Hãng nghiên cứu S&P Global vừa công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam với nhiều thông tin kém tích cực về ngành sản xuất của Việt Nam sau những thiệt hại nặng nề từ bão Yagi.
Theo đó, chỉ số PMI của Việt Nam trong tháng 9 đã đã giảm từ 52,4 (tháng 8) xuống 47,3 điểm. Kết quả này báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào thời điểm cuối quý 3 của năm tới, sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Việc chỉ số giảm hơn 5 điểm cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ thời điểm tháng 11/2023. Nguyên do là bão Yagi đã khiến sản lượng ngành sản xuất sụt giảm mạnh trong tháng 9, từ đó kết thúc thời kỳ tăng trưởng kéo dài 5 tháng. Sau khi sản lượng tăng mạnh trong tháng 8, mức suy giảm trở lại trong kỳ khảo sát này là đáng kể nhất kể từ tháng 1/2023.
"Bão Yagi đã gây ra tác động nghiêm trọng với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi mưa lớn và lũ lụt khiến các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất", chuyên gia của S&P Global cho biết.
Trước diễn biến đột ngột trên, thống kê sản lượng, đơn hàng mới, số mua sắm và lượng hàng tồn kho đều đi xuống. Đơn hàng xuất khẩu mới giảm nhẹ, khiến doanh nghiệp lần đầu tiên mua sắm ít hơn sau nửa năm.
Thiên tai khiến các nhà sản xuất đã gặp phải tình trạng thời gian giao hàng từ nhà cung cấp bị kéo dài đáng kể khi lũ lụt làm gián đoạn khâu vận tải. Kết quả là tồn kho hàng mua đã giảm nhanh. Theo thống kê, mức giảm này là mạnh thứ hai trong lịch sử chỉ số, chỉ kém mức của tháng 4/2020 là tháng chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Dù vậy, S&P Global cho rằng tác động của bão Yagi chỉ là tạm thời. Khảo sát PMI cho thấy các nhà sản xuất ở Việt Nam vẫn lạc quan, tin rằng sản lượng sẽ tăng trở lại vào 2025. Đáng chú ý, tâm lý lạc quan đạt mức cao nhất trong 3 tháng qua, khi doanh nghiệp cho rằng nhu cầu sẽ sớm hồi phục.
Cũng theo S&P Global, tình hình nhu cầu sẽ vẫn có lợi cho tăng trưởng. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thấy sự bật dậy nhanh chóng của ngành sản xuất khi thời kỳ phục hồi sau bão bắt đầu. Do đó, các công ty vẫn lạc quan về triển vọng năm tới và đã tăng việc làm ngay cả khi khối lượng công việc suy giảm.