Bộ trưởng Trần Hồng Hà (đứng giữa) ra biển kiểm tra hệ thống ống xả thải của tập đoàn Formosa. Ảnh: Hương Giang.
Trước một số nghi vấn về hệ thống ống xả của Formosa xả thải ra biển gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã tới kiểm tra. Đoàn đã lấy mẫu nước, mẫu trầm tích "để xem có thành phần kim loại nặng hay không".
Trở lại nhà máy, Bộ trưởng cùng các thành viên đã thị sát hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường của tập đoàn Formosa. "Chúng tôi sẽ giao các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương trực thuộc Bộ và Sở Tài nguyên Môi trường trực tiếp làm việc với Công ty Formosa để xem xét một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải", Bộ trưởng Hà nói với lãnh đạo tập đoàn Formosa và nhấn mạnh, việc lắp đặt hệ thống xả thải, ống thải ngầm "là không cho phép".
Ông Trần Hồng Hà cũng đề nghị phải có biện pháp để giám sát hệ thống. "Thời điểm này cần phải có quan trắc với mật độ tần suất dày đặc hơn", ông nói.
Hệ thống xử lý nước thải của tập đoàn Formosa. Ảnh: Hương Giang.
Liên quan việc cá chết hàng loạt, Bộ trưởng Hà nhận định đây là thảm họa môi trường lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Theo ông, qua kiểm tra, đoàn chưa phát hiện bằng chứng về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải với thảm họa về môi trường, tuy nhiên về mặt gián tiếp thì có những vấn đề liên quan.
Ông đánh giá, các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và không có kinh nghiệm ứng phó sự cố có tính chất thảm hoạ. "Với tư cách Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này", ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà xin nhận khuyết điểm khi các bộ ngành, cơ quan lúng túng, xử lý chậm trước thảm họa môi trường. Ảnh: Hương Giang.
Bộ Tài nguyên, các ngành liên quan và các nhà khoa học đang tiếp tục xác định chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học để có biện pháp xử lý. Ông Trần Hồng Hà khẳng định Bộ sẽ làm "hết sức trách nhiệm để tìm chính xác nguyên nhân trên tinh thần công tâm, khoa học và trách nhiệm".
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết dạt bờ, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có tới 35 tấn cá nuôi bị chết.
Tối 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung. Theo đó, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa được khoanh vùng.
Tuy nhiên, nhận định này của các cơ quan chức năng đang khiến nhiều nhà khoa học, chuyên môn không đồng tình.