Diễn giải đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng

Lí Học - Thứ Năm, 23/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Xâu chuỗi những nhận định từ đầu thế kỷ XX đến nay, có thể nói, đôi câu đối hẳn là của bậc vua, chúa chứ không phải của cấp quan lại, dân thường.

Câu đối trên khu di tích Đền Hùng.

Câu đối trên khu di tích Đền Hùng.

Lâu nay, người ta thường nhắc đến một đôi câu đối ở Đền Hùng “Vấn lai dĩ sự tu vi sử/ Tế nhận như đồ dục mệnh thi” cho rằng tác giả của nó là chúa Trịnh. Lần tìm theo những diễn giải của các nhà nghiên cứu xưa và nay, thấy thêm nhiều thông tin thú vị.

Ngày 1/5/2023, trên blog "Yêu Hán Nôm", tác giả Trúc Giang Nguyễn Đức Toàn trong bài viết “Bút tích Chúa Trịnh đề Hùng Vương lăng” cho biết, tại Đền Hùng ở Phú Thọ, trên lưng chừng núi là một lăng mộ tượng trưng gọi là Hùng Vương Lăng. Bên cạnh là Đền Trung, trong đền có 2 bức đối kỳ lạ không đề niên đại, không lạc khoản. Là hai câu thơ xếp đối mà đọc lên như là bất đối chi đối, nghĩa là 2 câu đối viết theo dạng đối mà tưởng như không đối: 問來已事須為史 - 細認如圖欲命詩.

"Vấn lai dĩ sự tu vi sử/ Tế nhận như đồ dục mệnh thi" (Muốn hỏi chuyện đã qua, nên nghiệp sử/; Nhìn kỹ cơ đồ, muốn họa thơ).

Tác giả Nguyễn Đức Toàn tìm trong văn bản Hán Nôm “Bắc Kỳ châu quận canh hoán phân hợp phú” có bài phú của nhà nho Dương Lâm soạn năm Khải Định thứ Năm (1920) được cụ Trần Văn Giáp chép bằng bút sắt, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong tác phẩm của mình, phần chép về tỉnh Phú Thọ, có đoạn chú thích của chính tác giả Dương Lâm, nói rõ ràng: Đây là bút tích của chúa Trịnh.

“Núi tổ Hùng sơn, cây cối cao vút. Trên núi có đền, cạnh đền có mộ. Trên mộ Hùng Vương có đề câu đối của chúa Trịnh rằng: 問來已事須為史 - 細認如圖欲命詩. Hỏi ra thiên sử mấy lần; Thành thơ cẩn thận nên tranh họa đồ. Nét chữ cổ kiện, văn ý hùng mại, đúng là khí tượng của Quản, Hoắc. Đúng là thủ bút của chúa Trịnh”.

Cũng theo tác giả Nguyễn Đức Toàn, đây có thể là bút tích của chúa Trịnh Sâm. Chúa Trịnh Sâm là một vị chúa tài hoa phong lưu, có tài thơ văn, thích đề vịnh danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều thông tin khác.

Bức hoành phi câu đối tại Đền Hùng, ảnh chụp đầu thế kỷ XX. Ảnh: EFEO.

Bức hoành phi câu đối tại Đền Hùng, ảnh chụp đầu thế kỷ XX. Ảnh: EFEO.

Trên nhóm Facebook "Hán Nôm kinh kỳ" ngày 5/5/2023, với tiêu đề “Về đôi câu đối được cho là của chúa Trịnh Sâm ở Đền Hùng”, tác giả Trần Ngọc Đông đã tìm ra được thêm hai đôi câu đối khác có nội dung giống và đặc biệt là có bút pháp hoàn toàn như nhau với bức câu đối ở đền Hùng.

Đó là bức câu đối ở nhà thờ họ Bùi ở làng Bặt, tức Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội (nhà thờ cụ Thượng thư Bùi Bằng Đoàn) và câu đối ở nhà thờ họ Nguyễn của cụ Nghè Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân ở Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Theo phán đoán của Trần Ngọc Đông, có thể thấy cả ba câu đối cùng một kiểu chế tác và cả ba đều có liên quan ít nhiều tới danh sĩ Dương Lâm. Ở nhà thờ họ Nguyễn ở Trâu Lỗ còn một bức do nhóm văn thân (có đề tên cả cụ Dương Lâm đề tặng). Và phải chăng, Dương Lâm đã cùng làm cả 3 câu rồi cung tiến, tặng hay dập chữ theo câu mẫu đã có ở đền Hùng?

Trần Ngọc Đông dẫn thêm tư liệu sách "Tĩnh Đô Vương" của tác giả Phan Trần Chúc (NXB Mai Lĩnh, 1943), thì cho là chúa Trịnh Sâm khi thăm Đền Hùng thản nhiên viết đôi câu đối và cho thợ khắc.

Tra cứu tài liệu xuất bản trước 1945 ở Việt Nam, chúng tôi tìm thấy bài viết của thi sĩ Tản Đà trên An Nam tạp chí năm 1925 cũng có bàn đến đôi câu đối này. Trong bài viết “Tính nhân tuần của người An Nam ta từ xưa đến nay” trên An Nam tạp chí, số 2, năm 1925, Tản Đà thuật lại:

“Năm xưa, tôi đi hội Đền Hùng, lên chiêm yết ở lăng đức Hùng Vương, thấy có treo một đôi câu đối sơn, lối chữ viết thật tốt mà nước sơn cũng đẹp, mỗi bên chỉ có bảy chữ rằng: "看來已事須為史 - /細認如圖欲命詩" (Khan lai dĩ sự tu vi sử/ Tế nhận như đồ dục mệnh thi). Ngoài 14 chữ ấy thời không có niên hiệu và lạc khoản gì cả. Tuy không biết là của ai và treo từ bao giờ, nhưng cứ trông lối chữ và nước sơn, có thể đoán là câu đối ấy cổ.

Lại nghĩ như một chỗ rất tôn nghiêm như thế, mà chỉ một đôi câu đối được treo ở trong đó, thời tất là người có cái câu đối ấy có vị thế đặc biệt ở đương thời. Sau hỏi ra thời có người nói rằng: Ấy là của chúa Trịnh khi trước. Câu nói đó tuy là hồ đồ song cũng có thể lấy làm tin; vì xem như họ Trịnh ở trong đời nhà Lê, đối với vua Lê đã không coi ra gì, thời đối với Hùng Vương mà có cái câu đối ấy, cũng là một sự bất túc quái”.

Văn bản này của Tản Đà có chép nhầm chữ "問" (vấn) thành chữ "看" (khán), tuy nhiên điều đó nằm ngoài nội dung vấn đề bàn luận của bài viết.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không dịch nội dung đôi câu đối trên mà mượn lời dịch theo thể lục bát của Phó bảng Nguyễn Đạo Quán - Thương tá tỉnh Thái Bình in trong cuốn “Sự tích mười tám đời Hùng Vương”: Xem việc đã rồi nên chép sử/ Nhìn tranh như vẽ muốn ban thơ.

Câu đối tại Đền Hùng được cho là của Trịnh Sâm. Ảnh: EFEO.

Câu đối tại Đền Hùng được cho là của Trịnh Sâm. Ảnh: EFEO.

Tản Đà không dịch xuôi ra quốc ngữ mà mượn lời dịch của Nguyễn Đạo Quán, là bởi lời dịch này rất đắc địa chữ “muốn ban thơ”. Tản Đà viết: “Cứ nguyên văn như thế mà dịch ra như thế thời phải lắm. Nay ai thử ngẫm xem ba chữ dịch văn “muốn ban thơ”, thời biết ba chữ nguyên văn “欲命詩” thực là bất kính một cách lạ. Chữ "命" (mệnh) tức là ban, là nhời người trên đối đãi với kẻ dưới, Hùng Vương thời là thủy tổ của nước Nam, dẫu từ Đinh, Lý, Trần, Lê, các vua ai có dám viết như thế chăng, cũng đều là bất kính, mà huống chi họ Trịnh ru?

Duy họ Trịnh quyền thần thói quen, cho nên cũng mới dám như thế vậy. Đương khi kẻ có quyền thế ở trong tay, dẫu muốn làm càn đến thế nào, cũng không có ai dám ngăn cấm; đó là một sự dĩ vãng, bàn nữa cũng không làm chi. Chỉ lạ rằng thời đại đã qua, uy quyền đã đổi, hội hè tế lễ, đến nay đã bao năm, mà một đôi câu đối ta vẫn treo đó như xưa, thời cái tính nhân tuần của người An Nam ta thật là một đặc tính vậy.

Nhân sự đó mà nghĩ ra thời từ xưa đến nay, sự cơ khích thích ra làm sao mà một cái tính nhân tuần vẫn như cũ.”

Lần giở cuốn Sự tích 18 đời Hùng Vương mà Tản Đà có tham khảo, thấy Nguyễn Đạo Quán cũng đưa ra nghi vấn về người làm ra đôi đối này, tuy không khẳng định chắc chắn: “Câu đối không thấy đề niên hiệu đời nào, cũng không đề tên họ người làm, lấy ý nghĩa mà đoán thời câu ấy ngờ là của vua Lê, hoặc chúa Trịnh mạnh bút” (Phó bảng Thái Bình thương tá tỉnh vụ Mộng Yến Nguyễn Đạo Quán. Tản Đà thư cục, 58 phố Hàng Bông, Hà Nội ấn bản năm Quý Hợi, Khải Định thứ tám 1923, trang 36).

Xâu chuỗi những nhận định, đánh giá của các tác giả từ Tản Đà, Nguyễn Đạo Quán, Phan Trần Chúc ở đầu thế kỷ XX đến Nguyễn Đức Toàn, Trần Ngọc Đông ở đầu thế kỷ XXI, có thể nói, đôi câu đối ở Đền Hùng: "Xem việc đã rồi nên chép sử/ Nhìn tranh như vẽ muốn ban thơ" hẳn là của bậc vua, chúa chứ không phải của cấp quan lại, dân thường.

Bài phú của Dương Lâm ở trên và sự phân tích chữ “dục mệnh thi - muốn ban thơ” của Tản Đà càng giúp chúng ta có cơ sở hơn để khẳng định điều đó.

Lí Học
Tags:
Tags:
‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt
‘Tình ca tiếng nước ta’ ngân nga những cung bậc tiếng Việt

‘Tình ca tiếng nước ta’ của tác giả Dương Thành Truyền góp thêm một góc nhìn về tiếng Việt đa dạng và phong phú trong tâm hồn và trong đời sống người Việt.

Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ
Phan Thị Hà Dương: Tri kỷ

Đã có nhiều ngày dài tôi băn khoăn tự hỏi khi nào và vì sao người ta là tri kỷ của nhau.

Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên
Trái tim trìu mến tương phùng ánh mắt hồn nhiên

Trái tim trìu mến của một cô giáo nghỉ hưu, đã giúp nhà thơ Trần Hà Yên tìm được ánh mắt hồn nhiên trong thế giới trẻ em nhiều sắc màu ngộ nghĩnh.

Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái
Giáo dục, quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái

Phỏng vấn phụ huynh có con học lớp 1 không có suất ăn trong buổi liên hoan của lớp. Trong môi trường giáo dục quan trọng nhất là sự trung thực và lòng nhân ái, thiếu hai điều này sẽ không thể hoàn thành sứ mạng giáo dục thế hệ trẻ được.

Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà
Phan Kế Bính - người có công với học giới nước nhà

Ngày 31/5/1921 là ngày cụ cử Phan Kế Bính tạ thế cõi trần. Cũng trong hôm đó, báo Thực nghiệp số 177 đăng bài 'Một cái tang chung cho báo giới nước nhà'.

Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’
Người mở cõi và kẻ bám đất hội tụ ở ‘rừng mắm’

Người mở cõi và kẻ bám đất là hai đối tượng làm nên sức sống ‘rừng mắm”, được nhà văn Bình Nguyên Lộc phác thảo bằng vẻ đẹp độc đáo phương Nam.

Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?
Tang lễ cụ cử Phan Kế Bính diễn ra như thế nào?

Nhà văn, nhà báo, dịch giả Phan Kế Bính sinh năm 1875, mất ngày 31 tháng 5 năm 1921, hưởng thọ 46 tuổi.

Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'
Nhà thơ Hà Phương biết 'rừng vẫn mãi bao la tình rừng'

Nhà thơ Hà Phương sau mấy chục năm lặng lẽ đứng sau người chồng nổi tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, vừa tái ngộ công chúng bằng tập thơ ‘Tình yêu mạnh như nước’.

Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?15

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.