Trong loạt bài “Các nhà đồn điền ta nên lập hợp tác xã cho điền hộ” (đăng 3 kì trên báo “Thực nghiệp dân báo” từ số báo ngày 1/12/1927 đến số báo đăng ngày 3/12/1927) tác giả Giang Tả Tản Nhân đã đưa ra một “kế hoạch” để xây dựng hợp tác xã ở An Nam.
Theo đó, kế hoạch thành lập hợp tác xã phải bắt đầu từ việc xác định các làng “có ruộng công” trước, rồi chọn “mấy người đứng đầu”. Chọn ruộng công là mục đích cần phải “bây giờ phá cả bờ đi làm một thửa liền” số ruộng công, rồi những nhà nông “đáng được làm ruộng” trong làng đóng góp của, góp trâu bò cùng làm chung. Làm thế “đỡ tốn nhân công, mà chia việc ra có thể để một số người chỉ chuyên về nghề làm ruộng, còn một số người thì đi làm thuê hay làm các tiểu công nghệ khác để kiếm thêm lợi được”.
Tất nhiên, tất cả những người dân tham gia việc ấy “đều được trả công”. Đến lúc gặt về, trừ số trả lại vốn (của các nhà đóng góp hay vay của ngân hàng), trừ sổ trả lại công cho các người làm lụng, trừ sổ để dành lại làm vốn vụ sau và sắm sửa ngưu canh điền khí (trâu cày, dụng cụ làm ruộng), lại trừ một số để làm tiền dự bị, còn thì chia đều cho các nhà đóng được ruộng, ít phần ruộng thì được ít, nhiều phần ruộng thì được nhiều.
Theo tác giả, cái được là: "Như thế thì bớt thì giờ, đỡ nhân công. Những thì giờ nhân công dôi ra đó có thể đem vào việc làm thuê, việc tiểu công nghệ, số lợi đó có thể giúp cho nông dân ta đỡ nỗi quẫn cùng, mà số tiền dự bị kia, khi được nhiều có thể thâu tóm các phương pháp thích hợp cho ta dùng, mà lúc đó thì số ruộng công đã liền thửa rồi, không đến nỗi vụn vặt nữa. Khi đã có chút tiền dư dật, sẽ tính tới chuyện “làm ấu trĩ viên (nhà trẻ), mở trường học. Sẵn tiền có vạn cái hay”. Tuy vậy, do “dân ta thiếu tính đoàn thể, giầu tính hiềm nghi, lại khổ về nỗi người nhiều việc ít, khó lòng theo được chế độ phân công”, nên với làng có ruộng công gặp khó đã đành, đối với các làng có ruộng tư thì biết bao nhiêu điều trở ngại khác nữa”.
Tác giả Giang Tả Tản Nhân đưa ra một ví dụ: Có một trăm mẫu ruộng mà muốn làm cái công cuộc ấy, thì chịu khó tính xem cho được làm khu ruộng đó thì phải bao nhiêu nhân công, cả đàn ông lẫn đàn bà. Tính xong rồi xét xem những nhà điền hộ xin cầy thuê ruộng, có bao nhiêu người tráng niên hay gần thành niên có thể làm được việc.
Theo thực tế năm 1927, nhà điền chủ phải ngưu canh điền khí và cho người làm thuê vay ít tiền, ít thóc để họ thêm vào cho đủ ăn mà làm ruộng. Khi họ đã bằng lòng, tổ chức cho tất cả những nhà đó làm chung với nhau, “cấy cùng cấy, cầy cùng cầy mà gặt cùng gặt”. Năm đầu, điền chủ nên đứng ra trông coi và thông lệ “nhà nào bao nhiêu người, mỗi người làm việc bao nhiêu buổi, mỗi việc nặng nhẹ khác nhau thế nào, về sau sẽ tính sổ đó mà chia lợi tức cho các nhà”.
Cách tính để chi trả cho những người làm thuê trong hợp tác như sau: “Gặt hái xong, thóc lúa đã đem về, tính lấy thuế đi mấy phần trăm, trả vào ngưu canh điền khí một phần, để lại một số trừ bị, còn lại thì cứ tùy từng công việc, ví dụ như một buổi cầy đáng 1 công, mỗi buổi cấy đáng 2 công, vân vân, cộng tất cả số công làm trong một vụ là bao nhiêu, rồi đem số lợi tức đã trừ các món kể trên đi, chia cho cái tổng số đó xem mỗi công được bao nhiêu thóc”. Sau đó, “lại tính xem các người trong từng nhà điền hộ một, làm trong vụ ấy được bao nhiêu công. Cứ cái số công ấy nhiều hay ít mà chia nhiều hay ít lúa cho các nhà. Số lúa về nhà rồi, sẽ trừ mà lấy số nợ của nhà ấy vay từ trước”. Tác giả Giang Tả Tản Nhân cũng nhấn mạnh thêm “song xin tính nhẹ lãi”.
Tiến trình phát triển hợp tác xã theo từng năm. Năm đầu điền chủ phải coi sóc, một vài năm sau đã thành nếp rồi thì có thể để cho họ tự cử lấy người đi theo mẫu cũ mà coi sóc được. Trong một đồn điền, có thể lập dần ra nhiều hợp tác xã. Các hợp tác xã nhỏ đó sau có thể hợp lại làm vài ba hay một hợp tác xã lớn được. Như thế thì ruộng đất không lo cái nạn vụn vặt, mà số tiền trừ bị hằng năm dần dần tích lại không lo gì không có thể thu nạp được những phương pháp khoa học thích dụng cho nghề nông. Một nơi làm có thành hiệu tự khắc các nơi khác sẽ theo. Trước còn một ấp, sau cả đồn điền, trước còn một đồn điền, sau cả các đồn điền khác. Tuy nhiên, để có thể thực hành việc xây dựng hợp tác đó, “phải là các nhà đại nghiệp chủ, mà nhất là các nhà đồn điền” lúc đó.
Giang Tả Tản Nhân nhận định “nếu đồn điền đã làm được thế, hương thôn lại có các người đàn anh có thể bắt chước mà làm thế. Trước còn ở các hương thôn công điền, sau đến các hương thôn tư điền” và một tương lai tốt đẹp của nông nghiệp sẽ rất gần: “Trong nước có nhiều hợp tác xã cho nông dân ngần nào, tức là cái trình độ cải tạo của nông nghiệp ta đã tiến lên ngần ấy đó”.