Chiều 29/4, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, đã chủ trì buổi đối thoại với các chủ tàu cá, ngư dân và tiểu thương tại nhiều chợ hải sản trên địa bàn. Cuộc đối thoại diễn ra khi 3 tuần qua, hơn 200 km ven bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phát hiện hàng chục tấn cá biển bị chết hàng loạt. Đà Nẵng có tình trạng cá chết dạt bờ, nhưng rải rác, xác cá bị phân hủy mạnh do chết lâu ngày.
Khẳng định địa bàn không xảy ra cá chết hàng loạt, nhưng thông tin này đã ảnh hưởng lớn đến ngư dân và tiểu thương, ông Tám động viên: "Bà con yên tâm đánh bắt, buôn bán và thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm của mình. Thành phố sẽ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con".
Sáng 29/4, tại biển Đà Nẵng (khu vực Liên Chiểu) phát hiện thêm xác cá chết nằm rải rác. Ảnh: N.T.
Ông Nguyễn Văn Tiên, tiểu thương bán cá nục, cho rằng đáng lẽ thành phố phải tổ chức buổi đối thoại ngay từ khi có thông tin cá nhiễm độc ở Hà Tĩnh. Chính việc thiếu thông tin tương tác nên ai cũng sợ ăn cá biển, ngay cả những con cá tươi rói được nhập về, đã giảm giá bán vẫn không có nhiều người mua.
Nhiều tiểu thương khác cho biết chưa từng thấy chuyện cá chết hàng loạt ở miền Trung. Cá chết từ đèo Hải Vân đổ ra đến Hà Tĩnh, nhưng khi tiểu thương nhập cá từ Nha Trang chở ra, vẫn không bán được vì người dân không tin lời người bán về nguồn gốc cá tươi. "Trước đây, mỗi ngày tôi bán được từ 5 đến 7 tạ cá, còn giờ chưa nổi một tạ", bà Truyền (40 tuổi), nói.
Ngày đêm đối mặt với hiểm nguy từ biển cả, cá đầy khoang nhưng cập cảng vào thời điểm này không mấy ngư dân vui. Không biết bán cá cho ai vì tiểu thương và đầu mối không nhập, cá lại nằm chờ trong khoang, ngư dân Nguyễn Văn Chính nói: "Muốn thuyết phục người tiêu dùng không quay lưng với cá biển, ngư dân và tiểu thương thoát cảnh lao đao thì không còn cách nào khác là cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cá chết để thông báo cho toàn dân".
Ông Nguyễn Đỗ Tám trực tiếp lắng nghe ý kiến ngư dân và tiểu thương. Ảnh: N.T.
Để lấy lại làm tin cho người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty thủy sản Bắc Đẩu, cho rằng ngư dân không nên đánh bắt ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và phải đánh ở vùng biển cách bờ 30 hải lý. "Đây là khoảng cách an toàn, là biện pháp tức thời để lấy lại niềm tin", ông Chín nói.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đà Nẵng cho biết hiện nay vẫn chưa phát hiện cá chết ở ngoài khơi xa, do đó ngư dân Đà Nẵng nên đánh bắt ở vùng biển này. "Chi cục cũng đã có mẫu kê khai nguồn gốc xuất xứ thủy hải sản nhập vào và bán ra. Bà con hãy ký cam kết rồi thực hiện. Chi cục sẽ cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trên các phương tiện truyền thông", ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết, mục đích của buổi đối thoại nhằm lấy lại niềm tin của chính ngư dân, tiểu thương và người tiêu dùng. Các ngành chức năng Đà Nẵng sẽ làm mọi cách để người dân không quay lưng với cá không bị nhiễm độc. Phía Sở cũng sẽ thường xuyên lấy mẫu đi xét nghiệm, kiểm tra hàng ngày.