Mới đây, tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi lễ công bố “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032”.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, bà Phan Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên - Môi trường); bà Saranya Paleewongse, Phó Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, đại diện Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Thái Lan; ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cùng với lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, tổ chức phi chính phủ, đoàn đại biểu đến từ Thái Lan, chuyên gia trong, ngoài nước và các doanh nghiệp đồng hành cùng dự án.
Đề án được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp quyết tâm thực hiện khi trong nhiều năm gần đây, sếu đầu đỏ xuất hiện ngày một ít dần tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Bên cạnh đó, có nhiều loài động vật, thực vật bị suy thoái, trong đó có quần xã năng kim (thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ) bị thu hẹp dần. Thành phần loài thủy sản cũng bị suy giảm về số lượng, làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ và nhiều sinh vật khác.
Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các tác động từ nhiều nguyên nhân, đã làm cho hệ sinh thái Tràm Chim cũng bị thay đổi theo. Ngoài ra, việc canh tác nông nghiệp quá mức hiện nay cũng phần nào làm thu hẹp môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.
Trước tình hình cấp bách đó, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032”. Dự kiến trong 10 năm triển khai đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Trong quá trình bắt đầu thực hiện đề án, tỉnh cũng đã nhận được sự giúp sức, chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tâm huyết trong và ngoài nước hỗ trợ cùng xây dựng đề án trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm câu chuyện thành công từ chương trình bảo tồn sếu tại tỉnh Buriram, Thái Lan. Trong đó, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đã đồng hành cùng đề án này từ những ngày đầu tiên, hỗ trợ về vật lực lẫn sức lực với hy vọng có thể cùng tỉnh Đồng Tháp đưa đàn sếu trở về.
Là doanh nghiệp đến từ Thái Lan, có lợi thế về ngôn ngữ, am hiểu văn hóa và con người của đất nước này, cùng với tinh thần yêu động vật, bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài sếu đầu đỏ, một loài động vật vô cùng quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng, C.P. Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Thái Lan, giúp các hoạt động trao đổi diễn ra một cách dễ dàng hơn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời cũng có những đóng góp rất lớn trong việc phát triển sinh kế và tạo thu nhập cho người dân tại vùng lõi, vùng đệm khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim.
Tại sự kiện, ông Montri Suwanposri, Phó Chủ tịch C.P. Việt Nam, chia sẻ: “Để dự án được phát triển bền vững, C.P. Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo tồn sếu đầu đỏ cho trẻ em, thanh thiếu niên và cộng đồng để cùng nhau bảo tồn sếu đầu đỏ và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là các dự án phát triển năng lực cộng đồng nhằm tạo công ăn việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân, dựa trên kinh nghiệm từ Thái Lan. Kinh nghiệm ấy là ban đầu người nuôi sếu, sau này sếu sẽ nuôi người. Từ đó, sẽ giúp bà con có cuộc sống đủ đầy, xây dựng tinh thần đoàn kết, cuộc sống ấm no hạnh phúc, cùng nhau làm việc, cùng nhau chia sẻ và cùng nhau hạnh phúc theo triết lý "kinh tế đủ đầy”.