Đó là chia sẻ của ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bên lề nghị trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
Liên quan đến việc xử lý các cán bộ có con gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Hòa Bình đang kiểm đếm các cán bộ có con được nâng điểm để xử lý về mặt Đảng. Tuy nhiên, dư luận mong muốn công khai danh tính các phụ huynh có con được nâng điểm. Ý kiến của ông thế nào?
Về xử lý các phụ huynh có con được nâng điểm, không thể nói việc “tày trời” như vậy mà phụ huynh không biết. Vì chắc chắn phải có một ai đó liên quan đến thí sinh có đề nghị, thì việc đó mới diễn ra.
Phụ huynh có trách nhiệm trực tiếp. Dĩ nhiên trực tiếp đến mức độ nào, các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng và xử lý đúng theo hành vi vi phạm của cá nhân đó.
Nếu là sự chủ động, thậm chí có hành vi đưa, nhận hối lộ để việc đó diễn ra sẽ phải xử lý rất nghiêm theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hòa Bình nơi xảy ra việc nâng điểm thi khiến dư luận bức xúc |
Trong số phụ huynh học sinh có con được nâng điểm, có người vừa là đảng viên, công chức hoặc viên chức trong bộ máy hành chính công quyền của chúng ta. Nên chỉ xử lý mặt Đảng chưa đủ mà phải xử lý cả về mặt hành chính, công chức viên chức theo quy định.
Ông đánh giá như thế nào về công tác điều tra, xử lý các vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang trong thời gian qua?
Việc xử lý các cán bộ có liên quan đến những sai phạm ở 3 địa phương đó làm khá chậm. Sai phạm xảy ra khá lâu rồi, chuẩn bị đến kỳ thi mới mà việc xử lý chưa xong thì sẽ có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, qua đây có mấy vấn đề cần quan tâm. Một là ngành Giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo các kỳ thi tổ chức tại các địa phương này, nhất là những nơi chưa xử lý xong cán bộ có sai phạm.
Những đối tượng có sai phạm đã được khẳng định bằng kết quả điều tra thì chắc chắn có sai phạm. Còn những ai dính dáng đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 có biểu hiện sai phạm thì tuyệt đối không phân công nhiệm vụ trong kỳ thi 2019 sắp tới.
Theo ông, ngành Giáo dục cần làm gì để đảm bảo công bằng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới?
Ngành Giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có giải pháp phòng, chống gian lận thi cử hiệu quả.
Nếu năm nay ngành Giáo dục chủ trương đưa cán bộ của các trường đại học xuống tham gia nhiều khâu ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, với những địa phương đó vai trò chỉ đạo của ngành cũng như lãnh đạo địa phương cần tăng cường.
Sự tham gia của cán bộ các trường đại học được phân công xuống địa bàn này cũng cần được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, nghiệp vụ để một mặt tiếp tục điều tra xem xét xử lý những vụ vi phạm cá nhân năm 2018, mặt khác tổ chức tốt không để phát sinh những tiêu cực trong kỳ thi năm 2019.
Xin cảm ơn ông!