Cụ Huỳnh và Quảng Ngãi

. - Chủ Nhật, 02/10/2022 , 06:26 (GMT+7)

Huỳnh Thúc Kháng (1876 –1947) người làng Thạnh Bình, nay thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, là chí sĩ cách mạng, nhà báo, nhà khảo cứu nổi tiếng nửa đầu thế kỷ XX.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

Sau cách mạng tháng 8/1945, cụ Huỳnh giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt), Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (1946).

Đầu năm 1947, cụ Huỳnh công cán tại Quảng Ngãi trong vai trò Đặc phái viên Chính phủ tại Liên khu V và qua đời vì trọng bệnh ngày 21/4/1947, tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành; thi hài an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn – đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi.

Sinh trưởng ở vùng đất bán sơn địa nghèo khó, trong một gia đình nông dân, nhưng bằng nghị lực đáng kính phục, Huỳnh Thúc Kháng đã thi đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý (1900) và 4 năm sau, 1904 (Giáp Thìn), đỗ tiến sĩ, nổi tiếng về học vấn và kiến văn bậc nhất Trung Kỳ. Vì vậy, tên tuổi Mính viên (tên tự Huỳnh Thúc Kháng) hẳn không phải xa lạ trong giới theo đòi nghiên bút ở vùng đất Quảng Ngãi, cận kề phía Nam.

Tuy nhiên, phải đến chuyến Nam du năm 1905 cùng Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp (đồng khoa, đồng hương Quảng Nam), để cổ vũ cho phong trào Duy Tân, đến Bình Định mượn danh sĩ tử làm bài phú “Danh sơn lương ngọc”, nhạo báng lối học từ chương, chê bai con đường công danh khoa cử, kêu gọi ái quốc, duy tân, “gây một tiếng sét đánh vang lường trong cả nước” (chữ dùng của Phan Chu Trinh) thì Huỳnh Thúc Kháng mới thực sự trở thành một trong những người dẫn đường về tư tưởng của sĩ phu và nho sĩ tiến bộ miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, lúc bấy giờ. Cũng từ những năm này, Huỳnh Thúc Kháng đã nhận thức sâu sắc truyền thống gan dạ, kiên cường bậc nhất miền Trung cũng như mối thâm giao, đồng nhịp của sĩ phu Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nam Ngãi (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Trong bài khảo luận lịch sử “Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908” cụ viết: “Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, từ phái văn học đến phái Cần vương nghĩa hội, thường một mạch câu thông với nhau, đến phong trào tân học cải cách cùng Đông học, cán dùi trống một nhịp với nhau…”.

Xuất phát từ sự đánh giá sâu sắc như vậy mà trong vai trò là yếu nhân và đồng khởi xướng phong trào Duy Tân, Huỳnh Thúc Kháng đã có sự chú ý đúng mức đến việc vận động sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi, đồng thời theo dõi sát sao những chuyển động của các phong trào Duy Tân – yêu nước ở vùng đất này.

Thuật lại Phong trào kháng thuế - cự sưu năm 1908, cụ đã đưa ra một nhận định chính xác về tính cách của người Quảng Ngãi, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Sĩ phu cùng dân Quảng Ngãi khẳng khái và kiên quyết, phần đông hy sinh vì nước, một mực thẳng tới không thối lui trước một trở lực nào”.

Huỳnh Thúc Kháng đã giành nhiều lời trân trọng và cảm phục đối với các nhà yêu nước người Quảng Ngãi như Nguyễn Sụy, Nguyễn Đình Quản, Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết, Phạm Cao Chẩm, Lê Cơ, Lam Trung, Nguyễn Tuyên, Trần Kỳ Phong, Phạm Cao Đài…

Trong thời gian bị đày ở Côn Đảo (1908 – 1921), tiến sĩ  Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành người bạn học ở “Trường học thiên nhiên” (chữ dùng của Huỳnh Thúc Kháng) với nhiều nho sĩ Quảng Ngãi, và vì vậy, trong nhiều tác phẩm viết sau này, cụ Huỳnh đã cung cấp cho hậu thế những thông tin quý giá về thơ văn, hành trạng và đặc biệt là nhiều hành động thể hiện khí phách lẫm liệt của các nhà yêu nước Quảng Ngãi.

H2.  Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Nghĩa Hành

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Đề cập đến vụ âm mưu khởi nghĩa năm 1916 (vụ mưu khởi Duy Tân), Huỳnh Thúc Kháng cũng cho biết: Sĩ phu cùng binh lính và nhân dân 2 tỉnh Quảng Ngãi là những người “chủ động”; cử nhân Nguyễn Sụy (Nguyễn Thụy), người làng Hổ Tiếu, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), đã từng được vua Duy Tân tiếp kiến, bàn bạc về “công việc tấn hành” và ban mật dụ khởi nghĩa. Cảm phục gương hy sinh vì nước của Cử Sụy, Tú Ngung (Lê Ngung) Tú Chẫm (Phạm Cao Chẫm), cụ Huỳnh đã làm bài thơ “Khốc Cử Sụy, Tú Ngung, Tú Chẩm” nguyên văn chữ Hán:

Phong lôi trập phục đại tinh trầm

Hà khiếu sơn đề hổ báo câm

Nhất phó bầu lô mãn xoang huyết

Niên niên Lũy tấn nộ triều âm.

Và cụ tự dịch ra quốc ngữ:

Sao lặng, dông mây cũng vắng tăm

Núi hò, biển hẹn, cọp beo câm

Một thớt đầu lô bầu máu nóng

Ngọn triều bến Lũy dậy quanh năm.

Là người nổi tiếng hay chữ từ khi còn rất trẻ, và Quảng Nam quê cụ cũng được mệnh danh là đất học với câu xưng tụng “Ngũ phụng tề phi” (Năm người cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi), nhưng đọc câu đối Huỳnh Thúc Kháng viếng tiến sĩ Tạ Tương (người làng Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn 1892, mất năm 1942) mới biết cụ trọng thị giới Nho học đất Cẩm Thành nhường nào:

“Cẩm Thành giai khí chung vy Thiên Bút cao sơn; đông lãnh thương tòng thôi độc tú;

Quỳnh uyển danh hoa giá trọng Nhâm Thìn tuế bảng; thu dung hoàng cúc điểm quần phương”.

(Khí tốt đất Cẩm Thành hun đúc nên núi Thiên Bút cao, mùa đông có cây tùng xanh đơn độc;

Tiệc trọng ở vườn Quỳnh Uyển mùa thu năm Nhâm Thìn, cây hoàng cúc còn lưu lại để tỏa mùi hương cuối cùng).

Thời gian công cán ở Quảng Ngãi dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ Huỳnh đã gắng sức đi lại, thăm viếng chiến sĩ, đồng bào, kêu gọi mọi người đoàn kết, đồng lòng đi theo cụ Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Bức thư gởi đồng bào, phụ lão toàn quốc kháng chiến (Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư) do cụ Huỳnh viết năm 1946 và tự dịch ra quốc ngữ được lưu hành rộng rãi ở Quảng Ngãi thời gian này.

Và thật cảm động, cho đến nay, nhiều bậc cao niên ở Quảng Ngãi vẫn còn thuộc nằm lòng nguyên tác Hán văn bức thư giàu lòng ái quốc của một nhà chí sĩ từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giành những lời cảm phục: “… cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, ý chí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian khổ. Nhưng lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn mà lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…” (Hồ Chí Minh – Thơ gởi nhân dân báo tín lễ quốc tang Huỳnh Thúc Kháng).

Ghi chú: Phần trích thơ văn cụ Huỳnh chúng tôi dẫn theo Nguyễn Q.Thắng “Huỳnh Thúc Kháng tác phẩm” – NXB TP Hồ Chí Minh -  1992.

Lê Hồng Khánh

 

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng
Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng

Xâu chuỗi những nhận định từ đầu thế kỷ XX đến nay, có thể nói, đôi câu đối hẳn là của bậc vua, chúa chứ không phải của cấp quan lại, dân thường.

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).