Rừng mang lại cuộc sống ấm no
Dưới tác động của 2 chế độ triều, giúp cho lượng phù sa được bồi lắng tạo ra nhiều nguồn lợi thuỷ sản có giá trị sinh sôi, phát triển như ba khía, chù ụ, ốc len, chem chép, sò huyết, vộp, cá thòi lòi..., đây là nguồn lợi tự nhiên nên có giá trị kinh tế cao. Với người dân dưới tán rừng thì những loài vật này được xem như là quà tặng từ thiên nhiên hay có thể nói theo gọi của nhân gian là “lộc trời” đã nuôi sống họ qua bao đời nay. Thậm chí, có những người tiếp nối truyền thống của gia đình bằng nghề đi rừng “hái lộc” qua nhiều thế hệ.
Bám víu vào rừng để mưu sinh suốt nhiều năm qua, gia đình ông Tạ Văn Thơ, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) xem đây là nghề chính, có thu nhập giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống. Bình quân, mỗi ngày đi rừng cho ông Thơ khoảng thu nhập trung bình hơn 300.000 đồng/ngày. Đây là khoản thu nhập khá cao đối với những hộ dân sinh sống ở khu vực ven rừng như ông Thơ.
“Rừng đã nuôi sống gia đình tôi, nhờ rừng mà gia đình tôi có những bữa cơm ngon. Với tôi, mỗi ngày đi rừng đều có tiền, hôm nào vô mánh thì kiếm được khoảng 500.000 đồng từ việc bán sản vật rừng. Còn hôm nào thất thì cũng được 200.000 – 300.000 đồng. Công việc tuy vất vả nhưng mình tự chủ và không lệ thuộc vào ai, khoẻ thì làm, mệt thì nghỉ”, ông Thơ nói. Công việc hằng ngày của ông Thơ là vào rừng đặt ba khía, chù ụ kết hợp bắt ốc len, vọp rừng... đem bán cho các vựa thu mua. Đêm đến, ông Thơ đi soi rắn nước (đẻn nước) để kiếm thêm thu nhập.
Với người dân xứ rừng ngập mặn, rừng ngoài là lá phổi xanh, điều hoà không khí trong lành thì cũng nhờ rừng, bà con có thêm sinh kế, tăng thu nhập. Giờ kinh tế khó khăn, việc tìm bán sản vật rừng được xem là nghề ổn định, tăng thu nhập giúp người dân ổn định hơn. Xác định rừng là sự sống, mang lại nhiều giá trị về kinh tế, nên mỗi lần đi rừng tôi luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm những quy định về bảo vệ rừng.
Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Đấu, ngụ huyện Ngọc Hiển thì hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn vô cùng đa dạng, tạo ra nhiều sinh kế đối với người dân lao động địa phương. Xứ rừng này, người dân sống dựa vào tán rừng nhiều lắm, đa phần là dân lao động thiếu tư liệu sản xuất.
“Với tôi rừng là nguồn sống, nên ngoài việc săn bắt sản vật thì mọi người dân nên góp phần gìn giữ, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi rừng. Riêng tôi, tôi chỉ bắt những loại sản vật như ốc len, vộp, chem chép đạt kích cỡ, những loại nhỏ, chưa đạt thì tôi không bắt. Đây là cách mà tôi có thể làm nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi có trong hệ sinh thái rừng”, ông Đấu cho biết.
Cuối tháng 10, thời tiết ở miền Tây Nam Bộ mưa nhiều, nhưng cuộc mưu sinh của những người “thợ rừng” ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển vẫn diễn ra như thường lệ. Gọi là thợ rừng vì những người này thường xuyên vào rừng săn bắt nhiều loại sản vật có trong rừng tự nhiên để bán cho các vựa thu mua ở địa phương. Họ đi rừng rất chuyên nghiệp nên biết phán đoán phương hướng, chẳng bao giờ sợ lạc. Chuyện ăn bờ ngủ bụi trong rừng vào buổi ban trưa, với họ còn thường xuyên hơn ở nhà. Có người gắn bó với cuộc sống hằng ngày ở trong rừng từ hàng chục năm qua. Với họ, rừng là máu thịt, là nguồn sống đã cưu mang, nuôi mình.
Hơn 20 năm qua, ngày nào cũng vậy, cứ tầm 9 giờ sáng là vợ chồng anh Trần Văn Linh (44 tuổi, ngụ xã Tân Ân) chuẩn bị đồ nghề, rồi cơm đùm cơm nắm xuống vỏ máy vượt quãng đường hơn chục cây số để vào rừng bắt ốc len, vọp, sò huyết... Đồ nghề mang theo khá đơn giản gồm thùng, cây móc (dùng để móc hang sâu bắt cua - PV), đôi bao tay và đồ ăn uống trong ngày là có thể hành nghề.
“Nghề này tuy cực, nhưng sống được, trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được 700.000 - 800.000 đồng. Hôm nào vô mánh, kiếm bạc triệu”, anh Linh cho biết.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết, anh Linh bắt đầu nổ máy, cùng chúng tôi men theo triền sông, phóng thẳng vào rừng, bắt đầu cho hành trình đi kiếm sản vật rừng. Tiếng máy lạch tạch đưa chúng tôi len lỏi sâu vào rừng, vòng qua những tuyến kênh, rạch dài hơn 10km rồi dừng lại cạnh bìa rừng. Sau đó, anh Linh bì bõm lội xuống bãi bồi lật lớp bùn tìm hang vộp, chem chép để bắt.
Gần 1 giờ đồng hồ len lỏi trong cánh rừng ngập mặn, khi đã thấm mệt, tất cả dừng lại uống nước để “nạp năng lượng”. Lúc này trong chiếc thùng mang theo đã có tầm 2kg đặc sản như chem chép, vộp, ốc len…
Cần bảo tồn, tái tạo
Ngồi dưới tán rừng nghỉ mệt, anh Linh chia sẻ: “Cách đây chừng 20 năm, đi rừng khỏe lắm, hôm nào nhà không có gì ăn, tôi vô rừng một lúc về là ăn cả ngày. Hồi đó, chỉ sợ thiếu gạo, còn thức ăn thì rất dễ kiếm”.
Ngược về ký ức, anh Linh kể những năm 1990 - 2000, sản vật rừng có trong tự nhiên nhiều vô kể, chỉ cần vào rừng vài giờ là có thể bắt hàng chục ký ốc len, vộp, ba khía. “Thời đó, chủ yếu bắt về làm thức ăn chứ không bán. Theo thời gian, cuộc sống phát triển, những sản vật rừng bắt đầu có giá trị do nhu cầu tiêu dùng cao, nên người dân vào rừng bắt đem bán ngày càng nhiều. Giờ, sản vật từ rừng dần ít đi, nhưng vẫn còn kiếm ăn được”, anh Linh nói.
Mỗi lần vào rừng, những người "thợ rừng" như anh Linh thường mang theo nhang trừ muỗi. Càng đi sâu vào rừng càng nhiều muỗi, nếu không có khói nhang đuổi muỗi thì chúng đốt gây ngứa ngáy rất khó chịu. “Kinh nghiệm đi rừng mấy chục năm của tôi đó, trong rừng sâu muỗi rất nhiều, không có nhang là bị chúng hút hết máu luôn”, anh Linh cười bảo.
Hiện nay, vọp được vựa thu mua với giá 80.000 đồng/kg, ốc len 100.000 đồng, sò huyết dao động từ 120.000 - 200.000 (tùy loại lớn nhỏ), ba khía 60.000 đồng/kg.
“Vợ chồng tôi đi mỗi ngày bắt được khoảng 7 - 10kg, đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Nghề này khỏe hơn đi làm hồ, mình chủ động được thời gian, khi nào mệt quá thì nghỉ”, anh Linh cho hay.
Tầm 13 giờ trưa, khi tất cả đều đã thấm mệt, lúc này chúng tôi đã bắt được khoảng 5kg vọp, ốc len, nên quyết định ra về, kết thúc một ngày mưu sinh ven rừng ngập mặn.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ khuyến ngư xã Tân Ân cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có khoảng 30 hộ dân sống bằng nghề vào rừng bắt ốc, vọp... để mưu sinh. Nghề này cho thu nhập cao, hôm nào trúng cũng kiếm cả triệu đồng, tệ lắm cũng vài trăm. Nhưng hiện nay, nguồn lợi từ rừng đã dần vơi cạn, không còn dồi dào như trước”.
Nói về kế hoạch tái sinh, phân chia khu vực khai thác theo mùa hay thả giống tái tạo…, ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Sản vật rừng từ tự nhiên hiện nay đã ít dần, nếu không có cách khai thác hợp lý, nguy cơ bị tuyệt chủng có thể xảy ra. Để tái tạo nguồn lợi sản vật rừng từ tự nhiên, ngành chức năng huyện Ngọc Hiển đã phối hợp với Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu, nhân giống thành công ba khía sinh sản. Hiện địa phương đang xây dựng mô hình nuôi thí điểm”.