Lê Hồng Khánh: Lan man về một từ 'kẻ' vàng ròng

. - Thứ Sáu, 23/09/2022 , 08:50 (GMT+7)

Gần đây, có một số tác giả đã thay từ 'kẻ' trong câu tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây' bằng từ 'người', để thành câu 'Ăn quả nhớ người trồng cây'.

Trong nhiều bài viết, bài phát biểu đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một số tác giả đã thay từ “kẻ” trong câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” bằng từ “người”, để thành câu “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Thậm chí có người còn viết bài cho rằng chữ “kẻ” trong câu tục ngữ của cha ông mang theo quan niệm lạc hậu, cổ hủ, coi thường đối tượng và khuyên mọi người chớ nên “nhớ kẻ trồng cây” mà phải “nhớ người trồng cây”, mới đúng!

Thật ra, có những câu nói dân gian người xưa truyền lại (ca dao, tục ngữ...) đến nay toàn bộ, hoặc một phần ý nghĩa, cách nói đã không còn phù hợp (ví dụ: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn; Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau...), nhưng trong trường hợp câu tục ngữ nói trên, đến nay từ “kẻ” mà người xưa từng dạy, từng nói, theo thiển ý chúng tôi, chẳng có gì là sai, là không phù hợp. Hơn thế nữa, đổi từ “kẻ” thành từ “người” lại có khi lạc hậu hơn cả ngày xưa!

Chúng ta thử khảo sát một số trường hợp xuất hiện của từ “kẻ” trong các tổ hợp từ (ngữ) kết hợp tương đối bền vững của tiếng Việt, sau đây:

1) Trường hợp những “ngữ” là tổ hợp 4 từ đơn âm tiết:

- Kẻ ăn, người ở/ Kẻ hầu, người hạ

- Kẻ ở, người đi/ Kẻ trước, người sau

- Kẻ giàu, người nghèo/ Kẻ chờ, người đợi

- Kẻ được, người thua/ Kẻ thiện, người ác

Chẳng có gì khó khăn, cả đối với người bình dân, để nhận ra những từ “kẻ” trong các tổ hợp từ trên đây chỉ là những từ trung tính (neutre) về mặt ý nghĩa, không hề mang thái độ “tiêu cực” của người phát ngôn. “Kẻ trước”, “kẻ giàu”, “kẻ đến” hoàn toàn được đối xử bình đẳng với “người sau”, “người nghèo”, “người đi”. Có một số lượng khá lớn những tổ hợp này, khi ta hoán đổi vị trí của từ ở vị trí thứ nhất với từ thứ 3 thì ý nghĩa chung của cả tổ hợp vẫn không thay đổi. Ví dụ: Kẻ đi, người ở (kẻ ở, người đi), kẻ sau, người trước (kẻ trước, người sau), kẻ giàu, người nghèo (kẻ nghèo, người giàu)...

2) Trường hợp những “ngữ” có trên 4 âm tiết:

- Kẻ ăn không hết, người lần không ra

- Kẻ ăn cá, người mút xương

- Kẻ ăn bánh, người đội lá

- Kẻ ăn mắm, người khát nước...

Tác giả, nhà báo Lê Hồng Khánh.

Tác giả, nhà báo Lê Hồng Khánh.

Ở đây chúng ta thấy xuất hiện thái độ chia sẻ, bênh vực, cảm thông của người phát ngôn đối với những đối tượng bị thiệt hại, bất công (người khát nước, người mút xương, người đội lá, người lần không ra...). Tuy nhiên thái độ của người phát ngôn, thể hiện trong toàn bộ chiều sâu ý nghĩa của câu nói, ý nghĩa ám thị nảy sinh từ sự sắp đặt hai vế đối nhau trong một tổ hợp từ, mà không phải từ việc sử dụng từ “người” cho đối tượng bị thua thiệt. Chúng ta sẽ rõ hơn điều này, nếu thay từ “kẻ” trong các ngữ trên thành từ “người” và thêm một số từ mang ý nghĩa phụ trợ, diễn dịch:

- Người này ăn bánh, còn người kia lại phải đội lá.

- Người này ăn mặn, nhưng người kia phải chịu khát nước.

- Người này thì ăn không hết, còn người nọ thì lần không ra.

Để diễn đạt một cách ngắn gọn, súc tích, cô đọng những hiện tượng bất công trong xã hội, trí tuệ bình dân đã thu gọn các từ ngữ diễn dịch bổ trợ để chỉ còn lại các thành tố liên kết chặt chẽ, tạo ra những hình ảnh tương phản để người tiếp nhận thông tin “ngầm hiểu” thái độ của người nói. Và cách nói này có được một hiệu quả ngôn ngữ: hàm súc, kiệm lời, dễ nhớ. Nói được điều muốn nói nhưng lại kiệm lời cũng chính là qui luật của mọi ngôn ngữ (quy luật tiết kiệm) và quy luật này lại càng được thể hiện đậm hơn với các ngôn ngữ phương Đông, nơi mà sự hàm ý, cô đọng, giàu biểu tượng đã trở thành một đặc điểm mang tính truyền thống trong tư duy, tư tưởng, triết học.

Trong nhiều từ điển tiếng Việt, từ “kẻ” được diễn giải tương đương với từ “người”. Điều này không sai, nhưng chúng ta cần lưu ý vấn đề sau đây: cho dù về mặt cấu trúc, “kẻ” hoàn toàn có thể thay thế cho “người” (cấu trúc tương đương), nhưng trong một số trường hợp, cách nghĩ, cách tư duy của người Việt lại không chấp nhận. Người Việt nói “kẻ gian” mà không nói “người gian” (tuy vẫn nói “kẻ giàu/người giàu”, “kẻ nghèo/người nghèo”); nói “kẻ ăn bám” mà không nói “người ăn bám” (tuy có thể nói “hạng người ăn bám”); nói “kẻ cướp”, mà không nói “người cướp”...

Nếu chỉ quan sát các tổ hợp “kẻ cướp”, “kẻ ăn bám”, “kẻ gian” sẽ rất dễ ngộ nhận từ “kẻ” thể hiện thái độ phê phán, khinh miệt, coi thường của người phát ngôn (kẻ ăn bám, kẻ gian, kẻ cướp là những hạng người xấu trong xã hội), nhưng hiểu như thế sẽ không thể lý giải được sự xuất hiện của tổ hợp “kẻ sĩ”, vì kẻ sĩ là hạng người được trọng vọng. Theo chúng tôi, trong các trường hợp vừa đề cập, các kết hợp “kẻ cướp”, “kẻ gian”, “kẻ sĩ” có xu hướng (hoặc đã định hình) thành những tổ hợp bền vững, tức là những từ đa âm tiết mà trong đó “kẻ” là một thành tố.

Bàn sang lĩnh vực ngôn ngữ văn học thành văn, chúng ta bắt gặp không ít trường hợp các tác gia sử dụng từ “kẻ” một cách tài tình và nhiều khi trở thành “nhãn tự” trong câu thơ, câu văn:

- Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông

Nó lại lôi ông đến giữa đồng...

(Tú Xương)

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

 Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

(Hàn Mặc Tử)

 - Trời nào phụ kẻ trung trinh

 Dầu vương nạn ấy, ắt dành phúc kia

(Khuyết danh - Nhị độ mai)

- Khách có kẻ: chèo bể, bơi trăng, buồm mây giong gió

Sớm ngọn Tương kia, chiều hang Vũ nọ...

(Bạch Đằng Giang phú

Nguyên tác: Trương Hán Siêu; Bản dịch: Đông Châu)

nho-con-song-que-huong-te-hanh-1956

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông (Tế Hanh).

- Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngã

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

(Tế Hanh)

Bao nhiêu câu thơ đó, từ “kẻ” có xấu gì đâu!

Tìm tòi một chút về mặt từ nguyên, chúng tôi đồ rằng, “kẻ” trong câu tục ngữ mà chúng ta đang bàn vốn là một từ Việt cổ, vốn gắn liền với những địa danh vùng Bắc bộ - Bắc Trung bộ, mà đến nay vẫn còn tồn tại, phổ biến dưới dạng tên nôm (bên cạnh tên chữ) của các làng cổ.

Cụ Đào Duy Anh trong cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” đã phân tích khá sâu sắc về từ này khi bàn về thành Cổ Loa của nước Âu Lạc. Nhà địa lý học lịch sử Việt Nam xuất sắc thế kỷ XX đã chỉ ra rằng “Cổ Loa” chính tên gốc là “Kẻ Loa” nghĩa là “người làng có thành loa”. Cụ cũng cho rằng “chữ kẻ có nghĩa là người, là cái, tương tự với nghĩa chữ “cổ” ở miền lưỡng Quảng” (Quảng Đông - Quảng Tây, TQ). Kẻ Nưa, tên nôm của làng Cổ Định (Thanh Hóa), nghĩa là người ở vùng núi Nưa. “Kẻ chợ” là cách gọi phổ biến của cư dân Bắc bộ chỉ những người ở các đô thị (thị = chợ), phân biệt với “kẻ quê” chỉ người ở vùng nông thôn, quê kiểng.

Cho đến nay vẫn chưa có ai phản bác ý kiến cụ Đào Duy Anh và hầu như các nhà từ nguyên học, địa lý học lịch sử, văn hóa học đều chấp nhận kiến giải này. Như vậy, “kẻ” trong câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” chính là một từ Việt cổ, tương đương với từ người và không hề mang hàm ý “tiêu cực” của người phát ngôn. Ở đầu bài viết này chúng tôi có nói đổi “kẻ” thành “người” lại có khi lạc hậu hơn cả người xưa. Điều này chẳng có gì là quá, vì mấy lý do sau đây:

- Thứ nhất, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã từ lâu đời in đậm trong tâm thức dân gian người Việt, là một trong những câu tục ngữ có ý nghĩa sâu sắc, hàm chứa đạo lý, luân lý truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cư dân Việt; đồng thời đây là một câu tục ngữ không có dị bản suốt trên đường lưu truyền từ Bắc và Nam theo dặm dài lịch sử. Vậy hà cớ gì, chúng ta lại phải đẻ ra một “phiên bản” nhợt nhạt, nhân danh hiện đại hóa ngôn ngữ mà kỳ thực lại làm hỏng nó.

Đây cũng chính là lý do mà câu “lệch ngữ” kia chỉ tồn tại trên một số văn bản và trong lời phát biểu của một số người ngộ nhận. Thì đấy, cứ thử làm một cuộc điều tra khắp trong Nam, ngoài Bắc mà hỏi từ cụ già nhà quê còn ăn trầu đến chị hàng xóm môi son chợ phố, từ bác xích lô đầu hẻm đến một thầy giáo ở trường đại học, xem có mấy ai đọc “Ăn quả nhớ người trồng cây”?

- Thứ hai, như cụ Đào Duy Anh đã chỉ, “kẻ” là một từ Việt cổ, mang trong nó nhiều ý nghĩa thú vị về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt. Một câu tục ngữ chỉ với 6 từ mà vừa sâu sắc, cô đọng về nội dung, vừa lý thú về chữ nghĩa, sao lại đành làm hỏng đi. Không ai bắt buộc (và cũng không thể làm được) việc đào bới từ nguyên của từng từ, từng chữ nhưng nếu có điều kiện hiểu được, lưu giữ được những từ ngữ chuyên chở theo nó dấu ấn văn hóa, lịch sử của một cộng đồng, nhất là trong trường hợp những câu cách ngôn dân gian, thì có quý hơn không?

- Thứ ba, cũng như “kẻ”, “người” cũng là một từ Việt cổ, vậy mà ông cha đã chọn dùng “kẻ” mà không dùng “người” trong câu tục ngữ mà chúng ta đang bàn. Theo chúng tôi, đây chính là sự chọn lựa giải pháp tối ưu về mặt ngôn ngữ, cụ thể là về ngữ âm học. Câu tục ngữ có 6 âm (3 trắc, 3 bằng) sắp xếp theo thứ tự: Bằng (Ăn) - trắc (quả) - trắc (nhớ) - trắc (kẻ) - bằng (trồng) - bằng (cây). 3 thanh trắc nối liền giữa dòng thanh âm đã tạo ra hiệu ứng dồn nén, va đập âm thanh liên tục, tác động vào người nói lẫn người nghe, gợi nên sự chú ý về mặt ngữ nghĩa của các từ này.

Thật lý thú nếu ta so sánh (về mặt ngữ âm) câu tục ngữ này với một câu tục ngữ 4 từ/âm gốc Hán: Uống nước nhớ nguồn (Ẩm hà tư nguyên). Từ một phát âm Hán Việt trắc - bằng - bằng - bằng (3 thanh bằng liên tục), nhưng người Việt đã chuyển thành một câu đồng nghĩa với dòng phát âm Trắc - trắc - trắc - bằng; với 3 thanh trắc liên tục tựa như câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Đổi “kẻ” (thanh trắc) thành “người” (thanh bằng - phù bình thanh), hỏi có lạc hậu hơn không? Dĩ nhiên, chúng ta cũng nhớ rằng, người xưa chẳng cần phải “phân tích ngữ âm học” như chúng ta đang làm, mà chẳng qua đó là kinh nghiệm sử dụng lời ăn tiếng nói, đúc kết, gọt giũa từ đời này qua đời khác, từ xứ nọ đến làng kia.

Còn nhớ, cách đây không lâu, các nhà soạn sách giáo khoa tiểu học (hồi bấy giờ gọi là cấp I) đã hè nhau (gọi là “hè nhau” vì người ta soạn bằng cả “hội đồng”, rồi lại thông qua bằng vài ba “hội đồng” nữa!) sửa câu ca dao/tục ngữ: “Ơn cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” thành câu “Ơn cha như núi ngất trời/Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông” (!) rồi đem dạy cho con trẻ. “Thâm ý” của các nhà “tu thư” là không muốn con cháu nhắc đến ngọn núi Thái Sơn của người Tàu, để tỏ ra mình “tự chủ”. Than ôi! Các vị đã không biết hoặc cố tình không biết, câu ca ấy vốn đã được ông cha ta chuyển ngữ kỳ tài từ một câu chữ Hán:

Cúc dục ân thâm, Đông hải đại

Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao.

(Ơn dưỡng dục sâu tựa biển Đông

Nghĩa sinh thành cao hơn non Thái)

Không biết giờ đây các nhà soạn sách năm nào có còn dạy con cháu mình câu ca “ngời ngời” mà các vị đã dày công sáng tác (hay tối tác) ra chăng?

Để khép lại bài này, người viết xin mượn lời thi hào Xuân Diệu khi ông không chịu nổi cái sự người ta cứ tư biện mà sửa Truyện Kiều, lại một hai cho là “hiệu đính”, rằng:

Thật vàng chẳng phải thau đâu

Đừng đem “sửa” nữa mà đau lòng vàng!

Lê Hồng Khánh

 

Chuyên mục Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt của báo Nông nghiệp Việt Nam đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

.
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.