Cụ Huỳnh và Quảng Ngãi

. - Chủ Nhật, 02/10/2022 , 06:26 (GMT+7)

Huỳnh Thúc Kháng (1876 –1947) người làng Thạnh Bình, nay thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, là chí sĩ cách mạng, nhà báo, nhà khảo cứu nổi tiếng nửa đầu thế kỷ XX.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

Sau cách mạng tháng 8/1945, cụ Huỳnh giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt), Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (1946).

Đầu năm 1947, cụ Huỳnh công cán tại Quảng Ngãi trong vai trò Đặc phái viên Chính phủ tại Liên khu V và qua đời vì trọng bệnh ngày 21/4/1947, tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành; thi hài an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn – đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi.

Sinh trưởng ở vùng đất bán sơn địa nghèo khó, trong một gia đình nông dân, nhưng bằng nghị lực đáng kính phục, Huỳnh Thúc Kháng đã thi đỗ Giải Nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý (1900) và 4 năm sau, 1904 (Giáp Thìn), đỗ tiến sĩ, nổi tiếng về học vấn và kiến văn bậc nhất Trung Kỳ. Vì vậy, tên tuổi Mính viên (tên tự Huỳnh Thúc Kháng) hẳn không phải xa lạ trong giới theo đòi nghiên bút ở vùng đất Quảng Ngãi, cận kề phía Nam.

Tuy nhiên, phải đến chuyến Nam du năm 1905 cùng Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp (đồng khoa, đồng hương Quảng Nam), để cổ vũ cho phong trào Duy Tân, đến Bình Định mượn danh sĩ tử làm bài phú “Danh sơn lương ngọc”, nhạo báng lối học từ chương, chê bai con đường công danh khoa cử, kêu gọi ái quốc, duy tân, “gây một tiếng sét đánh vang lường trong cả nước” (chữ dùng của Phan Chu Trinh) thì Huỳnh Thúc Kháng mới thực sự trở thành một trong những người dẫn đường về tư tưởng của sĩ phu và nho sĩ tiến bộ miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, lúc bấy giờ. Cũng từ những năm này, Huỳnh Thúc Kháng đã nhận thức sâu sắc truyền thống gan dạ, kiên cường bậc nhất miền Trung cũng như mối thâm giao, đồng nhịp của sĩ phu Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh) và Nam Ngãi (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Trong bài khảo luận lịch sử “Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908” cụ viết: “Nghệ Tĩnh và Nam Ngãi, từ phái văn học đến phái Cần vương nghĩa hội, thường một mạch câu thông với nhau, đến phong trào tân học cải cách cùng Đông học, cán dùi trống một nhịp với nhau…”.

Xuất phát từ sự đánh giá sâu sắc như vậy mà trong vai trò là yếu nhân và đồng khởi xướng phong trào Duy Tân, Huỳnh Thúc Kháng đã có sự chú ý đúng mức đến việc vận động sĩ phu và nhân dân Quảng Ngãi, đồng thời theo dõi sát sao những chuyển động của các phong trào Duy Tân – yêu nước ở vùng đất này.

Thuật lại Phong trào kháng thuế - cự sưu năm 1908, cụ đã đưa ra một nhận định chính xác về tính cách của người Quảng Ngãi, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Sĩ phu cùng dân Quảng Ngãi khẳng khái và kiên quyết, phần đông hy sinh vì nước, một mực thẳng tới không thối lui trước một trở lực nào”.

Huỳnh Thúc Kháng đã giành nhiều lời trân trọng và cảm phục đối với các nhà yêu nước người Quảng Ngãi như Nguyễn Sụy, Nguyễn Đình Quản, Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết, Phạm Cao Chẩm, Lê Cơ, Lam Trung, Nguyễn Tuyên, Trần Kỳ Phong, Phạm Cao Đài…

Trong thời gian bị đày ở Côn Đảo (1908 – 1921), tiến sĩ  Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành người bạn học ở “Trường học thiên nhiên” (chữ dùng của Huỳnh Thúc Kháng) với nhiều nho sĩ Quảng Ngãi, và vì vậy, trong nhiều tác phẩm viết sau này, cụ Huỳnh đã cung cấp cho hậu thế những thông tin quý giá về thơ văn, hành trạng và đặc biệt là nhiều hành động thể hiện khí phách lẫm liệt của các nhà yêu nước Quảng Ngãi.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Đề cập đến vụ âm mưu khởi nghĩa năm 1916 (vụ mưu khởi Duy Tân), Huỳnh Thúc Kháng cũng cho biết: Sĩ phu cùng binh lính và nhân dân 2 tỉnh Quảng Ngãi là những người “chủ động”; cử nhân Nguyễn Sụy (Nguyễn Thụy), người làng Hổ Tiếu, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), đã từng được vua Duy Tân tiếp kiến, bàn bạc về “công việc tấn hành” và ban mật dụ khởi nghĩa. Cảm phục gương hy sinh vì nước của Cử Sụy, Tú Ngung (Lê Ngung) Tú Chẫm (Phạm Cao Chẫm), cụ Huỳnh đã làm bài thơ “Khốc Cử Sụy, Tú Ngung, Tú Chẩm” nguyên văn chữ Hán:

Phong lôi trập phục đại tinh trầm

Hà khiếu sơn đề hổ báo câm

Nhất phó bầu lô mãn xoang huyết

Niên niên Lũy tấn nộ triều âm.

Và cụ tự dịch ra quốc ngữ:

Sao lặng, dông mây cũng vắng tăm

Núi hò, biển hẹn, cọp beo câm

Một thớt đầu lô bầu máu nóng

Ngọn triều bến Lũy dậy quanh năm.

Là người nổi tiếng hay chữ từ khi còn rất trẻ, và Quảng Nam quê cụ cũng được mệnh danh là đất học với câu xưng tụng “Ngũ phụng tề phi” (Năm người cùng đỗ đại khoa trong một kỳ thi), nhưng đọc câu đối Huỳnh Thúc Kháng viếng tiến sĩ Tạ Tương (người làng Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thìn 1892, mất năm 1942) mới biết cụ trọng thị giới Nho học đất Cẩm Thành nhường nào:

“Cẩm Thành giai khí chung vy Thiên Bút cao sơn; đông lãnh thương tòng thôi độc tú;

Quỳnh uyển danh hoa giá trọng Nhâm Thìn tuế bảng; thu dung hoàng cúc điểm quần phương”.

(Khí tốt đất Cẩm Thành hun đúc nên núi Thiên Bút cao, mùa đông có cây tùng xanh đơn độc;

Tiệc trọng ở vườn Quỳnh Uyển mùa thu năm Nhâm Thìn, cây hoàng cúc còn lưu lại để tỏa mùi hương cuối cùng).

Thời gian công cán ở Quảng Ngãi dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ Huỳnh đã gắng sức đi lại, thăm viếng chiến sĩ, đồng bào, kêu gọi mọi người đoàn kết, đồng lòng đi theo cụ Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Bức thư gởi đồng bào, phụ lão toàn quốc kháng chiến (Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư) do cụ Huỳnh viết năm 1946 và tự dịch ra quốc ngữ được lưu hành rộng rãi ở Quảng Ngãi thời gian này.

Và thật cảm động, cho đến nay, nhiều bậc cao niên ở Quảng Ngãi vẫn còn thuộc nằm lòng nguyên tác Hán văn bức thư giàu lòng ái quốc của một nhà chí sĩ từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh giành những lời cảm phục: “… cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, ý chí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian khổ. Nhưng lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn mà lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…” (Hồ Chí Minh – Thơ gởi nhân dân báo tín lễ quốc tang Huỳnh Thúc Kháng).

Ghi chú: Phần trích thơ văn cụ Huỳnh chúng tôi dẫn theo Nguyễn Q.Thắng “Huỳnh Thúc Kháng tác phẩm” – NXB TP Hồ Chí Minh -  1992.

Lê Hồng Khánh

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.