'Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ'
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đã phân tích những vấn đề nổi lên thời gian vừa qua trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bà cho rằng đây cũng là những bài học cần được tổng kết để giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới.
Đặc biệt, cần quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng các biện pháp thái quá, cực đoan. Bên cạnh những địa phương chủ động đón đầu dịch như: tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên; xét nghiệm mẫu gộp, không để lỡ giờ vàng trong phòng chống dịch... thì cũng xuất hiện các địa phương đưa ra các biện pháp chống dịch gây tranh cãi, thậm chí áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.
“Có địa phương không cho xe nông sản đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu vì mỗi tỉnh mỗi quy định”, bà nói.
Nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh thêm: “Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ”, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế.
“Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này, đặc biệt là Công điện ngày 5/6 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Một số nơi áp dụng cứng nhắc, cực đoan gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn. Đồng thời Thủ tướng cũng đã giao trực tiếp cho từng Bộ trưởng phải rà soát và xử lý ngay tình trạng này”.
Bà Thủy cho rằng, Covid-19 thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm của công dân. Những khó khăn trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động và từng doanh nghiệp. Do đó quyết định của Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới thực sự là quyết sách rất kịp thời và hợp lòng dân.
Việc ứng phó với dịch bệnh còn mang tính ngắn hạn
Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nhận định: Kinh tế xã hội của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 kéo dài phức tạp.
Tuy nhiên, việc ứng phó với dịch bệnh còn mang tính ngắn hạn. Chúng ta cần phải có các giải pháp lâu dài khi Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất mà phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh này, hướng tới trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh các giải pháp về vacxin, xét nghiệm để truy vết..., đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, sản xuất và kinh doanh là một trong hai hoạt động chủ yếu để thực hiện “mục tiêu kép”.
Bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm không bị đứt gãy trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp thì cũng rất cần quan tâm đến quyền của người lao động trong khu công nghiệp bị cách ly. Phải làm sao để họ được bảo đảm quyền lợi về ăn nghỉ, vui chơi, giải trí, đời sống gia đình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, việc Quốc hội giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động mà Nhà nước quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quyết định áp dụng các biện pháp chưa có tiền lệ hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 - một đại dịch chưa từng có trên thế giới là rất cần thiết và “cần được thực hiện ngay tại kỳ họp này”.
Ông nhấn mạnh: “Việc này tương tự như việc Quốc hội thí điểm một số chính sách mới đặc thù theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 15 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Nói về tình kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nói năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu ớt, nhất là trong bối cảnh đại dịch.
Ông phân tích, bình quân mỗi tháng trong nửa đầu năm nay có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều cùng kỳ. Trong đó, 622 doanh nghiệp vốn trên 100 tỷ đồng rút khỏi thị trường. Bình quân 3.836 doanh nghiệp thành lập mới, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ.
"Chính phủ cần nghiên cứu, giải pháp không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bớt khó khăn mà còn phải phục hồi, bứt phá", ông đề nghị.
Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay đạt 5,64%; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp 1,47%.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và chi cho công tác phòng chống Covid-19 trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 là 168.800 tỷ đồng.
Chính phủ đã trình Quốc hội các giải pháp tăng cường phòng, chống Covid-19. Nội dung này sẽ được đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội áp dụng biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, có cơ chế đặc cách trong mua sắm thuốc, vacxin...