| Hotline: 0983.970.780

Cần hơn 2.000 tỷ đồng để xây kè bảo vệ rừng phòng hộ

Thứ Ba 24/10/2023 , 06:42 (GMT+7)

UBND tỉnh Trà Vinh và Cà Mau vừa đề xuất Chính phủ hơn 2.000 tỷ đồng để xây kè bảo vệ bờ biển và hàng chục hecta rừng có nguy cơ bị sóng đánh trôi.

 

Theo UBND thị xã Duyên Hải (Trà Vinh), hiện chưa có giải pháp lâu dài để bảo vệ khoảng 30ha rừng phi lao do kinh phí quá lớn. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo UBND thị xã Duyên Hải (Trà Vinh), hiện chưa có giải pháp lâu dài để bảo vệ khoảng 30ha rừng phi lao do kinh phí quá lớn. Ảnh: Hồ Thảo.

Mới đây, tại hội thảo "Phục hồi và nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn ĐBSCL", các chuyên gia đã cảnh báo về nhiều diện tích rừng ngập mặn đang bị mất dần do tác động của biến đổi khí hậu ở các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Cụ thể, theo Sở NN-PTNT Cà Mau, trong 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ biển đã làm mất hơn 5.200ha rừng phòng hộ của tỉnh này và đang có chiều hướng tăng qua từng năm.  Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đang đề xuất Chính phủ đầu tư từ 900 - 1.000 tỷ đồng để khắc phục các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo vệ rừng, đảm bảo sinh kế cho người dân sống ven biển.

Đã số nông dân ven biển tại xã Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) sống bằng nghề trồng hoa màu. Ảnh: Hồ Thảo.

Đã số nông dân ven biển tại xã Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải, Trà Vinh) sống bằng nghề trồng hoa màu. Ảnh: Hồ Thảo.

Còn theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Trà Vinh, trung bình hằng năm địa phương có 15ha rừng ven biển biến mất do sạt lở. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đang triển khai dự án phục hồi rừng ven biển giai đoạn từ năm 2021-2025, tại các huyện Châu Thành, thị xã Duyên Hải và Cầu Ngang... Theo đó, Công ty Mùa Vàng đã cam kết trồng thêm 6.000ha rừng ven biển trong giai đoạn từ năm 2021-2025 và mới đây, một Công ty từ Hàn Quốc cũng đã tài trợ tổng kinh phí 4 tỷ đồng để góp phần khôi phục rừng ven biển tại địa phương. 

Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh, cho biết: Về giải pháp lâu dài, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ đầu tư 3 dự án kè chắn sóng bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. Cụ thể, dự án thứ nhất là xây kè dài 8km từ khu vực ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa đến khu vực xã Hiệp Thạnh; Kế tiếp là dự án kè chống sạt lở dài 2km tại khu vực cù lao ấp Long Trị, xã Long Đức; Cuối cùng là dự án kè khu vực ấp Long Thành dài 2km. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho 3 dự án là gần 1.200 tỷ đồng, nhằm ổn định đời sống cho 6.058 hộ dân, tương đương khoảng 24.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở rừng phòng hộ.

Hiện Trà Vinh có khoảng 9.500ha rừng ngập mặn ven biển, đứng ở vị trí thứ 6 trong khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, tỷ lệ che phủ rừng tương đối thấp chỉ đạt 4,07%, một phần do tác động của biến đổi khí hậu.  Theo Sở NN-PTNT Trà Vinh do thời tiết cực đoan, nước biển dâng cao kết hợp với gió to và sóng lớn, làm cho tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.  Mới đây, trên địa bàn xã Trường Long Hòa và xã Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải) đã xảy ra 2 vụ sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 2km, xâm nhập vào sâu 50m, làm gần 4ha rừng phi lao bị mất trắng, khiến nhiều hộ dân có đất sản xuất bên trong rừng phòng hộ cảm thấy bất an.

Theo nhiều hộ dân ở 2 ấp Nhà Mát và Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, từ khi tỉnh triển khai trồng rừng phòng hộ ven biển, hơn 100ha đất sản xuất đã có thể canh tác hai vụ dưa và một vụ lúa mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay nông dân chỉ có thể canh tác một vụ lúa hoặc một vụ dưa hấu, bởi thường gặp thiệt hại do sương muối và gió biển do rừng phòng hộ đã mỏng dần.

Bà Nguyễn Thị Giả, ngụ tại ấp Chợ, xã Hiệp Thạnh chia sẻ: Trước đây, chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt hải sản, từ khi Nhà nước trồng rừng chắn sóng chắn gió bà con đã chuyển sang trồng màu nên thu nhập ổn định hơn. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây rừng mỏng dần làm nước biển thường xuyên tràn vào khiến nhiều diện tích hoa màu của bà con bị thiệt hại. Tôi mong chính quyền sớm làm kè chắn sóng biển để nông dân an tâm sản xuất.

Hiện nay, vùng ĐBSCL chỉ có khoảng 348 ha rừng, trong đó có 54 ha là rừng tự nhiên và 295ha là rừng trồng. Tỷ lệ diện tích rừng che phủ trên tổng diện tích đất tự nhiên của vùng chưa đạt 15%. Do đó việc bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đang là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.