Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (VCCI - HCM) cho biết, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tăng cao 15,1% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu ước đạt 124 tỷ USD, nhập khẩu 115 tỷ USD, xuất siêu 9 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ, nội - ngoại thất là một trong 6 nhóm ngành (điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ nội ngoại thất) có giá trị xuất khẩu cao nhất.
4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ, nội - ngoại thất đạt 4,89 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước (tăng cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung của Việt Nam).
Có được kết quả này là nhờ vào sự phục hồi đáng kể kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm 2024 (đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%), khi nhu cầu của thị trường tăng, hàng tồn kho giảm.
Các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới.
Mỹ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho Mỹ. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu bứt phá tại thị trường này nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. "Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ giảm, trị giá xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa, nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro", Phó VCCI - HCM Trần Ngọc Liêm nói.
Ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủ Công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho biết, Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN (VIFA ASEAN) sẽ diễn ra từ ngày 27 - 30/8 tới đây tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia tiếp cận và khám phá các nhu cầu và xu hướng tiêu dùng hiện đại của ngành, giúp doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt và bắt kịp với thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Từ đó, dễ dàng chủ động tìm kiếm đơn hàng, những cơ hội hợp tác mới, mở rộng kết nối với các nhà mua hàng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hội chợ Vifa Asean năm nay với chủ đề "Nơi hội tụ tinh hoa nội thất Đông Nam Á" dự kiến thu hút hơn 300 doanh nghiệp trưng bày đến từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới, với 1.000 gian hàng trên quy mô diện tích 18.000m2.
Tại đây, quy tụ đa dạng và phong phú các sản phẩm với phong cách hiện đại cũng như mang đậm nét đặc trưng văn hóa của các nước bao gồm các sản phẩm nội thất (phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà bếp), ngoại thất (sân vườn, hồ bơi, resort), thủ công mỹ nghệ & trang trí nhà cửa, cho đến máy móc, thiết bị, dụng cụ và dịch vụ hỗ trợ,…
Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất. Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường mới như khu vực Trung Đông.
VIFA ASEAN hướng đến mục tiêu quy tụ ngành gỗ, nội thất của các nước ASEAN tại TP.HCM, Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng TP.HCM thành trung tâm giao dịch nội - ngoại thất của khu vực Đông Nam Á.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu mô hình thuyền gỗ sang nhiều quốc gia, Công ty TNHH Gia Nhiên đã đầu tư xưởng mộc hơn 1.000m2 tại Trảng Bom (Đồng Nai) để thiết kế, sản xuất ra nhiều mẫu thuyền gỗ độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Trần Hoài Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên cho biết, doanh nghiệp có nhiều kênh để mở rộng tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, trong đó có kênh xúc tiến thương mại bằng cách tham gia các hội chợ mang tầm quốc tế để mở ra cơ hội cho doanh nghiệp. Đơn cử như VIFA ASEAN 2023 lần đầu được tổ chức tại TP.HCM đã giúp doanh nghiệp ông có được đơn hàng trị giá 26.000 USD từ hai thị trường mới là Mauritius (châu Phi) và Ấn Độ.
Bà Huỳnh Thị Phương Vi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đánh giá, năm 2024, thị trường xuất khẩu của ngành gỗ và nội thất của Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Do đó, năm nay, Hiệp Long tiếp tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm những khách hàng mới, thị trường mới, cải thiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
"Hội chợ VIFA EXPO năm ngoái, chúng tôi cũng đã có thêm được lượng khách hàng mới tiềm năng và đã có những đơn hàng được ký kết", bà Vi chia sẻ và kỳ vọng ở hội chợ VIFA ASEAN 2024.