mến khách của mỗi con người nơi đây.
“Tin tưởng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Huế sẽ trở thành điểm đến “di sản văn hóa hàng đầu Việt Nam và khu vực”, đóng góp ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước đem lại hạnh phúc cho nhân dân…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
TP Huế đã và đang quan tâm, triển khai những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách đến với Huế, nhất là việc miễn, giảm phí, vé tham quan các điểm di tích. Ngoài ra, trong một số hoàn cảnh phù hợp, thành phố đã áp dụng chính sách kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm thị trường, các đơn vị làm truyền thông, quảng bá điểm đến cho Huế, nhất là các đơn vị lữ hành khai thác các sản phẩm mới…