Trường hợp mới nhất thuộc về Haaland. Cùng với Mbappe, Vinicius, Foden và Pedri, tiền đạo người Na Uy thuộc nhóm cầu thủ trẻ được quan tâm nhất thế giới hiện nay. Anh vừa cập bến Man City, với kỳ vọng lớn là trở thành một siêu sao thực thụ nhờ tài nhạo nặn của HLV Guardiola.
Tuy nhiên, trận đấu chính thức của Haaland tại Siêu Cúp Anh, trước Liverpool có thể xem là thảm họa. Suốt 90 phút, anh chạm bóng 16 lần, và 3 trong số đó là... giao bóng. Tất cả những cầu thủ trong đội hình xuất phát của 2 đội, gồm cả thủ môn, đều chạm bóng nhiều hơn Haaland. Thậm chí, 2 cầu thủ dự bị vào sân là Gundogan và Foden cũng vậy. Chỉ trong 1 trận, chân sút sinh năm 2000 đã bỏ lỡ 2 cơ hội ngon ăn, con số tương đương với 14 trận cho Dortmund trong năm 2022.
Dù Guardiola ra sức bảo vệ trò mới, người hâm mộ Man City không khỏi thấy "giật mình" khi nhớ về những bom tấn chuyển nhượng sau khi rời Dortmund thời gian qua. Trước Haaland, một cầu thủ trẻ đình đám khác là Dembele chẳng khác nào "cá rời bể" khi gia nhập Barca.
Dù là cầu thủ đắt giá thứ nhì Barca, khi chuyển đến năm 2017 với số tiền 105 triệu euro, Dembele liên tục chấn thương. Những pha đi bóng chết người và dứt điểm lạnh lùng không còn, thay vào đó là việc cầu thủ người Pháp liên tục nằm viện. Trong 5 năm ở Tây Ban Nha, Dembele ra sân trung bình khoảng 30 lần mỗi mùa, và phân nửa là dự bị. Anh thậm chí suýt bật bãi khỏi Barca, trước khi chấp nhận giảm lương để ở lại mùa hè này.
Dembele không phải món hàng "bịp" duy nhất mà Dortmund từng đem bán. Trước cầu thủ chạy cánh này phải kể tới Mario Gotze. Thần đồng nước Đức được Dortmund bật đèn xanh cho cập bến Bayern Munich hè 2013, với giá 37 triệu euro. Dù vậy, Gotze gần như không thể duy trì sự ổn định và phải bán xới trở lại Dortmund sau vỏn vẹn 3 năm.
Danh sách những cầu thủ rơi xuống vực sâu sau khi rời Dortmund còn có Shinji Kagawa, Nuri Sahin, Henrik Mkhitaryan. Điểm chung của họ là đều không thể thích ứng nơi bến đỗ mới (Man Utd và Real Madrid) và rơi rụng khả năng dần.
Bàn về vấn đề này, báo giới Anh từng chỉ ra một nguyên nhân, đó là việc những bài tập của Dortmund thường ở mức rất nặng. Cộng thêm cường độ hoạt động cao liên tục trên sân, cầu thủ từ đội bóng Đức này luôn bị đặt vào trạng thái phải chơi với 120%, thậm chí 150% khả năng. Bởi vậy, những chấn thương thường xảy ra.
Một lý giải nữa, cũng được giới cò cầu thủ đồn đoán, là chính sách chuyển nhượng của Dortmund. Sau khi suýt lâm cảnh phá sản và phải nhờ tới 2 triệu euro trợ giúp từ Bayern, đội chủ sân Signal Iduna Park luôn chủ trương "bơm bóng" cho một hoặc hai cầu thủ, để những người này thống trị bảng thống kê về chỉ số cá nhân và bán được với giá cao. Haaland hiện tại hay Dembele, Gotze trước đây nằm trong số đấy.
Giống nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, bóng đá ngày càng được số hóa, bằng số bàn, kiến tạo, lượt qua người... thay vì cảm nhận bằng tinh thần thủ lĩnh hay nguồn cảm hứng trên sân. Dortmund đã dựa vào đó, và tạo ra vô số trái đắng cho đối tác.